Ảnh Internet |
Trong 6 tháng phải quyết toán công trình
Theo số liệu thống kê của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hiện trên hệ thống quốc lộ và cao tốc có 86 trạm thu phí BOT do bộ này quản lý, trong đó có 74 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và 12 hệ thống thu phí trên đường cao tốc.
Điều 53 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) quy định: “Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hoàn thành công trình dự án, nhà đầu tư thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thỏa thuận với nhà đầu tư việc lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập, có năng lực và kinh nghiệm để thực hiện việc kiểm toán giá trị vốn đầu tư xây dựng công trình dự án”. Mặc dù quy định này có hiệu lực từ ngày 10/4/2015 và rất nhiều công trình BOT đã được đưa vào vận hành và thu phí trước năm 2016. Thế nhưng, cho đến nay số lượng các dự án BOT thực hiện quyết toán công trình vẫn còn khá khiêm tốn. Theo nguồn tin riêng của Báo Đấu thầu, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 10% dự án BOT do Bộ GTVT quản lý được quyết toán.
Trong một lần đăng đàn gần đây, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, vẫn còn nhiều cơ hội để giảm phí BOT bởi vì nhiều dự án BOT hiện còn những khoản dư chưa sử dụng so với dự toán và đây là cơ sở cho việc tính toán giảm phí hoặc giảm thời gian hoàn vốn. Các nhà đầu tư sẽ tính toán lại mức phí trên cơ sở khoản dự phòng khối lượng, lãi vay không sử dụng hết do tiết kiệm và rút ngắn được thời gian thi công tại các dự án BOT. Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan liên quan, phải nhanh chóng quyết toán dự án, đây là cơ sở để giảm mức phí BOT cho người dân và doanh nghiệp.
“Đặc quyền” của nhà đầu tư khi chưa quyết toán
Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối với dự án được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, quá trình thực hiện dự án được cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, đối với dự án BOT, thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm soát chi phí ở bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi; còn việc lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán, triển khai thi công do nhà đầu tư kiểm soát. Sau đó, việc quyết toán giá trị hợp đồng dự án mới được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận trên cơ sở báo cáo quyết toán do nhà đầu tư lập được tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán.
Một số chuyên gia cho biết, chính vì nhà đầu tư BOT được trao quá nhiều quyền trong quá trình thực hiện dự án BOT mà không bị kiểm soát chặt chẽ nên trong nhiều trường hợp, tổng mức đầu tư dự án BOT bị “thổi phồng” lên. Khi tổng mức đầu tư bị “đội lên cao”, việc quyết toán chi phí xây dựng công trình - cơ sở cho việc điều chỉnh mức phí, thời gian thu phí của các dự án BOT bị chậm trễ thì hơn ai hết, gánh nặng sẽ đè lên vai người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, các thông tư thu phí BOT đang dựa vào tổng mức đầu tư dự án để tính toán mà đáng ra, mức thu phí này phải dựa vào giá trị quyết toán công trình.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia cho biết, nhiều nhà đầu tư BOT đã “vận dụng” kẽ hở chậm quyết toán toán công trình này để bổ sung, đầu tư một số hạng mục công trình BOT (thậm chí là gộp dự án khác vào dự án BOT) nhằm “tiêu hết tiền dư”, hợp lý hóa tổng mức đầu tư ban đầu (thường là cao hơn rất nhiều so với giá trị quyết toán công trình). Vị chuyên gia này cho biết, nếu công trình BOT sớm được quyết toán thì nhà đầu tư “không có đất để tung hoành” như vậy, không thể tự ý làm thêm các hạng mục công trình, xong xuôi rồi mới xin các cơ quan nhà nước phê duyệt bổ sung hạng mục công trình. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư, bằng cách này hay cách khác, né tránh, kéo dài thời gian quyết toán công trình bởi những “đặc quyền”, lợi ích mà nhà đầu tư tại các dự án BOT khi công trình chưa quyết toán là không nhỏ.