Lũy kế đến tháng 11/2016, Mỹ đầu tư 815 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 10,07 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên |
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), lũy kế đến tháng 11/2016, Mỹ đầu tư 815 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 10,07 tỷ USD, xếp thứ 8/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết luồng vốn đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam, do có một số công ty Mỹ như Tập đoàn Intel, Coca Cola, Procter & Gamble, Chevron, ConocoPhillips… đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con đăng ký tại Singapore, Hồng Kông...
Việt Nam cũng đã có 147 dự án đầu tư sang Mỹ, với tổng vốn đăng ký 571,38 triệu USD. Mỹ hiện đứng thứ 9 trong số 68 quốc gia tiếp nhận đầu tư trực tiếp của Việt Nam.
Niềm tin của doanh nghiệp Mỹ với môi trường đầu tư của Việt Nam đang ngày càng được củng cố. Trong Hội nghị xúc tiến đầu tư do Bộ KH&ĐT phối hợp với Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Mỹ tổ chức mới đây, đại diện gần 150 doanh nghiệp Mỹ đánh giá, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự tin tưởng của các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế vào khả năng phát triển kinh tế của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang sẵn sàng các chiến lược kinh doanh mới tại Việt Nam.
Ông Alan D.Willits, Chủ tịch Tập đoàn Cargill khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam là thị trường tiềm năng của Tập đoàn Cargill. Ở Việt Nam, Cargill đã thành lập Công ty Cargill Việt Nam từ rất sớm, vào năm 1995, và hiện có 9 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Hiện Cargill là một trong hai doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần thức ăn chăn nuôi lớn nhất tại Việt Nam và tập đoàn này sẽ còn xem xét khả năng đẩy mạnh đầu tư hơn nữa tại Việt Nam. Theo ông Alan D.Willits, không chỉ đầu tư sản xuất, Cargill Việt Nam còn đầu tư cho tương lai khi tài trợ xây dựng 78 trường học cho Việt Nam và đặt mục tiêu xây dựng 100 trường học vào năm 2020.
Xây dựng Nhà máy điện đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1966, General Electric (GE), một trong những công ty thuộc nhóm doanh nghiệp lớn nhất trong ngành công nghiệp điện gió và sản phẩm thân thiện môi trường trên thế giới, vẫn đang không ngừng mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Hiện GE đang tham gia chương trình phát triển điện gió khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đã triển khai dự án điện gió ở tỉnh Bạc Liêu, sắp tới sẽ triển khai tại Sóc Trăng và Trà Vinh. Tháng 10 vừa qua, GE cùng một đối tác đã lên kế hoạch xây dựng một nhà máy điện gió tại Việt Nam với tổng trị giá 1,5 tỷ USD, dự kiến khởi công vào năm 2018. Bên cạnh đó, GE đang quan tâm đến việc cung cấp thiết bị cho các nhà máy phát điện tại Việt Nam.
Kết quả đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam hiện tại, theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của cả hai phía. Theo ông Alexander Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, triển vọng quan hệ đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới sẽ phát triển hơn, tương xứng với tiềm năng, cho dù TPP có được thông qua hay không, bởi lẽ Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ.