Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được đề xuất đặt tại Đồng bằng sông Hồng (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Trương Gia |
Mô hình hiện đại, tầm cỡ
Theo bà Phạm Ánh Tuyết, đại diện đơn vị tư vấn - Tập đoàn Tư vấn Boston - BCG (Mỹ), trên thế giới đã có nhiều bài học thành công trong việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo đem lại tác động kinh tế rất lớn với việc hình thành và tập trung các công ty công nghệ tỷ USD và hàng chục ngàn việc làm chất lượng cao. Điển hình như: Trung Quân Thôn tại Bắc Kinh (Trung Quốc); Thành phố truyền thông số tại Seoul (Hàn Quốc); CyberSpark tại Beer Sheva (Israel) chuyên về an ninh mạng. Các trung tâm này đều có xuất phát điểm không nhiều thuận lợi, song đã bứt phá ngoạn mục với số lượng sáng chế lớn và môi trường làm việc tốt.
Tại Việt Nam, BCG đề xuất, NIC sẽ đặt ở Đồng bằng sông Hồng (Khu công nghệ cao Hòa Lạc) với quy mô kinh tế chiếm hơn 1/4 GDP của cả nước và là nơi có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực cho kinh tế Việt Nam khi đi đúng hướng.
4 lĩnh vực mà NIC có thể lựa chọn tập trung đầu tư bao gồm: Trung tâm có thể là hạt nhân đổi mới cho sản xuất thông minh, tập trung đưa ứng dụng nhà máy thông minh và phát triển sản phẩm cho các nhà máy tương lai với hàm lượng tự động hóa ngày càng nhiều; nơi thúc đẩy ứng dụng và phát triển sản phẩm/dịch vụ cho các thành phố thông minh với môi trường bền vững; tụ điểm mới thúc đẩy ngành truyền thông số; nơi phát triển các ứng dụng an ninh mạng cho các cơ quan chính phủ cũng như các công ty, doanh nghiệp (DN) hoặc sử dụng cho cá nhân.
Về phương án kiến trúc, BCG giới thiệu 2 phương án là mô hình kiến trúc ruộng bậc thang và mô hình cánh sen được thiết kế dựa trên những đặc điểm văn hóa đặc trưng của Việt Nam.
Với mô hình đề xuất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng: “NIC phải là trung tâm hiện đại, tầm cỡ, hấp dẫn nhất trong khu vực và thế giới nhằm thu hút các DN công nghệ, các nhà nghiên cứu, chuyên gia khoa học công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới, đưa Việt Nam bắt kịp, đi cùng và vượt lên trong CMCN 4.0”.
Cần tư duy mới, cách quản lý mới
Chia sẻ bài học để các trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới gặt hái được thành công, bà Tuyết chỉ ra điểm chung lớn nhất là các trung tâm này phải có môi trường kinh doanh rất tốt và các chính sách cạnh tranh.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Mục tiêu cuối cùng của NIC là nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như sự thịnh vượng, nhưng quan trọng phải có một nền tảng chính sách tốt”. Theo ông Cung, nền tảng chính sách tốt ở đây chính là tư duy mới, cách quản lý mới để phát triển công nghệ mới.
Do đó, 3 cải cách đối với DN tại NIC được ông Cung đề xuất là: Hỗ trợ gia nhập thị trường; hỗ trợ hoạt động; hỗ trợ thương mại và rút lui. Về hỗ trợ gia nhập thị trường, để không mất thời gian của DN, sẽ miễn tất cả các thủ tục hành chính (cấp phép tự động) cho các hoạt động như: thành lập DN trong NIC; thành lập trung tâm hoặc DN chuyển giao công nghệ… “Có thể đăng ký kinh doanh các DN startup không cần ghi ngành nghề kinh doanh nữa”, ông Cung nói. Cũng theo chuyên gia này, đó là những thay đổi không mất tiền, chúng ta có thể làm ngay và khi làm được rồi, với thể chế chính sách phù hợp thì tiền bạc, công nghệ sẽ tự động đến.
Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng có cái nhìn đồng điệu.
Theo ông Huy, NIC muốn thu hút nhân tài thì cần phải thay đổi tư duy bằng một cơ chế vượt trội về môi trường pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo. “Trong các chức năng, nhiệm vụ của NIC mà tư vấn đưa ra chưa có chức năng, nhiệm vụ thử nghiệm về thể chế. Tư vấn phải làm đậm cái này để tư vấn cho Việt Nam có được mô hình tốt”, ông Huy yêu cầu.
Khẳng định cơ chế chính sách vượt trội sẽ là lực hút nhân tài, DN khoa học công nghệ về NIC, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Bộ KH&ĐT sẽ cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ… nghiên cứu đề xuất một thể chế vượt trội cho NIC”.