VCCI góp ý sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Bổ sung quy định về hạn mức tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó, một điểm được dư luận quan tâm và cho rằng cần làm rõ là hạn mức tăng trưởng tín dụng. Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bổ sung quy định về chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng vào Dự thảo Luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên đưa vào Luật mà nên kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo các tiêu chí về an toàn vốn, khả năng kiểm soát rủi ro.
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng mở rộng phạm vi điều chỉnh sẽ góp phần thúc đẩy xử lý nợ xấu. Ảnh: Tiên Giang
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng mở rộng phạm vi điều chỉnh sẽ góp phần thúc đẩy xử lý nợ xấu. Ảnh: Tiên Giang

Góp ý cho Dự thảo Luật, VCCI cho rằng cần có quy định về chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng. Theo VCCI, chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng là một trong những chính sách có ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, qua rà soát của VCCI, cơ sở pháp lý của chính sách này rất mỏng. Điểm e Khoản 2 Điều 59 của Luật NHNN Việt Nam 2010 quy định: “Tùy theo tính chất, mức độ rủi ro, NHNN còn áp dụng các biện pháp xử lý sau đây đối với đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng: e) Quyết định giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với TCTD trong những trường hợp cần thiết bảo đảm an toàn cho TCTD và hệ thống các TCTD”.

Quy định này không rõ biện pháp giới hạn tăng trưởng tín dụng sẽ được áp dụng rộng rãi, đại trà cho tất cả các TCTD hàng năm, hay chỉ áp dụng cho một số TCTD mà qua thanh tra, giám sát phát hiện rủi ro cao hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài quy định trên, qua rà soát của VCCI, hiện không có quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Điều này dẫn đến sự không rõ ràng, thậm chí có nguy cơ tùy nghi trong việc phân bổ giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng vào Dự thảo Luật và trình Quốc hội quyết định.

Từ góc nhìn chuyên gia, TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, hiện NHNN sử dụng việc phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng để điều tiết nguồn tiền tín dụng trong nền kinh tế, phục vụ các mục tiêu vĩ mô. Đây là công cụ phải sử dụng trong bối cảnh thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn đang phát triển. Về lâu dài, cần hướng tới kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo các tiêu chí về an toàn vốn, khả năng kiểm soát rủi ro. Do đó, nếu đưa nội dung này vào Luật Các TCTD thì khi cần bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng lại phải trình ra Quốc hội để sửa Luật.

Một điểm đáng chú ý tại Dự thảo là mở rộng phạm vi điều chỉnh. Luật Các TCTD hiện hành có đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể TCTD; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh nhóm đối tượng trên, Dự thảo Luật bổ sung: “việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD”.

Đánh giá cao nội dung được bổ sung, TS. Châu Đình Linh cho rằng, với việc mở rộng phạm vi như vậy, các tổ chức của Nhà nước thực hiện xử lý nợ xấu (như VAMC) cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Các TCTD, đồng bộ với quá trình thúc đẩy xử lý nợ xấu hiện nay.

Theo Quyết định 43/QĐ-NH14 ngày 26/2/1996 của NHNN về hạn mức tín dụng, hàng quý, NHNN giao hạn mức tín dụng cho từng TCTD và quản lý kiểm soát quá trình thực hiện hạn mức tín dụng đối với tất cả các TCTD được giao.

Theo tìm hiểu, hiện nay hạn mức tín dụng được NHNN giao căn cứ vào một số tiêu chí cơ bản như kết quả xếp hạng TCTD, mức độ tập trung tín dụng, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý TCTD yếu kém, tình hình thực tiễn thị trường...

Nội dung đáng chú ý khác tại Dự thảo là sửa đổi quy định về bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi TCTD dừng giao dịch (tại Điều 10, Khoản 5).

Theo Dự thảo, TCTD công bố thời gian giao dịch chính thức và không được tự ý ngừng giao dịch vào thời gian đã công bố. Trường hợp ngừng giao dịch trong thời gian giao dịch chính thức, TCTD phải niêm yết tại nơi giao dịch hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của TCTD chậm nhất 24 giờ trước thời điểm ngừng giao dịch. TCTD không được phép ngừng giao dịch quá 1 ngày làm việc.

Góp ý nội dung này, VCCI cho rằng, quy định này mới chỉ áp dụng cho hình thức giao dịch trực tiếp. Trong khi đó, hiện nay hầu hết các ngân hàng đều đã có hình thức giao dịch trực tuyến qua website hoặc các ứng dụng điện thoại.

Các ý kiến cho rằng, việc dừng giao dịch trực tuyến tiềm ẩn một số rủi ro. Trong trường hợp dừng giao dịch trực tuyến kèm với một số tin tức tiêu cực về ngân hàng đó có thể dẫn đến việc người dân lo lắng và rút tiền hàng loạt như từng diễn ra với trường hợp của Ngân hàng SCB cuối năm 2022. Do đó, quy định về dừng giao dịch trực tuyến cần được nghiên cứu và thiết kế một cách thận trọng.

VCCI đề xuất cân nhắc một số quy định. Theo đó, trong trường hợp ngân hàng dừng giao dịch trực tuyến vì các lý do kỹ thuật (như để bảo trì máy móc) thì phải chủ động thông báo trước cho khách hàng. Trong trường hợp ngân hàng dừng giao dịch trực tuyến nhằm chặn người dân rút tiền hàng loạt thì cần có hướng xử lý kỹ hơn, ví dụ quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục, nghĩa vụ báo cáo đối với trường hợp này.

Tin cùng chuyên mục