Tro, xỉ và nỗi ám ảnh của nhiệt điện than

(BĐT) - Trong cơ cấu nguồn điện giai đoạn 2016 - 2030, nhiệt điện than (NĐT) chiếm khoảng 53% tổng sản lượng điện vào năm 2030. Với sản lượng lớn, làm thế nào đảm bảo việc phát triển NĐT gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ đầy thách thức.
Cả nước hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, thải ra hơn 16 triệu tấn tro xỉ, thạch cao. Ảnh: Tường Lâm
Cả nước hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, thải ra hơn 16 triệu tấn tro xỉ, thạch cao. Ảnh: Tường Lâm

Tro, thải là nguồn nguyên liệu quý

Nhu cầu năng lượng điện cho phát triển kinh tế thời gian tới là rất lớn trong bối cảnh nguồn thủy điện đã tới hạn, các dự án năng lượng tái tạo có suất đầu tư cao. Trong khi đó, sau thủy điện, NĐT cho giá thành điện thấp (7 cent/kWh), vốn đầu tư không quá lớn, khả năng huy động công suất lớn… có thể giải được bài toán về nhu cầu điện cho phát triển kinh tế . Thách thức đặt ra là các nhà máy NĐT có nguồn phát thải lớn ra môi trường, đặc biệt là chất thải rắn, khí.

Theo ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nếu chúng ta đặt quá cao vấn đề bảo vệ môi trường trong các dự án NĐT thì giá điện sẽ cao lên, đồng thời khó thu hút đầu tư. Song nếu chú trọng phát triển các dự án NĐT đáp ứng nhu cầu kinh tế mà lơ là bảo vệ môi trường thì hậu quả khôn lường và phải trả giá rất đắt.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt điện Việt Nam cho hay, chất thải của các nhà máy NĐT phụ thuộc rất lớn vào công nghệ xử lý. Hiện nay, trên thế giới, công nghệ xử lý chất thải của các nhà máy khá tốt, có thể không làm nguy hại đến môi trường. Đặc biệt, khi hàm lượng cacbon trong tro còn dưới 5% thì đây là nguyên liệu quý để sản xuất vật liệu xây dựng. 

Quy định còn xa rời thực tế?

Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho biết, cả nước hiện có 21 nhà máy NĐT đang hoạt động. Các nhà máy này có lượng tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, thải ra hơn 16 triệu tấn tro xỉ, thạch cao và tổng diện tích các bãi thải khoảng hơn 700 ha. Dự kiến, đến năm 2020, Việt Nam có thêm 12 dự án NĐT đi vào hoạt động. Tổng lượng tro bay, xỉ phát sinh từ các nhà máy NĐT đến năm 2020 ước khoảng 22,6 triệu tấn/năm. Nguồn này có thể tái chế sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng nếu chất thải không đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và không được giải quyết sẽ tạo ra những thách thức rất lớn cho đất nước.

Đại diện Công ty Nhiệt điện Mông Dương cho biết, Nhà máy đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, làm lãng phí gần 37.000 tỷ đồng vốn đầu tư của Nhà nước với lý do đến nay chưa có đơn vị nào đăng ký sử dụng tro, xỉ của Nhà máy. Bãi xỉ thải của Nhà máy có dung tích là 2,25 triệu m3, nhưng đến nay đã sử dụng khoảng 1,8 triệu m3. Thời gian sử dụng chỉ còn khoảng 8 tháng nữa… Mặt khác, Nhiệt điện Mông Dương 1 đầu tư 11 hạng mục dùng chung với Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2. Nếu Mông Dương 1 đóng cửa thì Mông Dương 2 cũng phải đóng cửa theo. Như vậy, mỗi ngày Mông Dương 2 đóng cửa, Chính phủ sẽ phải trả tiền cho nhà đầu tư BOT khoảng 600.000 USD/ngày. Để giải quyết khó khăn trên, Công ty đã có báo cáo tỉnh Quảng Ninh cho phép xây dựng một bãi xỉ thải mới, nhưng nếu được phê duyệt thì cũng không phù hợp với quy định.

Báo cáo của Viện Vật liệu xây dựng cho thấy, hiện nguồn chất thải của các nhà máy NĐT được xử lý, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng rất thấp. Tổng lượng tro, xỉ, thạch cao FGD chỉ được tiêu thụ vào khoảng 30% (tương đương 5 triệu tấn) so với tổng lượng thải ra hàng năm. Lượng tro, xỉ được xử lý và sử dụng còn thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế. Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất xi măng, gạch không nung và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có khả năng sử dụng tro, xỉ của nhà máy NĐT làm nguyên liệu sản xuất nhưng lại không có đủ điều kiện tiếp nhận tro xỉ theo quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (NĐ38).

Vạch rõ khó khăn của DN, ông Tịnh nói, trước đây, hầu như xỉ thải của các nhà máy NĐT không có để bán, chất thải có thể làm phụ gia cho các nhà máy xi măng, làm gạch không nung… Thế nhưng, Quy chuẩn Việt Nam số 22/2009/BTNMT và NĐ38 ra đời đã coi chất thải tro xỉ nhà máy NĐT là chất thải công nghiệp độc hại nên phải xử lý, phải cấp giấy phép cho DN sử dụng với rất nhiều thủ tục gây khó khăn cho DN. Về bãi chứa tro xỉ, theo Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014, các nhà máy điện chỉ được cấp diện tích bãi chứa tro xỉ đủ dùng trong 2 năm. Nếu không có biện pháp xử lý tro xỉ thì 2 năm không có ý nghĩa gì đối với tuổi đời của nhà máy nhiệt điện.