UNIQLO có 22 cửa hàng bán lẻ và một cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam với khoảng 50% sản phẩm “Made in Vietnam” |
Những bước tiến chậm
Cuối năm 2019, hàng dài người tiêu dùng Việt Nam xếp hàng chờ vào cửa hàng UNIQLO đầu tiên ở TP.HCM để mua sắm. Ít tháng sau đó, hình ảnh này lặp lại khi UNIQLO khai trương cửa hàng tại Hà Nội. Sau hơn 4 năm đến Việt Nam, UNIQLO đã có 22 cửa hàng bán lẻ và một cửa hàng trực tuyến với khoảng 50% sản phẩm “Made in Vietnam”. Chưa có kết quả khảo sát và nghiên cứu cụ thể về sự lớn mạnh của thương hiệu UNIQLO tại thị trường Việt Nam, nhưng rõ ràng, UNIQLO đã trở thành nhãn hàng quen thuộc trong tủ đồ của nhiều người Việt.
Ở lĩnh vực sản phẩm công nghệ, sau 15 năm đặt nhà máy tại Việt Nam, 50% sản phẩm điện thoại Samsung bán trên khắp toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Thị phần điện thoại Samsung tại Việt Nam hiện ở mức gần 30%. Tổng số nhân lực của Samsung tại Việt Nam là khoảng 100.000 người. Đến nay, đã có 51 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung.
Bàn tay và trí tuệ Việt Nam đã ghi dấu trong nhiều sản phẩm thương hiệu nước ngoài được ưa chuộng khắp năm châu. Dòng chữ “Made in Vietnam” trên các sản phẩm thương hiệu nước ngoài khiến nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không thể làm nên những thương hiệu hàng hóa Việt Nam được ưa chuộng như vậy ngay chính tại nước mình?”.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, thực tế Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế. Trong danh sách 2.000 công ty lớn nhất thế giới (Global 2000) theo khảo sát của Tạp chí Forbes (Mỹ), chỉ có 5 doanh nghiệp Việt Nam và 4 trong số đó là các ngân hàng. Thái Lan có 17 công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau, bao gồm năng lượng, thực phẩm, thương mại và công nghệ.
Theo ông Takeo Nakajima, khả năng tham gia các chuỗi giá trị của Việt Nam có cải thiện trong những năm qua, nhưng vẫn còn chậm. Khảo sát của JETRO cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa của các công ty Nhật Bản ở Việt Nam là 41,7% vào năm 2023, cao hơn mức 30% cách đây 10 năm. Năm 2023, đã có 2.300 doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật.
Ông Takeo khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi từ các đối tác nước ngoài để thực hiện các giải pháp sản xuất theo tiêu chuẩn cao, kiểm soát chất lượng và cải tiến hạ tầng. Thông qua việc thu hút các công ty nước ngoài xuất sắc, Việt Nam có thể tiếp nhận công nghệ và từ đó phát triển các doanh nghiệp, các sản phẩm riêng của mình.
“Nhật Bản và các nước phát triển cũng có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, với công nghệ và năng lực sản xuất được chuyên biệt hóa ở mức độ cao. Tương tự, việc thu hút và hỗ trợ các hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp thế giới có tác động tích cực đối với doanh nghiệp, ngành nghề và cả nền kinh tế Việt Nam”, ông Takeo chia sẻ.
Chất lượng nhân lực và thể chất doanh nghiệp
Về việc ngày càng có nhiều hàng hóa mang thương hiệu nước ngoài được sản xuất ở Việt Nam, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho rằng, đó là câu chuyện của sự dịch chuyển chuỗi giá trị, rất đáng nghiên cứu bài học từ 2 cường quốc là Mỹ và Trung Quốc.
Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã mất khoảng 20 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất chỉ riêng trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Tiếp đó, vì quá tự tin vào thế mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D) và kiến thức khoa học, Hoa Kỳ mất khoảng 5 triệu việc làm trong những năm 2000. Ngược lại, Trung Quốc là một quốc gia đã tiến xa nhờ sản xuất. Trong khi Hoa Kỳ tưởng rằng trọng tâm của cuộc đối đầu Mỹ - Trung chỉ là công nghệ tiên tiến, thì Trung Quốc đã có thể đứng vững bằng cách tự khẳng định mình là một trung tâm sản xuất toàn cầu.
Những năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào R&D và cố gắng thay đổi trong hệ sinh thái với mục tiêu chuyển đổi từ định hướng sản xuất thành một quốc gia định hướng đổi mới cơ bản, lấy sức mạnh đổi mới kỹ thuật làm thế mạnh chính.
Theo ông Hong Sun, không quá lời khi nói rằng, Việt Nam đang thừa hưởng một cách an toàn thị trường mà Trung Quốc sở hữu. Nếu có thể củng cố vị trí của mình trên thị trường sản xuất, tập trung vào đào tạo nhân lực bên trong và tuyển dụng nhân lực từ bên ngoài, Việt Nam có đủ tiềm lực để trở thành một quốc gia khiến không chỉ ASEAN mà cả thế giới chú ý. “Để đạt được điều này, cần có các chính sách của Chính phủ, sự tham gia của địa phương, sự hợp tác tích cực từ phía doanh nghiệp và nỗ lực không ngừng của giới học thuật. Kết quả có thể sẽ thấy rõ trong vòng 10 năm tới”, ông Hong Sun nhấn mạnh.
Về việc phát triển các thương hiệu Việt, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng: “Dựa vào người khổng lồ là tốt, nhưng không nên dựa mãi, mà phải tìm hướng phát triển thương hiệu Việt Nam. Hiện trong lĩnh vực may mặc, thực phẩm, Việt Nam đã có một số thương hiệu lớn, có vị thế trong khu vực và đang được tin dùng ở một số thị trường quốc tế”.
Theo ông Thành, Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong một số lĩnh vực như dệt may, chip điện tử và ô tô. Bên cạnh đó, xu hướng đa dạng hóa nguồn sản xuất và dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đã khiến nhiều tập đoàn lớn nhằm tới thị trường Việt Nam. Dù vậy, trong chuỗi giá trị, hầu như doanh nghiệp Việt mới thực hiện gia công ở mức thấp. Trong thời gian qua, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng càng tham gia, càng phụ thuộc vào nhập khẩu. Để cải thiện giá trị thương hiệu, vị thế doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng mới, cần nhiều nỗ lực từ Chính phủ và doanh nghiệp trong nước.
“Với xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng chảy vào lĩnh vực công nghệ và sản xuất tại Việt Nam, tình hình sẽ được cải thiện tích cực hơn. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến trình này và tiếp tục phát triển bền vững, Việt Nam cần chú trọng cải thiện hạ tầng và nhất là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần cải thiện thể chất của doanh nghiệp, bởi đây là tiền đề để doanh nghiệp Việt tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Thành nhấn mạnh.