Thông tin từ Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, số dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản được cấp phép không nhiều và có chiều hướng giảm so với cùng kỳ của những năm trước.
Cụ thể, trong số 15 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới được tỉnh Đồng Nai cấp phép, có 2 dự án của các nhà đầu tư đến từ đất nước hoa anh đào. Đó là, Dự án của Công ty TNHH Japan Best Foods với vốn đầu tư đăng ký hơn 14 triệu USD và Dự án của Công ty TNHH Koikeya Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký 12,5 triệu USD, đều hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Khu kỹ nghệ Việt Nhật (Hiệp Phước, TP.HCM) cho biết, trong 2 tháng đầu năm mới có một doanh nghiệp của Nhật Bản, đó là Công ty Araimichi, chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác, hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, máy móc để đi vào hoạt động. Một số doanh nghiệp khác của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng đã hoàn tất việc đàm phán thuê nhà xưởng tại Khu kỹ nghệ Việt Nhật để hoạt động sản xuất trong thời gian tới.
Trước thực tế các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng giảm đầu tư vào Việt Nam từ vài năm gần đây, nhất là ở các lĩnh vực quen thuộc như chế tạo, bán lẻ, công nghệ thông tin, ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại TP.HCM nhận xét, trong 3 năm qua, vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam có sự sụt giảm. Nguyên nhân được cho là một phần do đồng JPY của Nhật trong mấy năm qua bị sụt giảm so với đồng USD và kinh tế khó khăn, nên doanh nghiệp Nhật Bản đã cân nhắc hơn khi quyết định đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất.
Cũng theo ông Yasuzumi Hirotaka, phần lớn đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam trong những năm gần đây chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô đầu tư nhỏ. Trong các dự án đầu tư mới từ Nhật vào Việt Nam, tỷ lệ đầu tư vào ngành công nghiệp chế tạo đã giảm về số dự án, trong khi lại có xu hướng gia tăng về các dự án trong ngành dịch vụ, thương mại mà vốn đầu tư không cần nhiều bằng các dự án sản xuất.
Tuy nhiên, ông Hirotaka cũng khẳng định rằng, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hiện rất quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Bằng chứng là khảo sát mới nhất của JETRO cho thấy, gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang kỳ vọng về "thuận lợi hóa thương mại và thuế quan" khi TPP có hiệu lực ở các lĩnh vực tiếp cận thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, thương mại điện tử.
Mặt khác, vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam đang cho thấy có chiều hướng gia tăng vào ngành nông nghiệp. “Lĩnh vực nông lâm thủy sản đã chiếm một tỷ lệ khá trong tổng nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản ở thị trường Việt Nam trong năm 2015”, ông Hirotaka nói và phân tích, trong những năm trước, đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực nông lâm thủy sản ở Việt Nam không có dự án nào hoặc quá ít nên được xếp vào mục "các lĩnh vực khác". Nhưng trong năm 2015, vốn đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực nông nghiệp đã chiếm 6% trong tổng số 1,285 tỷ USD vốn đầu tư mới.
Đáng chú ý, dù nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư mới nhưng đã đứng thứ 3 về tổng số vốn cam kết trong năm qua, chỉ thấp hơn lĩnh vực chế tạo (chiếm 51%), xây dựng (chiếm 28%) và vượt qua ngành phân phối bán lẻ (chiếm 5%).
Trong năm 2015, Nhật Bản có 82 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tại Việt Nam, trong đó có hai dự án lớn về trồng trọt ở Đà Lạt. Nguyên nhân là Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, đồng thời hai nước cũng có những thỏa thuận về hợp tác nông nghiệp.
Ngay trước thời điểm năm 2015 khép lại, hơn 30 doanh nghiệp Nhật Bản đã sang tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp tại nhiều vùng nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam và đã có những bước triển khai nhanh chóng, chuẩn bị cho việc hợp tác, đầu tư tại Việt Nam ở lĩnh vực nông nghiệp.
“Nhật Bản cũng là một nước tham gia TPP và phải chấp nhận những yêu cầu bỏ bảo hộ nông nghiệp”, ông Hirotaka nói và cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhật Bản có nhiều công ty có công nghệ sản xuất cao nên cần tìm đối tác để chuyển giao và Việt Nam là một điểm đến để hợp tác, phát triển sản xuất, kinh doanh.