Xóa bỏ đầu tư bạc tỷ theo phong trào

(BĐT) - Chuyện nhiều địa phương đầu tư cả trăm tỷ đồng để xây dựng chợ, tượng đài, cảng biển... rồi bỏ không gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước được nhiều chuyên gia kinh tế nhắc lại khi bàn về thứ tự ưu tiên sắp xếp các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng.
Nhiều dự án đầu tư công ở Việt Nam không đạt hiệu quả như mong đợi. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều dự án đầu tư công ở Việt Nam không đạt hiệu quả như mong đợi. Ảnh: Lê Tiên

Vốn khan, dự án nhiều

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), do tính chất phức tạp của đầu tư công là không có cá nhân chịu trách nhiệm, liên quan đến nhiều cấp phê duyệt, trách nhiệm giải trình thấp nên hiệu quả đầu tư công rất khác nhau ở các nhóm nước khác nhau. Chính vì vậy, kết quả khảo sát của WB chỉ ra, ở các nước phát triển có tới 13% lợi ích tiềm năng của đầu tư công đã bị mất do hiệu quả đầu tư công thấp, con số này càng cao hơn (40%) ở các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, hiệu quả của đầu tư công cũng chưa thực sự đạt được như mong đợi, thể hiện qua việc nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ, không hoàn thành hoặc hoàn thành với chất lượng kém… làm giảm lòng tin của nhân dân. Trên thực tế, hiện một số dự án tỷ đô chậm tiến độ có thể kể đến là: Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, Dự án Đường sắt đô thị TP.HCM… Từ khảo sát đó, vị đại diện Nhóm nghiên cứu của WB cho rằng: “Chúng ta cần sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư công để tránh việc các địa phương đua nhau đầu tư, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước”.

Đồng quan điểm, TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, nâng cao hiệu quả đầu tư công đang là một trong những yêu cầu bức thiết tại Việt Nam. Theo ông Tuấn, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do nguồn lực công đầu tư cho lĩnh vực này có xu hướng giảm sút; hơn nữa cơ chế phân phổ và quản lý hiện hành bộc lộ nhiều bất cập; việc xử lý hệ quả của quá trình đầu tư trước đây đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, ông Tuấn nhấn mạnh: “Một phương pháp luận phù hợp nhằm chọn ra được dự án ưu tiên đầu tư là vô cùng cần thiết”.

Sàng lọc ngay ở giai đoạn ý tưởng

Nhận xét về tính đặc thù của các dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực hạ tầng, đại diện nhóm Nghiên cứu của WB cho rằng: “Quản lý đầu tư công của Việt Nam rất đặc thù, ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố phi kinh tế, do vậy, không thể áp dụng thẩm định đầu tư công và sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư công theo cách thức phổ biến tại Việt Nam”.

Dự án đầu tư được tính toán mang lại hiệu quả kinh tế cao sẽ được cơ quan có thẩm quyền cân nhắc để sắp xếp ưu tiên đầu tư và ngược lại
Vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để lựa chọn và sắp xếp ưu tiên danh mục dự án kết cấu hạ tầng đảm bảo tính khách quan, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực đầu tư trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công tiếp tục duy trì ở mức thấp, khả năng đáp ứng yêu cầu vốn cho các mục tiêu tăng trưởng đặt ra hết sức khó khăn?

Trả lời câu hỏi này, một phương pháp luận về sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án hạ tầng đã được nhóm nghiên cứu của WB đưa ra. Phương pháp này được xây dựng dựa trên phân tích chi phí - lợi ích của dự án để ưu tiên đầu tư. GS. Glenn P.Jenkins thuộc WB cho biết: “Việc sàng lọc và sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư công ngay ở giai đoạn ý tưởng (chủ trương đầu tư) bằng việc phân tích chi phí - lợi ích kinh tế sẽ quyết định rất lớn tới thành công của một dự án. Một khi dự án đầu tư được tính toán mang lại hiệu quả kinh tế cao sẽ được cơ quan có thẩm quyền cân nhắc để sắp xếp ưu tiên đầu tư và ngược lại”.

Đánh giá cao phương pháp này, một đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Hiệu quả của hệ thống quản lý đầu tư công ở Việt Nam chỉ có thể cải thiện nếu các báo cáo chủ trương đầu tư do các chủ dự án chuẩn bị dựa trên phương pháp phân tích chi phí - lợi ích. Chính điều này sẽ giúp các nhà quản lý có được cái nhìn khách quan, toàn diện để cho ý kiến đầu tư phù hợp”.