Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Đình Quý tại lễ đặt cờ của 5 nước Ủy viên không thường trực HĐBA - Ảnh: BNG
Lễ đặt cờ của 5 nước Ủy viên không thường trực mới của HĐBA (UVKTT HĐBA) nhiệm kỳ 2020-2021 (Estonia, Niger, Saint Vincent và Grenadines, Tunisia và Việt Nam) đã được tổ chức trang trọng tại trước phòng họp của HĐBA. Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Đình Quý nhấn mạnh việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA, đồng thời là Chủ tịch luân phiên HĐBA trong tháng đầu tiên là vinh dự hết sức lớn lao. Đại sứ khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để đóng góp vào công việc của HĐBA nhằm bảo đảm việc tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đồng thời tỏ mong muốn các nước ủng hộ những nỗ lực Việt Nam, không chỉ trong Tháng Chủ tịch mà trong cả thời gian sắp tới. Sau phát biểu, Đại sứ Đặng Định Quý đã cắm quốc kỳ Việt Nam vào hàng cờ của các nước Ủy viên HĐBA Liên Hợp Quốc.
Sáng cùng ngày, HĐBA đã thông qua chương trình làm việc tháng 1/2020 do Việt Nam đề xuất. Theo đó, dự kiến HĐBA sẽ có 12 cuộc họp công khai, 15 cuộc họp kín thảo luận về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực như tình hình Trung Đông, Syria, Yemen, Tây Phi, Sahel, Mali, Libya, Trung Á và Síp. Các cơ quan trực thuộc của HĐBA cũng sẽ có nhiều cuộc họp trong tháng về các vấn đề như các lệnh trừng phạt, chống khủng bố, tòa án, trẻ em và xung đột vũ trang, các vấn đề thủ tục…
Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và ASEAN là hai hoạt động quan trọng của HĐBA trong tháng 1/2020.
Thời điểm Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐBA Liên Hợp Quốc có ý nghĩa đặc biệt. Đây là tháng đầu tiên kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc, cũng là 75 năm ký Hiến chương Liên Hợp Quốc. Cùng với đó là việc Việt Nam bắt đầu năm Chủ tịch ASEAN 2020. Nhân dịp này, Việt Nam đã đề xuất và nhận được được sự tán thành cao của tất cả các nước Ủy viên HĐBA trong việc tổ chức một thảo luận mở về Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc vào ngày 9/1/2020 và một cuộc họp về Hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế vào ngày 23/1/2020.
Các đề xuất của Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy vai trò của chủ nghĩa đa phương, Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vì một thế giới hòa bình, công bằng và tốt đẹp hơn. Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn tăng cường hiệu quả hợp tác và quan hệ Đối tác toàn diện giữa ASEAN và Liên Hợp Quốc, vì lợi ích chung của các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế.
Ngay sau khi họp thông báo chương trình làm việc tháng 1/2019 của HĐBA cho các nước thành viên Liên Hợp Quốc ngoài HĐBA, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Đình Quý đã chủ trì Họp báo quốc tế trên cương vị Chủ tịch HĐBA. Buổi họp báo thu hút hơn 60 phóng viên, đại diện các hãng thông tấn, báo chí thường trú tại Liên Hợp Quốc tham dự và 19 lượt câu hỏi và trả lời về công việc của HĐBA, chính sách đối ngoại của Việt Nam và những ưu tiên của Việt Nam trong Tháng Chủ tịch.
Là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, HĐBA được các quốc gia thành viên trao trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế (đoạn 1 Điều 24, Hiến chương Liên Hợp Quốc). Theo Điều 4 và 25 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc đồng ý chấp nhận và thực thi các quyết định của HĐBA. Các quyết định và nghị quyết của HĐBA theo chương VII Hiến chương, khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành.
HĐBA gồm 15 thành viên: 5 thành viên thường trực (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ) và 10 thành viên không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu. 10 ghế không thường trực HĐBA được phân theo khu vực địa lý (hiện nay là Estonia, Bỉ, CH Dominica, Đức, Indonesia, Niger, Saint Vincent&Grenadines, Nam Phi, Tunisia và Việt Nam).
Theo thống kê, trong năm 2019, HĐBA Liên Hợp Quốc đã tổ chức 258 cuộc họp chính thức (trong đó có 243 cuộc công khai) và 137 cuộc tham vấn./.