Xây dựng đặc khu: Phải chấp nhận khác biệt

(BĐT) - Giấc mơ về các đặc khu kinh tế đang dần trở thành hiện thực khi các đề án thành lập các đặc khu cũng như Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV vào tháng 5/2018. 
Hội đồng đặc khu sẽ do Thủ tướng thành lập, bảo đảm cơ chế giám sát, tránh lạm quyền. Ảnh: Trần Ngọc Chiến
Hội đồng đặc khu sẽ do Thủ tướng thành lập, bảo đảm cơ chế giám sát, tránh lạm quyền. Ảnh: Trần Ngọc Chiến

Đến lúc này, mọi công tác chuẩn bị đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) triển khai rốt ráo với mục tiêu xây dựng một dự thảo luật có chất lượng tốt nhất trước khi trình ra Quốc hội.

Đề xuất thành lập Hội đồng đặc khu

Liên tục được nhắc đến trong thời gian gần đây, đặc khu kinh tế mang theo nhiều ước vọng tạo nên sự đổi thay cho kinh tế Việt Nam. Từng làm nên điều thần diệu cho nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc…, kỳ vọng những điều tương tự sẽ đến với Việt Nam không phải là không có sơ sở, nhất là khi “tấm áo” chính sách cho đặc khu với những ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế đang dần hoàn thiện.

Chính phủ đang rất quyết tâm xây dựng các đặc khu kinh tế với việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, do đích thân Thủ tướng làm “tư lệnh”. Với những ưu đãi đặc biệt về điều kiện tự nhiên, 3 địa phương là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được lựa chọn để xây những “phòng thí nghiệm thể chế” đầu tiên mang tên “đặc khu kinh tế”.

Trình làng vào thời điểm vàng khi những quan ngại về tốc độ tăng trưởng, dư địa về nguồn lực tự nhiên và xã hội để tạo ra GDP và thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài đang ngày càng bị thu hẹp…, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được kỳ vọng tạo những đột phá trong phát triển kinh tế. Theo tính toán, nếu thành công thì từ năm 2020 trở đi, 3 đặc khu kinh tế nói trên sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP địa phương (GRDP) hàng tỷ USD mỗi năm.

Chi tiết quan trọng nhất của Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, theo cơ quan soạn thảo, đây sẽ là một luật ưu tiên. Nếu có phát sinh điểm khác biệt giữa luật này so với các luật khác, thì việc thi hành sẽ tuân theo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đến thời điểm này, các điểm cốt yếu của Dự thảo Luật còn ý kiến khác nhau sau khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 đã được tiếp thu, sửa đổi và hoàn thiện. Một điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Luật hiện tại so với Dự thảo Luật đã trình ra Quốc hội lần trước, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ KH&ĐT, là đề xuất thành lập thêm Hội đồng đặc khu. Hội đồng này sẽ do Thủ tướng thành lập, có 3 chức năng chính gồm: Tư vấn phản biện bắt buộc đối với các vấn đề lớn của đặc khu; cảnh báo kịp thời cho Trưởng đặc khu nếu phát hiện vấn đề trong quyết định của Trưởng đặc khu; đánh giá độc lập hoạt động quản lý của Trưởng đặc khu và báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng để có phương án xử lý kịp thời.

Bảo đảm cơ chế giám sát

Trước đó, ngay từ khi Dự thảo Luật được trình ra Quốc hội, phương án tổ chức chính quyền địa phương ở các đặc khu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Việc trao thẩm quyền lớn cho Trưởng đặc khu nhằm tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải cách thể chế và tạo điều kiện để dùng người tài đã nảy sinh quan ngại về khả năng lạm quyền. Vì vậy, cơ chế giám sát Trưởng đặc khu như thế nào để bảo đảm hiệu quả, tránh lạm quyền được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra, điển hình như đề xuất của đại biểu Vũ Hồng Thanh (Quảng Ninh), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là “nên có một bộ phận xem xét các văn bản quy phạm pháp luật mà Trưởng đặc khu ban hành, nếu có vấn đề thì thổi còi ngay”.

Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội, Hội đồng đặc khu đã được đề xuất thành lập tại Dự thảo Luật mới nhất dự kiến trình Quốc hội lần này. Việc thành lập Hội đồng này nhằm bảo đảm cơ chế giám sát theo cả chiều dọc và chiều ngang, từ giám sát của các bộ, ngành trung ương, tới giám sát của các cơ quan tại địa phương đối với Trưởng đặc khu. Đây cũng là kinh nghiệm tiếp thu từ một số nước có đặc khu hành chính, đặc khu kinh tế như Trung Quốc (Thâm Quyến), Hàn Quốc (Thành phố quốc tế tự do Jeju) khi tại các địa phương này đều tổ chức chính quyền có cơ quan đại diện dân cử.

Dự án Luật đang trong quá trình hoàn thiện trước khi trình Quốc hội, nhưng như chia sẻ của ông Trần Duy Đông, với việc lập đặc khu, “chúng ta không đi đầu tư, mà là tạo một sân chơi mới, tạo thể chế, chính sách cạnh tranh để thu hút nhà đầu tư”. Vì vậy, nếu không được xây dựng trên tinh thần cởi mở, sẵn sàng chấp nhận các khác biệt, đột phá về mô hình tổ chức chính quyền thì Luật sẽ rất khó thành công.