Nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu chưa quan tâm đúng mức đến vật liệu xây dựng sản xuất trong nước. Ảnh: Lê Tiên |
Tốc độ tăng trưởng khá, thị trường rộng mở
Theo ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD thuộc Bộ Xây dựng, trong những năm gần đây, tốc độ đầu tư sản xuất các sản phẩm VLXD tại Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao. Do đó, Việt Nam từ nước phải nhập khẩu hầu hết các sản phẩm VLXD đã đáp ứng nhu cầu và còn dư tới 30% công suất để phục vụ cho xuất khẩu. Nhiều sản phẩm như gạch ốp lát, sứ vệ sinh đã xuất khẩu đi gần 40 quốc gia trên thế giới. Trong năm 2016, giá trị xuất khẩu VLXD vượt con số 1 tỷ USD.
Đề cập về vấn đề công nghệ sản xuất, ông Bắc cho rằng, Việt Nam là nước đầu tư phát triển VLXD muộn nên được đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại hơn so với các nước trong khu vực. Trong ngành xi măng, gần như công nghệ sản xuất clinker bằng lò đứng đã dừng sản xuất, thay vào đó là công nghệ lò quay hiện đại theo phương pháp khô có xiclon trao đổi nhiệt. Lĩnh vực kính phẳng hiện có 5 nhà máy sản xuất kính nổi với công suất 140 triệu m2/năm; 3 nhà máy kính cán công suất 55 triệu m2/năm… đều sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng.
Đặc biệt, ở lĩnh vực sản xuất VLXD thân thiện môi trường, ông Bắc cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách để khuyến khích DN sản xuất VLXD ứng dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến vào sản xuất vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng. Đề án đã tạo hành lang pháp lý cho việc sản xuất VLXD từ nguồn nguyên liệu thứ sinh thay thế cho nguyên liệu nguyên sinh để giảm bớt phế thải cũng như ô nhiễm môi trường.
Dự báo về tình hình tiêu thụ, sản xuất VLXD năm 2017, ông Bắc nhận định, sản lượng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, cơ hội cho DN sản xuất VLXD xanh, tiết kiệm năng lượng là rất lớn.
Nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó
Ông Vũ Đức Quyển, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn công nghệ gạch không nung Việt Nam chia sẻ, sản phẩm gạch không nung xi măng cốt liệu mịn sản xuất trên dây chuyền công nghệ ép tĩnh thủy lực của Công ty được giới chuyên môn đánh giá chất lượng rất tốt, giá cả hợp lý. Mặc dù vậy, DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa sản phẩm này vào các công trình sử dụng vốn nhà nước.
Theo ông Quyển, hầu hết các nhà thầu tư vấn thiết kế chưa biết được hết những tính năng ưu việt của các sản phẩm mới. Trong khi đó, các nhà cung cấp thì cứ âm thầm sản xuất mà không có chương trình quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Bên cạnh đó, trên thị trường hiện nay cũng xuất hiện nhiều sản phẩm gạch không nung, nhưng chất lượng vẫn còn nhiều vấn đề gây tâm lý bất an cho người tiêu dùng. Chung quan điểm này, đại diện Công ty CP Cơ khí và VLXD Thanh Phúc - DN chuyên sản xuất gạch ngói không nung thông tin, trên thị trường vẫn xuất hiện một số sản phẩm có chất lượng thấp đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của DN làm ăn chân chính.
Nhằm thúc đẩy sử dụng vật liệu không nung tại các công trình xây dựng, đại diện Hội VLXD Việt Nam đề xuất, các ngành, các cấp cần quán triệt nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung cũng như các văn bản hướng dẫn về vấn đề này. Ông Nga nhấn mạnh: “DN sản xuất VLXD muốn khách hàng tin dùng thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng. Các chủ đầu tư/bên mời thầu cũng cần quan tâm hơn trong việc sử dụng các sản phẩm VLXD trong nước sản xuất được mà có chất lượng tốt nhằm thúc đẩy DN, đất nước phát triển”.
Tán thành quan điểm này, ông Quyển cho rằng, cơ quan có thẩm quyền nên có đánh giá về thực trạng công nghệ cũng như chất lượng sản phẩm của từng nhà máy, từ đó công khai danh sách những DN có sản phẩm có chất lượng để khách hàng biết và chọn lựa. “Nếu không, nghiễm nhiên các nhà thầu cứ thấy vật liệu rẻ thì mua mà chất lượng sản phẩm không đáp ứng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công trình”, ông Quyển nhấn mạnh.