Vướng mắc trong chuyển giao dự án BOT ngành điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhà máy Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 và Nhà máy Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2.2 sẽ được chuyển giao cho Nhà nước vào năm 2024, 2025, song việc chuẩn bị tiếp nhận, chuyển giao các dự án đang gặp vướng mắc. Đây cũng là một trong những khó khăn nổi cộm khi triển khai các dự án điện BOT, cần sớm được tháo gỡ.
Các nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 sẽ được chuyển giao cho Nhà nước vào năm 2024, 2025. Ảnh: NC st
Các nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 sẽ được chuyển giao cho Nhà nước vào năm 2024, 2025. Ảnh: NC st

Thiếu thống nhất về phương án xử lý tài sản

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho hay, hiện có một số vấn đề nổi cộm trong việc triển khai các dự án BOT ngành điện. Trong đó, phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân đang có sự thiếu thống nhất trong các quy định pháp luật liên quan. Nghị định số 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (NĐ35) quy định việc giao một số đơn vị đủ năng lực và nguồn lực cần thiết để vận hành, kinh doanh và bảo trì công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng các nhà máy BOT điện, bảo đảm thời gian chuyển giao theo quy định của pháp luật và hợp đồng dự án, không làm ảnh hưởng tới tính chất liên tục, chất lượng của việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (NĐ29), cơ quan ký kết hợp đồng đối tác công tư là đơn vị chủ trì quản lý tài sản. Do đó, cơ quan ký kết hợp đồng đối tác công tư phải bảo quản tài sản từ khi tiếp nhận đến khi hoàn thành việc xử lý theo phương án đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt. “Điều này không phù hợp với những loại tài sản lớn và phức tạp như nhà máy điện”, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo bày tỏ.

Được biết, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý, trong đó có xem xét các vấn đề thực tiễn phát sinh chưa đủ cơ sở pháp lý để xử lý, bao gồm các nhà máy điện BOT khi kết thúc hợp đồng BOT. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định chỉ áp dụng với các công trình mà hợp đồng dự án quy định giao cho EVN mà không áp dụng đối với các nhà máy điện BOT như Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án.

Khó khăn trong tiếp nhận, chuyển giao

Việc giao chuẩn bị các công việc cho tiếp nhận, chuyển giao nhà máy điện BOT gặp khó do NĐ35 chưa có quy định về nội dung này bảo đảm các nhà máy điện vận hành liên tục ngay sau khi được tiếp nhận.

Cụ thể, đến thời điểm chuyển giao, bộ hợp đồng BOT các dự án Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 (bao gồm: hợp đồng mua bán khí, hợp đồng mua bán điện, hợp đồng thuê đất, hợp đồng bảo dưỡng và các loại hợp đồng lao động) sẽ hết hiệu lực. Các nhà máy sẽ không có nguồn cấp nhiên liệu để phát điện, không có doanh thu để bù đắp chi phí hoạt động, hết thời hạn thuê đất và không có nguồn lực để tiếp tục vận hành. Bên cạnh đó, do các nhà máy điện đã vận hành được 20 - 25 năm nên một số thiết bị thay thế sử dụng cho sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hiện không còn được sản xuất, cần phối hợp với nhà sản xuất để chế tạo bổ sung, nâng cấp hệ thống…

Trước những vướng mắc đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo kiến nghị cần có giải pháp tháo gỡ nhằm tạo thuận lợi cho việc chuyển giao các dự án BOT ngành điện.

Đề xuất phương án gỡ vướng mắc về phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo kiến nghị, NĐ29 cần sửa đổi trách nhiệm của cơ quan ký kết hợp đồng đối tác công tư thống nhất với nội dung quy định tại NĐ35. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung NĐ29 liên quan đến trách nhiệm của đơn vị chủ trì quản lý tài sản để thống nhất với NĐ35 và nhiệm vụ của đơn vị được giao vận hành, kinh doanh, bảo trì các nhà máy trong thời gian chờ cơ quan/người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý là cần thiết để các bên có cơ sở thực hiện.

Nhằm bảo đảm các nhà máy điện vận hành liên tục ngay sau khi được tiếp nhận, cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng đề xuất, NĐ35 cần bổ sung nội dung giao đơn vị tiếp nhận vận hành, kinh doanh và bảo trì các nhà máy điện nhiệm vụ chuẩn bị nhận chuyển giao (chuẩn bị nguồn lực, đàm phán, ký kết các loại hợp đồng liên quan)…