Việt Nam sẵn sàng đón dự án công nghiệp bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng cũng như chuẩn bị mặt bằng sạch…, sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư của các doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thông tin này tại Tọa đàm “Sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam” tổ chức ngày 7/12 tại Hà Nội.
Nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán dẫn như Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon… đã đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán dẫn như Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon… đã đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Sẵn sàng đón dự án mới

Thông tin trước các nhà đầu tư tại Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vừa qua, Việt Nam - Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này khẳng định rõ tiềm năng to lớn để Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn. Để triển khai nội dung hợp tác phát triển ngành bán dẫn, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đón nhận dự án đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Cụ thể, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế “một cửa” giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư thông qua các ban quản lý khu công nghệ cao (KCNC), khu công nghiệp, khu kinh tế tại các địa phương. Vừa qua, Ban Quản lý KCNC Hòa Lạc cũng được kiện toàn tổ chức để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thu hút và quản lý đầu tư.

Về bài toán nguồn nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo, giao Bộ KH&ĐT xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50 nghìn nhân lực đến năm 2030, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. “Đề án đang hoàn thiện giai đoạn cuối cùng để trình Chính phủ ban hành và Việt Nam đã ký hợp tác với trường đại học của Hoa Kỳ để triển khai”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), và mới đây đã khánh thành cơ sở NIC tại KCNC Hòa Lạc, đủ sức đón nhận các dự án đầu tư, nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn. 3 KCNC tại TP.HCM, Hòa Lạc và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.

Về vấn đề cung ứng điện cho cho phát triển, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp điện ổn định, bền vững phục vụ các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án công nghệ cao và ngành bán dẫn. Đồng thời, chuẩn bị đủ mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, KCNC… nhằm tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh của các dự án.

“Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành bán dẫn. Hiện chúng tôi đang tích cực xây dựng, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT thông tin.

Thông tin thêm về việc chuẩn bị nguồn nhân lực, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, số lượng sinh viên theo học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) chiếm 33% và tăng khoảng 10% trong 3 năm qua. Việt Nam có thế mạnh trong đào tạo toán và hóa học… “Đây là những nền tảng tốt trong các ngành bán dẫn, công nghệ thông tin”, ông Phúc đánh giá.

Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo, phát triển 50 nghìn nhân lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Ảnh minh họa: Hà Lê

Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo, phát triển 50 nghìn nhân lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Ảnh minh họa: Hà Lê

Nhà đầu tư lên kế hoạch “đổ bộ”

Tại Tọa đàm, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) chia sẻ, đây là lần thứ 3 ông đến Việt Nam trong năm nay nhằm tăng cường hợp tác và thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn.

Theo ông John Neuffer, công nghiệp bán dẫn đóng vai trò là xương sống cho sự đổi mới và tiến bộ trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, ô tô, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… Nhiều doanh nghiệp thành viên của SIA đã đầu tư tại Việt Nam như Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon… Đặc biệt, với dự báo tích cực về triển vọng của ngành công nghiệp bán dẫn cũng như kinh tế Việt Nam thời gian tới, nhiều doanh nghiệp đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư của họ.

Đơn cử, đầu tháng 5/2023, Marvell tuyên bố sẽ thành lập trung tâm R&D lớn nhất thế giới tại TP.HCM, đây sẽ là một trong những trung tâm R&D lớn nhất của Marvell bên cạnh các trung tâm ở Mỹ, Ấn Độ và Israel. Từ năm 2006, Intel đã đầu tư hơn 1,5 tỷ USD và đang bắt đầu giai đoạn thứ hai mở rộng hoạt động ATM (lắp ráp và kiểm định). Trên thực tế, Intel Products Việt Nam đã chiếm hơn 70% tổng khối lượng ATM của Intel, tạo ra hơn 7.000 việc làm.

“Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”, ông John Neuffer nhìn nhận.

Bà Sherry Gu, Giám đốc Chiến lược toàn cầu của ARM cho biết, ARM mong muốn tăng cường mối quan hệ hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. “ARM sẵn sàng hỗ trợ đào tạo sinh viên cũng như đào tạo lại kỹ năng cho lao động Việt Nam trong lĩnh vực này...”, bà Gu cam kết.

Đại diện Qualcomm thì chia sẻ, Tập đoàn đã hợp tác với các đối tác Việt Nam khoảng 20 năm trong suốt quá trình chuyển đổi số. Qualcomm cũng có kế hoạch mở rộng hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo.

Ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng ban Ban Quản lý KCNC Hòa Lạc (Hà Nội):

TP. Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư cho KCNC Hòa Lạc nhằm bảo đảm hạ tầng tốt nhất để chào đón các nhà đầu tư bán dẫn. Cụ thể, Thành phố sắp đầu tư tuyến đường sắt cao tốc lên KCNC Hòa Lạc và hoàn thiện hạ tầng logistics… Mới đây, NIC Hòa Lạc đã được khánh thành, tạo điều kiện lý tưởng về hạ tầng, môi trường thể chế và thử nghiệm chính sách, để đón doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ. Từ đó, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam phát triển và vươn tầm thế giới.

Hiện KCNC Hòa Lạc cũng có nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp tại chỗ. KCNC Hòa Lạc quy tụ nhiều trường đại học như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học FPT… có đào tạo chuyên ngành phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn. Thời gian tới, nơi đây cũng tiếp tục đón nhiều trường đại học khác tạo thành cơ sở đào tạo nhân lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh:

Bắc Ninh đang có những dư địa rất tốt để đón nguồn vốn từ nước ngoài, trong đó có lĩnh vực bán dẫn. Cụ thể, Bắc Ninh có vị trí địa lý thuận lợi gần Thủ đô Hà Nội, giao thông tốt, hạ tầng khu công nghiệp được đầu tư bài bản. Đến nay, Bắc Ninh là khu vực có hạ tầng công nghiệp lớn nhất miền Bắc để trở thành trung tâm nghiên cứu sáng tạo chuyển giao. Bắc Ninh cũng có những chính sách để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như: hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên đối với lĩnh vực công nghệ cao; năm 2024, HĐND Tỉnh dự kiến ban ngành nghị quyết hỗ trợ đào tạo sinh viên chuyên ngành bán dẫn…

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý KCNC TP.HCM:

TP.HCM sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào ngành bán dẫn. TP.HCM có hệ sinh thái tương đối liền mạch, sở hữu nguồn nhân lực trình độ cao, có văn hóa về đổi mới sáng tạo. Từ năm 2002, Thành phố đã có trung tâm đào tạo bán dẫn với Synosys, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng…

Tin cùng chuyên mục