Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản

Những rủi ro trong đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phải đối mặt đã không thể ngăn cản quyết tâm tận dụng mọi lợi thế tại thị trường này khi độ mở cửa kinh tế theo hội nhập ngày càng sâu rộng.
64% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh
64% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh

Nguồn nhân công lao động giá rẻ, thị trường tiêu thụ rộng lớn là đặc điểm nổi bật khi nhắc tới thị trường các nước Đông Nam Á, nhất là khi Cộng đồng Kinh tếASEAN (AEC) được thành lập và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Thậm chí, các chuyên gia còn mạnh dạn dự đoán, đầu tư vào Đông Nam Á sẽ là xu hướng chính trong chiến lược đầu tư của Nhật Bản trong 10 năm tới. Bởi theo họ, đầu tư vào khu vực này là hoàn toàn có lợi.

Trong đó Việt Nam đang được các nhà đầu tư Nhật Bản đặt nhiều kỳ vọng. Mặc dù kết quả khảo sát về thực trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố hôm nay cho thấy “nhiều tín hiệu không mấy khả quan”.

Theo đó, những rủi ro trong đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phải đối mặt đang ngày càng xấu đi. Trên 60% doanh  nghiệp đuợc khảo sát đánh giá, “các rủi ro đang tồn tại như hệ thống pháp luật chưa được hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch, thủ tục hành chính phức tạp”. Trong đó, hơn 50% số doanh nghiệp cho rằng, thủ tục thuế là một trong những vấn đề cần được nhanh chóng cải thiện. Bởi những điều này đang tác động tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại đây.

Trong năm 2015, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi là 58%, cũng như những năm trước ,chiếm trên một nửa số doanh nghiệp (giảm 3,5 % điểm so với năm trước). Trong khi doanh nghiệp bị lỗ là 26,2% (tăng 1,3% điểm so với năm trước). Nếu tính theo loại hình doanh nghiệp, thì trong ngành công nghiệp chế tạo các doanh nghiệp chế xuất có lãi chỉ dừng ở mức 56%, nằm dưới mức trung bình so với tổng thể.

Mặc dù kết quả kinh doanh như vậy, nhưng so với các thị trường khác trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn nằm trong những thị trường hấp dẫn, cần đầu tư mạnh. Do đó, 64% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi đây là địa điểm đầu tư quan trọng. Khoảng 85% doanh nghiệp cho rằng, lý do chính để mở rộng đầu tư nhằm tăng doanh thu. Riêng trong ngành công nghiệp phi chế tạo, 65% số doanh nghiệp cho rằng, “họ vẫn nhìn thấy khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao”.

Số liệu Jetro cho thấy, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn duy trì số lượng dự án nhiều, nhưng vốn đầu tư lại bị giảm. Năm 2015 là 1,285 tỷ USD, trong khi năm 2014 là 1,337 tỷ USD. Trong các dự án đầu tư mới từ Nhật Bản, thì tỷ lệ ngành công nghiệp chế tạo giảm 15% so với năm 2014. Trong khi đó, tỷ lệ ngành phân phối, bán lẻ tăng từ 14% năm 2014 lên 17% năm 2015. Số dự án đầu tư cho ngành khách sạn, ăn uống tăng do ảnh hưởng của việc nởi lỏng quy chế đầu tư nước ngoài đối với ngành này từ năm 2015, với 11 dự án đầu tư, chiếm 4% số dự án. Song đáng chú ý là, dự án đầu tư mới từ Nhật Bản có tới 87,3% dự án có quy mô vừa và nhỏ (dưới 5 triệu USD), 66,2% dự án quy mô nhỏ dưới 1 triệu USD.

Hiện nay, nhà đầu tư Nhật Bản đang đặt kỳ vọng lớn vào thị trường Việt Nam khi AEC ra đời và TPP được ký kết. Trong đó, với AEC, họ kỳ vọng lớn nhất vào việc đơn giản hoá các thủ tục hải quan (chiếm 64%) và dỡ bỏ thuế nhập khẩu, thống nhất trong việc vận dụng, giải thích quy tắc nguồn gốc xuất xứ. Còn với TPP, các nhà đầu tư kỳ vọng về thuận lợi hoá trong thương mại và thuế quan, chiếm 66%, đứng đầu trong các nước là đối tượng của khảo sát, tiếp cận thị trường hàng hoá, hay quy tắc nguồn gốc xuất xứ.

Ông Kawada Atsusuke, Trưởng đại diện Jetro Hà Nội cho rằng, mặc dù Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã được thông qua, nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản “vẫn chưa cảm nhận được những sự cải tiến, hiệu quả này”. Nguyên nhân chính là do Việt Nam thiếu nghiên cứu trước khi đưa ra các văn bản pháp luật mang tính sửa đổi. Ví  dụ, quy định nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng, hoặc cách tính lương theo quy định mới của Luật Lao động… khiến doanh nghiệp Nhật Bản khó đáp ứng các quy định này.

“Doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ Việt Nam để mở  rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng lợi nhuận”, ông Kawada Atsusuke nói.