Xuất khẩu rau quả chuyển dịch tích cực

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu rau quả Việt Nam những tháng đầu năm nay có sự sụt giảm khá mạnh. Bởi, thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Tuy giảm mạnh nhưng nhóm mặt hàng này đang cho thấy sự chuyển dịch khá tích cực sang các thị trường có giá trị xuất khẩu cao như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm 2022, chỉ đạt 261 triệu USD và giảm gần 26% so với cùng kỳ 2021. Do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh, kéo theo kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước trong 2 tháng qua chỉ đạt 508 triệu USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phân loại sản phẩm cà rốt xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nông sản Hưng Việt, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Phân loại sản phẩm cà rốt xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nông sản Hưng Việt, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tuy nhiên, điểm đặc biệt là trong 2 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu rau quả sang Mỹ tăng gần 70%; Hàn Quốc tăng gần 32%; Nhật Bản tăng 12%; Australia tăng 45,7%, Hà Lan tăng 51,5%… Điều này được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển dịch thị trường xuất khẩu, giúp mặt hàng rau quả của Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, ngoài thị trường Trung Quốc, các thị trường xuất khẩu rau quả lớn khác như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều tăng mạnh. Sự tăng trưởng của các thị trường này đã thấy rất rõ từ năm 2021. Tuy nhiên, do kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này còn khiêm tốn nên mức tăng từ các thị trường trên không bù đắp được sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn do bị ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới đường bộ phía Bắc. Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2022, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc phải thực hiện theo Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu" và Lệnh số 249 ban hành "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, xu hướng chuyển dịch xuất khẩu mặt hàng rau quả sang các thị trường khác vẫn được duy trì. Nhìn lại năm 2021, xuất khẩu rau quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD, chỉ tăng có 3%. Như vậy, sự tăng trưởng xuất khẩu của rau quả trong năm qua chủ yếu là nhờ vào các thị trường khác. Rau quả xuất sang Trung Quốc ngày càng giảm đáng kể về tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam.

Phân loại Thanh Long Bình Thuận trước khi đi tiêu thụ. Ảnh: TTXVN phát

Phân loại Thanh Long Bình Thuận trước khi đi tiêu thụ. Ảnh: TTXVN phát

Nhìn kỹ hơn về các mặt hàng xuất khẩu, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, năm 2021, xuất khẩu riêng mặt hàng thanh long sang Trung Quốc đạt 1,031 tỷ USD trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường này là trên 1,9 tỷ USD. Như vậy, thanh long đang là mặt hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng đánh giá, đang có sự chuyển dịch rõ nét về xuất khẩu rau quả sang các châu lục khác. Trong khi tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang châu Âu và châu Mỹ tăng, tỷ trọng xuất khẩu sang châu Á giảm.Nhu cầu nhập khẩu sản phẩm rau quả của EU hàng năm từ khu vực nhiệt đới rất lớn và đang có tốc độ tăng trưởng cao. Trong khi đó, Việt Nam đã có Hiệp định thương mại tự do với EU. Sau khi Hiệp định Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, thuế suất một số loại rau, quả của Việt Nam vào EU được giảm về 0%, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các nước trong khu vực.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết, doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh xuất khẩu rau quả tươi, rau quả chế biến sang thị trường EU. Đây là thị trường chấp nhận tất cả rau quả Việt Nam được xuất khẩu vào mà không cần qua đàm phán. Tuy nhiên, EU có rất nhiều quy định và các hàng rào kỹ thuật nên sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này phải bảo đảm chất lượng cao.

Ông Nguyễn Đình Tùng cũng vui mừng cho biết, doanh nghiệp đã kết nối được một siêu thị lớn của Pháp để cung cấp hàng hóa thường xuyên. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội chinh phục và mở rộng xuất khẩu rau quả sang Pháp cũng như sang EU.

EU cũng là thị trường mà các doanh nghiệp đang rất đợi chờ. Nhưng do dịch COVID-19, căng thẳng Nga-Ukraine nên các doanh nghiệp chưa phát huy hết được cơ hội ở thị trường tiềm năng này.

Với sự tăng trưởng hàng năm vào các thị trường có giá trị cao như Mỹ, Australia, Canada, EU, Hàn Quốc… đang cho thấy việc sản xuất, vùng nguyên liệu cũng đang có sự chuyển dịch đáp ứng yêu cầu các thị trường ngày càng tốt hơn. Các doanh nghiệp đã sẵn sàng đầu tư những vùng nguyên liệu đảm bảo xuất khẩu. Đã có những liên kết với doanh nghiệp và nông dân; qua đó tạo thêm niềm tin của bà con trong liên kết với doanh nghiệp.

Đặc biệt khi thị trường Trung Quốc thường xuyên bấp bênh, rủi ro, trong khi các thị trường ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng thì bắt buộc nông dân phải sản xuất ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của các thị trường. "Tạo ra sản phẩm có thể đáp ứng được các thị trường khi thị trường nào đó có biến động, sản phẩm nông nghiệp Việt sẽ từng bước được nâng cao", ông Nguyễn Đình Tùng đánh giá.

Sơ chế chuối già Nam Mỹ xuất khẩu tại Công ty TNHH Một thành viên Kazuna, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: TTXVN phát

Sơ chế chuối già Nam Mỹ xuất khẩu tại Công ty TNHH Một thành viên Kazuna, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: TTXVN phát

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với hoa quả, đã có 3.646 mã số vùng trồng được cấp với diện tích 197.000 ha tại 50/63 tỉnh, thành phố và 1.798 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi xuất khẩu. Sản lượng các sản phẩm từ các mã số vùng trồng hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường hiện nay.

Tuy nhiên, điều lo ngại nhất với doanh nghiệp xuất khẩu rau quả tươi là tình trạng kẹt hàng ở các cảng biển. Với mặt hàng rau quả, việc bảo quản chỉ có giới hạn nên nếu bị kẹt hàng lâu sẽ gây thiệt hại rất lớn. Nên hiện các doanh nghiệp chủ yếu chọn các mặt hàng có thể bảo quản trên 50 ngày để xuất khẩu. Còn với các sản phẩm bảo quản ngắn hơn như thanh long, doanh nghiệp phải chuyển sang đường hàng không, nhưng chi phí lại rất cao, khó cạnh tranh với các mặt hàng cùng chủng loại của các nước khác cùng xuất khẩu.

Với sự nhạy bén, linh hoạt, cùng sự thuận lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp sẽ tận dụng tốt hơn cơ hội từ các thị trường, dự báo xuất khẩu rau quả năm 2022 sẽ tăng trưởng tốt hơn năm trước, ông Nguyễn Đình Tùng nhận định.

Tin cùng chuyên mục