Việt Nam giữ sức hút với đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù tình hình kinh tế thế giới nhiều khó khăn, nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vẫn tin tưởng rót vốn vào Việt Nam, thể hiện rất rõ qua số vốn điều chỉnh tăng thêm và vốn thực hiện trong 6 tháng qua. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã, đang chọn Việt Nam làm cứ điểm mới và dòng vốn ĐTNN chất lượng cao được kỳ vọng sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam nếu chúng ta tranh thủ được cơ hội.
6 tháng đầu năm 2022, vốn đăng ký tăng thêm của các nhà đầu tư nước ngoài đạt 6,82 tỷ USD, tăng 65,6% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tiên Tấn
6 tháng đầu năm 2022, vốn đăng ký tăng thêm của các nhà đầu tư nước ngoài đạt 6,82 tỷ USD, tăng 65,6% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tiên Tấn

Điểm đến hấp dẫn

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn ĐTNN đăng ký vào Việt Nam trong 6 tháng đạt 14,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ 2021 nhưng nếu phân tích chi tiết thì vẫn thấy xu hướng tích cực. Bởi vì trong quý I/2021 có 2 dự án quy mô tỷ USD đăng ký mới gồm Dự án Nhà máy Điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD. Nếu loại trừ yếu tố đột biến trong quý I/2021 (4,41 tỷ USD của 2 dự án nêu trên) thì tổng vốn đăng ký ĐTNN 6 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng 29,2% so với cùng kỳ 2021.

Đặc biệt, điểm sáng trong thu hút FDI 6 tháng đầu năm là vốn đăng ký tăng thêm của các nhà đầu tư nước ngoài tăng rất mạnh 65,6% (đạt 6,82 tỷ USD). Vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI cũng đạt gần 10,1 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ 2021. Tổng cục Thống kê nhận định, số liệu này cho thấy, nhà ĐTNN vẫn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư, kinh doanh, tiếp tục mở rộng đầu tư khi Việt Nam thực hiện các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau gần hai năm hạn chế bởi dịch bệnh Covid-19. Trong trạng thái bình thường mới, cơ hội của Việt Nam đang rộng mở, có thể tin tưởng rằng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam trong thời gian tới.

Thực tế, đang có nhiều tín hiệu rất tích cực cho thấy dòng vốn chất lượng cao dịch chuyển sang Việt Nam. Theo bà Bùi Kim Thùy, Đại diện cấp cao tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá, chính sách của Chính phủ rất tiến bộ, sự hỗ trợ của các bộ ngành rất kịp thời và coi Việt Nam là trung tâm mới. Đại diện USABC chia sẻ, không chỉ Apple cũng dịch chuyển nhiều khâu sản xuất yếu tố đầu vào sang Việt Nam, Boeing đã có những cuộc làm việc tại Việt Nam và dự kiến tổ chức hội nghị kinh doanh lớn vào tháng 8 tới đây, mở đầu cho chiến lược biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghiệp hàng không.

Nhiều giải pháp duy trì sức hút

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu 2022 đứng trước nhiều biến cố khó lường, xu hướng chuyển dịch của doanh nghiệp điện tử sẽ tiếp tục trong năm 2022. Các hãng lớn trên thế giới đang tìm đến thị trường Việt Nam do lợi thế địa chính trị ổn định, kiểm soát dịch bệnh tốt.

Để nắm được cơ hội này, bà Hương kiến nghị Chính phủ có chính sách chọn lọc quy mô lớn nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn có công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới, đi kèm điều kiện sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Việc thu hút FDI tại Việt Nam cần tạo sức lan tỏa để doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội việc làm và tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn. Đồng thời, Chính phủ nên có thêm chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng lao động.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lưu ý một vấn đề mới phát sinh có thể ảnh hưởng lớn đến thu hút ĐTNN là việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu làm giảm sự hấp dẫn của chính sách ưu đãi ĐTNN. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI lưu ý trong bối cảnh hiện nay Chính phủ nên thành lập tổ công tác để nhanh chóng rà soát, đánh giá tác động cụ thể, đề xuất phương án, lộ trình tham gia phù hợp để vẫn giữ được sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là xu thế tốt và Việt Nam sẽ phải tham gia. Tuy nhiên, tham gia thế nào, lộ trình ra sao cần nghiên cứu để bảo đảm khuyến khích thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp thu hút dòng vốn FDI có chất lượng được Bộ KH&ĐT tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, sẽ tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà ĐTNN; tập trung phát huy lợi thế như môi trường chính trị ổn định, vị trí thuận lợi, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh từ cải thiện môi trường kinh doanh, nguồn lao động, hạ tầng... vốn là những yếu tố cơ bản mà nhà đầu tư quan tâm khi đưa ra quyết định đầu tư kinh doanh.