WB khuyến khích các dự án sử dụng vốn tài trợ của Ngân hàng công khai thông tin và tổ chức đấu thầu điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Ảnh: Lê Tiên |
Hai vị chuyên gia cũng chia sẻ những định hướng chính sách về thúc đẩy cạnh tranh, minh bạch của hai nhà tài trợ trong thời gian tới, đồng thời đưa ra các khuyến nghị dành cho Việt Nam để tăng cường hiệu quả trong lĩnh vực mua sắm công.
Giúp Việt Nam xây dựng hệ thống đấu thầu điện tử
Được biết, WB đang có chương trình hợp tác hỗ trợ xây dựng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (HTMĐTQG). Thông tin cụ thể hơn về các chương trình này và mục tiêu của chương trình, bà Anna L. Wielogorska cho biết: “Mục đích hỗ trợ của WB là nhằm tận dụng tối đa các hệ thống mua sắm công sẵn có ở Việt Nam, phù hợp với quy định mua sắm của WB, và đảm bảo sử dụng hiệu quả, minh bạch các nguồn lực công”.
Trong khi đó, phía ADB lại đang hỗ trợ Việt Nam cải tiến cũng như truyền thông về HTMĐTQG. Ông Alexander Fox nói rằng: “ADB đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để công tác đấu thầu đạt được các nguyên tắc về cạnh tranh, công bằng, minh bạch, giảm giá trúng thầu thông qua ĐTQM như đã được chứng minh ở nhiều quốc gia trên thế giới”.
Đại diện ADB cho biết thêm: “Kế hoạch tài trợ của ADB bao gồm: (i) Phát triển toàn diện tính năng của Hệ thống, phù hợp và hài hoà với các mẫu hồ sơ tham dự thầu của các gói thầu sử dụng nguồn vốn WB, ADB; (ii) Xây dựng Hướng dẫn sử dụng cho chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu cũng như các cán bộ đấu thầu là những người tiếp xúc thường xuyên nhất với Hệ thống; (iii) Xây dựng, triển khai chiến dịch truyền thông về ĐTQM nhằm mục đích nâng cao nhận thức và thúc đẩy số lượng người sử dụng Hệ thống”.
Ông Alexander Fox khẳng định rằng: “Thông qua các hỗ trợ này, các trở ngại chính ngăn cản việc sử dụng Hệ thống (hạn chế kỹ thuật, thiếu nhận thức về Hệ thống, thiếu kỹ năng sử dụng) sẽ được gỡ bỏ”.
Khuyến khích áp dụng đấu thầu điện tử
Trong thời gian tới, cả WB và ADB đều có các chủ trương, chính sách nhằm tăng cường áp dụng ĐTQM cho các dự án sử dụng vốn của các nhà tài trợ này tại Việt Nam. Bà Anna L. Wielogorska chia sẻ rằng: “WB khuyến khích các dự án sử dụng vốn tài trợ của Ngân hàng công khai thông tin và tổ chức đấu thầu điện tử trên HTMĐTQG để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống này. Chúng tôi cũng khuyến khích tất cả các đơn vị thực hiện trực thuộc các dự án sử dụng vốn của WB áp dụng Hệ thống cho các hoạt động tiếp cận thị trường quốc gia được tài trợ bởi các khoản vay và tín dụng của WB”.
Trong khi đó, đại diện ADB cho biết: “Như đã nêu ở trên, ADB và WB đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong việc cải tiến Hệ thống để có thể áp dụng đấu thầu các gói thầu cạnh tranh trong nước sử dụng nguồn vốn tài trợ của 2 ngân hàng. Việc xây dựng và triển khai chiến dịch truyền thông do ADB tài trợ không chỉ nâng cao nhận thức về việc sử dụng Hệ thống của các bên mời thầu, nhà thầu, mà còn tăng cường khả năng giám sát công tác đấu thầu của các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng để tăng tính cạnh tranh, công bằng và minh bạch trong mua sắm công”.
Cam kết sử dụng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia
Dù lợi ích của ĐTQM là rất rõ rệt, song không ít chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu còn e ngại sự thay đổi và chưa tích cực tham gia, triển khai ĐTQM. Trước thực trạng này, phía WB và ADB đã đưa ra những nhận định và lời khuyên cho các chủ thể liên quan.
Bà Anna L. Wielogorska khẳng định rằng: “Nếu các bên liên quan quan tâm đến các nguyên tắc cốt lõi của đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế thì rõ ràng ĐTQM là một trong những giải pháp tốt nhất để đạt được các nguyên tắc này. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi tất cả các bên liên quan phải cam kết và tin tưởng hoàn toàn vào việc sử dụng HTMĐTQG. Trên cơ sở đó, các bên liên quan cần đối thoại thẳng thắn và cởi mở về các thiếu sót của Hệ thống để tìm cách cải tiến, khắc phục, đồng thời cùng nhau quảng bá về những ưu điểm của ĐTQM và khuyến khích sự tham gia rộng rãi của cộng đồng”.
Trong khi đó, phía ADB chia sẻ rằng: “Mặc dù những lợi ích của ĐTQM là rất rõ ràng và Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực để thúc đẩy hình thức này nhưng việc sử dụng HTMĐTQG vẫn còn khá thấp so với kỳ vọng. Lý do giải thích cho việc này là vì các bên liên quan như bên mời thầu và nhà thầu chưa quen sử dụng Hệ thống và các hạn chế về mặt kỹ thuật vẫn còn tồn tại của Hệ thống”.
Ông Alexander Fox cũng cho biết thêm: “Trong thời gian vừa qua, ADB đã tiến hành đánh giá Hệ thống và nhận thấy rằng các bên mời thầu và nhà thầu vẫn đang áp dụng song song các thủ tục đấu thầu giấy tờ theo cách truyền thống khi thực hiện ĐTQM. Điều này có nghĩa là gánh nặng hành chính về đấu thầu đã tăng lên, làm ảnh hưởng đến lợi ích của đấu thầu điện tử và đến chính các bên liên quan sử dụng tích cực Hệ thống”.
“Đề xuất của chúng tôi muốn gửi tới Cục Quản lý đấu thầu (Cục QLĐT) là cần đẩy mạnh truyền thông để mở rộng tiếp cận tới các bên liên quan ngay từ đầu năm 2018 và sau đó, Cục QLĐT có thể hỗ trợ người dùng để tăng sự tin tưởng của họ vào Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, chứ không chỉ dựa vào các quy định trong Luật Đấu thầu và các nghị định kèm theo để đảm bảo việc áp dụng ĐTQM. Mặc dù kết quả năm 2017 là rất đáng khích lệ, nhưng rõ ràng là vẫn chưa đạt được hiệu quả tối đa của ĐTQM như kỳ vọng. Tất cả các bên liên quan ở Việt Nam cần nỗ lực hết mình sử dụng Hệ thống để đảm bảo việc chi tiêu ngân sách đạt được giá trị kinh tế tốt nhất, mà điều này chỉ có thể có được nhờ sự cạnh tranh, công bằng và minh bạch thông qua ĐTQM.”
“Để thúc đẩy phát triển ĐTQM tại Việt Nam, Chính phủ cần: Tiếp tục cải tiến Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để mạnh mẽ hơn về mặt kỹ thuật, đồng thời vẫn thân thiện với người sử dụng; yêu cầu bắt buộc sử dụng Hệ thống cho tất cả các gói thầu mua sắm công; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về Hệ thống; ưu tiên triển khai việc quản trị thay đổi nhận thức, thói quen trong thực tiễn đấu thầu của các bên liên quan bao gồm bên mời thầu, nhà thầu, các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan kiểm tra, kiểm toán.
Với những nỗ lực như vậy, chúng tôi tin rằng những lợi ích toàn diện của ĐTQM trong việc cải thiện tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế, sẽ được thụ hưởng bởi người dân Việt Nam”.