Xin cơ chế đặc thù xây cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2

(BĐT) - Do đang triển khai thực hiện đầu tư mở rộng tuyến đường Vành đai 2, đoạn từ Ngã tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy (bao gồm cả mở rộng mặt cắt dưới đất và xây dựng đường trên cao), nên lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông tập trung về cầu Vĩnh Tuy ngày càng tăng. 
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có thiết kế hình dáng giống như cầu Vĩnh Tuy đã xây dựng trong giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư khoảng 2.561 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có thiết kế hình dáng giống như cầu Vĩnh Tuy đã xây dựng trong giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư khoảng 2.561 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi

Trước thực trạng này, TP. Hà Nội đang chuẩn bị phương án chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án Xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đồng thời đề xuất cơ chế đặc thù trong lựa chọn nhà đầu tư dự án này.

Xin chuyển đổi sang hình thức BT

Giai đoạn 2 của Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy được UBND TP. Hà Nội phê duyệt vào năm 2011 với quy mô hoàn thiện bằng một cây cầu có thiết kế hình dáng giống như cầu Vĩnh Tuy đã xây dựng trong giai đoạn 1. Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 dự kiến có tổng chiều dài khoảng 3.504 m, tổng mức đầu tư khoảng 2.561 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách của Thành phố.

Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách của Hà Nội còn hạn chế, khó cân đối đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, nên Thành phố có chủ trương giảm dần đầu tư các dự án bằng ngân sách, chuyển đổi sang thực hiện theo các hình thức khác, nhằm huy động nguồn lực từ xã hội và các điều kiện sẵn có.

Liên quan đến Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, HĐND TP. Hà Nội đã có Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 6/12/2016 xác định Dự án thuộc Danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện theo hợp đồng BT; Thành ủy Hà Nội cũng đã đồng ý chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án sang hình thức hợp đồng BT.

Hiện, Dự án đang ở bước chuẩn bị đầu tư,  Thành phố đã bố trí vốn khảo sát, lập dự án; chưa bố trí vốn thực hiện công tác lập Thiết kế bản vẽ thi công - tổng dự toán. Lũy kế giải ngân đến thời điểm hiện nay là 3,14 tỷ đồng. Cơ quan lập Đề xuất Dự án đã đề xuất sử dụng quỹ đất đối ứng còn dư của Dự án Xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên theo hình thức hợp đồng BT gồm: khai thác quỹ đất 34 ha tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm; 78,4 ha tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm và quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối, thuộc quận Long Biên với quy mô diện tích khoảng 320 ha; quỹ đất bổ sung thêm khoảng 135 ha ngoài bãi sông Hồng. Về cơ bản, cơ quan lập đề xuất Dự án cho biết, quỹ đất này có khả năng cân đối với giá trị công trình BT.

Tại báo cáo gần đây được UBND TP. Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án sang hình thức PPP (hợp đồng BT).

Đề xuất cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư

Theo UBND TP. Hà Nội, Dự án cơ bản phù hợp với các điều kiện triển khai thực hiện theo hình thức PPP quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.

Do Dự án thuộc Danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020, nên theo UBND Thành phố, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành cùng với Dự án Xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng để khép kín toàn bộ đường Vành đai 2. Cách làm này sẽ phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, góp phần giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Vành đai 2, đồng thời giảm ùn tắc giao thông cho cầu Chương Dương và cầu Thanh Trì.

Để đẩy nhanh tiến độ, UBND TP. Hà Nội đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép UBND Thành phố lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế đặc thù để đàm phán, ký kết hợp đồng dự án theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

UBND Thành phố cũng đề xuất cho phép nhà đầu tư được lựa chọn hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình phê duyệt điều chỉnh, đồng thời với phê duyệt phương án chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sang hình thức hợp đồng BT (rút ngắn thủ tục phê duyệt Đề xuất Dự án).

Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, UBND Thành phố cam kết chỉ đạo hoàn thiện thủ tục để có thể khởi công Dự án trong năm 2017.