“Vững tay chèo” trong cơn gió nghịch

(BĐT) - Những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023 đã được nhận diện khá rõ nét nên để “vững tay chèo” trong cơn gió nghịch, Việt Nam cần có các quyết sách linh hoạt ứng biến với bối cảnh toàn cầu. Các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp chia sẻ một số nhận định và khuyến nghị chính sách cho năm 2023.
Tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt 6,5 - 6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn. Ảnh: Nguyễn Trí
Tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt 6,5 - 6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn. Ảnh: Nguyễn Trí

Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ và quyết đoán hơn để nâng cao năng suất, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào

IMF đánh giá có 3 “cơn gió ngược” với kinh tế Việt Nam gồm: điều kiện về tài chính toàn cầu đang thắt chặt hơn, xung đột Nga - Ukraine, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn có sự tăng tốc nhất định trong bối cảnh thách thức từ kinh tế toàn cầu giảm sút, lãi suất tăng.

Vì sức cầu của thị trường thế giới co hẹp, chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ kéo dài nên chúng tôi dự báo năm 2023, Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8%, là mức tăng trưởng cao so với nhiều quốc gia.

Ở trong nước, chúng tôi nhận thấy 2 rủi ro với Việt Nam. Thứ nhất là lạm phát sẽ tiếp tục tăng dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt và thận trọng hơn. Thứ hai là tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại hiện nay. Vì vậy, điều hành chính sách phải xuyên suốt, linh hoạt và hài hoà để quản lý rủi ro, tối ưu hiệu quả chính sách giữa tăng trưởng và lạm phát, giảm thiểu ảnh hưởng của sự giảm tốc. Rõ ràng đây là yêu cầu lớn với chính sách tiền tệ tập trung vào bài toán lạm phát, có thể thắt chặt hơn nếu lạm phát tăng cao, giữ vững ổn định tài chính. Trái phiếu, bất động sản cần sớm được ổn định, tăng tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Chính sách tài khoá cần linh hoạt hơn, ưu tiên hơn nữa kết hợp với chính sách tiền tệ.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước thu nhập cao, Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ và quyết đoán hơn để nâng cao năng suất, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như nâng cao tay nghề và kĩ năng của người lao động.

Tiếp tục đề xuất gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Bộ Tài chính đang xây dựng những gói chính sách tài khóa khác nhau để ứng biến với diễn biến sắp tới. Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đề xuất giãn, hoãn một số khoản thuế và phí. Trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn về dòng tiền, thanh khoản.

Bộ Tài chính cũng đề xuất xem xét tiếp việc giảm tiền thuế đất. Đồng thời, duy trì mức sàn thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Từ đó, dư địa trong việc điều hành giá cả hàng hoá sẽ nhiều hơn.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ cố gắng đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế trên cơ sở tăng thu ngân sách, tiết kiệm chi, huy động nguồn lực trong và ngoài nước.

Về thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN minh bạch có thể huy động vốn, hỗ trợ các DN đủ điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng. Từ đó, áp lực lên vốn tín dụng sẽ giảm nhanh.

Riêng về pháp lý, Bộ Tài chính đã xin ý kiến và đang triển khai nhanh việc sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Tôi tin rằng, niềm tin của nhà đầu tư sẽ được củng cố và thị trường trái phiếu DN sẽ nhanh chóng phục hồi.

Sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2023 sẽ hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Theo Nhóm nghiên cứu thuộc NCIF, sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023. Dự báo Việt Nam vẫn duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Về chính sách tài khóa, hợp phần đầu tư của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lên đến 1,6% GDP dự kiến sẽ được triển khai chủ yếu từ năm 2023 trở đi. Tuy nhiên, với nền tảng tăng trưởng khá cao trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại, từng bước trở về trạng thái trước dịch Covid-19, do sức bật cầu trong nước có thể không mạnh mẽ như năm 2022. Giá cả nguyên vật liệu tăng cao bắt đầu chuyển hóa rõ nét hơn vào chi phí sản xuất. Xuất nhập khẩu có thể tăng chậm hơn so với năm 2022 do tình trạng khó khăn kéo dài của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài dự báo vẫn ở mức thấp do các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng.

Kinh tế Việt Nam năm 2023 đi theo kịch bản nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố: diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Cùng với đó là nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với các yếu tố tác động như trên, kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể diễn ra theo hai kịch bản. Kịch bản 1, tăng trưởng ở mức 6 - 6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022. Kịch bản 2, khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5 - 6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.

Cần tư duy thích ứng

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2023 không mấy lạc quan theo dự báo của các tổ chức, chuyên gia kinh tế. Những biến động, bất ổn bên ngoài gây ra khó khăn chung cho nền kinh tế, chính sách điều hành vĩ mô cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Dẫu vậy, có một nguyên lý tự nhiên là “cùng tắc biến”, có nghĩa khi sự việc đạt đến đỉnh điểm thì tất phải biến hóa. Trong tận cùng khó khăn, sẽ tìm ra các giải pháp để nền kinh tế và DN phục hồi và trở lại quỹ đạo phát triển.

Về phía cơ quan quản lý, có thể thấy các chủ trương, chính sách ổn định vĩ mô giúp phục hồi tăng trưởng vẫn là giải pháp được ưu tiên hàng đầu. Tiếp đó là nhận diện các rủi ro, khủng hoảng để đưa ra biện pháp phòng ngừa kịp thời. Có 2 lưu ý phòng ngừa rủi ro, thứ nhất là cần có tư duy thích ứng với bối cảnh biến động, không nên có những can thiệp mang tính phi thị trường; thứ hai là lưu ý những rủi ro về tự do hợp đồng và quyền tài sản là những yếu tố rất dễ gây các tổn thương về niềm tin và gây tác động dây chuyền trong toàn bộ nền kinh tế. Để vượt qua những rủi ro này phải dựa vào các thông lệ quốc tế, những hiệp định thương mại, hiệp định đầu tư mà Việt Nam đã ký kết.

Về phía DN, cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất cơ chế nhằm giảm thiểu chi phí không chính thức, nhất là trong bối cảnh thị trường cạnh tranh cao như hiện nay. Ngoài ra, trong bối cảnh bất ổn, khó khăn, dự báo dư địa về tài khóa, tiền tệ không còn nhiều, cộng đồng DN cũng cần tư duy thích ứng và tinh thần khởi sự kinh doanh, phát huy tính tự chủ, tự lực bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì động lực cạnh tranh.

Thị trường bất động sản sẽ chuyển biến thận trọng, cần sự hỗ trợ về pháp lý trong phát triển dự án

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Việt Nam

Tôi cho rằng, nền kinh tế và tài chính của Việt Nam trong thời gian tới chịu ảnh hưởng lớn của các biến động trên thế giới như lạm phát, tỷ giá, tình hình khan hiếm xăng dầu và các bất ổn chính trị - xã hội ở nhiều quốc gia. Do đó, năm 2023, thị trường bất động sản sẽ chuyển biến khá thận trọng. Về tính thanh khoản của thị trường, theo tôi phân khúc nhà ở vẫn sẽ duy trì mức thanh khoản ổn định, tuy nhiên nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền. Những phân khúc như bất động sản công nghiệp, văn phòng vẫn hoạt động tốt và các DN sẽ tiếp tục có nhu cầu mở rộng.

Năm 2022 là một năm có nhiều khó khăn đối với thị trường bất động sản nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Để thị trường bất động sản phục hồi cần có sự hỗ trợ về pháp lý trong việc phát triển dự án cho các DN. Hy vọng thời gian tới, những nút thắt này sớm được tháo gỡ để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh hơn cho các nhà đầu tư cũng như giải quyết được bài toán về nhà ở cho đại bộ phận người dân với mức giá hợp lý.

Cải cách thể chế để hòa nhịp nhanh và cạnh tranh với thế giới

PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Sau 2 năm “đông cứng” vì dịch Covid-19, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có khả năng phục hồi tốt nhất thế giới khi kinh tế tăng trưởng vượt trội năm 2022 với nhiều quyết sách mạnh mẽ, trong đó có việc mở cửa đường bay, mở cửa du lịch.

Thực tế cho thấy, tuyến bay Hà Nội - TP.HCM là một trong những tuyến bay bận rộn nhất thế giới. Khách du lịch nội địa tăng trưởng vượt bậc với kết quả 11 tháng đạt 95,3 triệu lượt, tăng 11,3 triệu lượt so với năm 2019 - mốc kỷ lục trước đại dịch. Tuy nhiên, sự phục hồi rực rỡ của du lịch nội địa lại tương phản với mức tăng trưởng chưa như kỳ vọng về lượng khách du lịch quốc tế. Do đó, cần phải xem xét lại vấn đề này trong năm 2023.

Du lịch là ngành kinh tế dẫn truyền, có tính lan tỏa tới những ngành kinh tế khác. Đi cùng với dòng du lịch là dòng đầu tư, nhất là khi đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư để phân tán rủi ro. Khi xây dựng chính sách, chiến lược phát triển, chúng ta luôn phải đặt câu hỏi: tại sao cùng một điều kiện khó khăn do dịch bệnh, do xung đột vũ trang Nga - Ukraine…, nhưng các nước láng giềng có lượng khách du lịch quốc tế cao hơn?

Lúc này là thời điểm cần phá mở những quy tắc trói buộc, cải cách thể chế mạnh mẽ để có chiến lược cạnh tranh hơn trong thu hút nguồn lực đầu tư, thu hút du khách năm châu và sự quan tâm của quốc tế đến Việt Nam - khẳng định Việt Nam là điểm đến mới - xứng đáng được quan tâm trong bức tranh kinh tế - xã hội toàn cầu.

Nhà nước cần có phương án cụ thể hỗ trợ thị trường bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)

Từ giữa năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản cũng như các DN, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản rất khó khăn vì khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Thực tế, có nhiều DN thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền, nếu không khẩn trương có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái hoặc khủng hoảng. Điều này rất nguy hiểm bởi có thể kéo theo khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Tôi cho rằng, năm 2023, Nhà nước cần có phương án hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật nhằm tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết, đi đôi với một số giải pháp kích cầu trực tiếp hỗ trợ cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu với lãi suất hợp lý. Đồng thời, DN bất động sản phải thấy rõ trách nhiệm của mình để nỗ lực, chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm hướng về nhu cầu thực và thực hiện giảm giá nhà tương đối, thực chất để thị trường bất động sản vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững.

Vừa qua, HoREA đã đề nghị Chính phủ xem xét các tiêu chí để DN bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nguồn vốn này sẽ có tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu DN, giúp thị trường vượt qua khó khăn hiện nay, dần trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng để giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng.

Tin cùng chuyên mục