Là một doanh nghiệp (DN) đã giao dịch tập trung, vì sao Viglacera không phát hành cho cổ đông hiện hữu, mà thực hiện đấu giá? Thanh khoản của cổ phiếu VGC trên sàn đang khá yếu, liệu cuộc đấu giá có diễn ra thành công?
Phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu
Theo tờ trình xin ý kiến ĐHĐCĐ, Viglacera dự kiến phát hành 120 triệu CP mới (tương đương 39,09% tổng số CP đang lưu hành), bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư là tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước với giá khởi điểm là 12.200 đồng/CP. Thời gian chào bán dự kiến trong quý II/2017.
Hiện Viglacera có vốn điều lệ 3.070 tỷ đồng. Tổng số lượng CP dự kiến sau khi phát hành sẽ tăng lên 427 triệu đơn vị, nâng vốn điều lệ của Tổng công ty từ 3.070 tỷ đồng lên 4.270 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền 1.464 tỷ đồng dự kiến thu về sau khi phát hành CP sẽ được Viglacera đem đầu tư vào 4 dự án và bổ sung vốn lưu động cho Tổng công ty. Cụ thể, 292 tỷ đồng sẽ được đầu tư xây dựng Nhà máy Sứ Viglacera Mỹ Xuân; 154,2 tỷ đồng vào Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đồng Văn IV giai đoạn 1 - tỉnh Hà Nam; 692 tỷ đồng đầu tư vào Dự án Xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng; 310 tỷ đồng đầu tư xây dựng Dây chuyền sản xuất kính nổi siêu trắng; còn lại 16 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Viglacera cũng đề xuất trong trường hợp Tổng công ty không chào bán hết số CP nói trên, ĐHĐCĐ uỷ quyền cho HĐQT chủ động tìm kiếm, lựa chọn các nhà đầu tư khác và thực hiện phân phối số CP chưa chào bán hết cho các nhà đầu tư với giá chào bán không thấp hơn mức giá đấu thành công thấp nhất tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Tăng vốn, cổ đông hiện hữu thiệt?
Trước đề xuất của ban lãnh đạo Viglacera, nhiều người đặt vấn đề vì sao Tổng công ty không phát hành cho cổ đông hiện hữu trước khi tổ chức đấu giá bán ra bên ngoài?
Dường như bên cạnh việc “thu xếp” vốn đầu tư vào 4 dự án nói trên, ban lãnh đạo Viglacera đang muốn thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, đó là chậm nhất đến năm 2019 phải giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống dưới 51%.
Viglacera vốn là một DN nhà nước do Bộ Xây dựng nắm 100%, sau đó DN này đã tiến hành cổ phần hóa cuối năm 2014. Sau khi phát hành thành công 30 triệu CP ra công chúng trong tháng 7/2016, tỷ lệ sở hữu của Bộ Xây dựng dù đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, 78,82%.
Theo Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), do Bộ Xây dựng sẽ không tham gia đợt phát hành dự kiến lần này nên tỷ lệ sở hữu của Nhà nước ở Viglacera có thể giảm về 56% ngay trong năm 2017. Nếu thành công, Viglacera chỉ cần phát hành thêm 44,5 triệu CP sau năm 2017 để giảm tỷ lệ sở hữu của Bộ Xây dựng về 51%.
Nhóm chuyên gia VDSC cũng chỉ ra rằng, việc đầu tư vào CP VGC mặc dù có triển vọng nhưng chịu rủi ro. Cụ thể, do đa phần các dự án mới bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2017 và 2018 và thường cần khoảng nửa năm để hoạt động ổn định, vì vậy, việc đầu tư vào VGC có rủi ro pha loãng khi lợi nhuận tăng thêm từ các dự án nói trên khó có thể bắt kịp tốc độ tăng số lượng CP.
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng lo ngại về sự pha loãng này. Theo thông tin từ phía HĐQT của Viglacera, đợt phát hành này vẫn thu hút được sự quan tâm của một số nhà đầu tư tổ chức nhưng chưa thể công khai danh tính.