Xuất khẩu theo cách mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu (XK) của Việt Nam vẫn nổi lên là một điểm sáng tích cực trong bức tranh nhiều màu xám của thương mại toàn cầu. Kết quả này đạt được, theo nhiều chuyên gia thương mại, đó là nhờ sự linh hoạt, năng động, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam với nhiều cách làm mới, bắt kịp xu hướng thời đại.
Lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang
Lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang

Nông sản “ngồi” trên máy bay ra thế giới

Cả thị trường trong nước và quốc tế vừa chứng kiến một cuộc thay đổi ngoạn mục về cung cách bán hàng của DN Việt Nam đối với quả vải thiều.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại một số tỉnh phía Bắc đúng thời điểm vụ vải thiều tại “vựa” Bắc Giang vào mùa thu hoạch. Điều này làm dấy lên lo ngại về một kịch bản xấu “được mùa mất giá” của nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, những lo ngại đó đã không lặp lại. Bộ Công Thương cho biết, ngày 12/6/2021, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên của Việt Nam gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại phát triển đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Lô hàng này đã tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Theo ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp, đơn hàng vải thiều này tới từ một đối tác uy tín tại Pháp đã xóa bỏ những nghi ngờ về năng lực cung cấp của Việt Nam, khẳng định thương hiệu, cũng như chất lượng quả vải Việt Nam nói riêng và hàng Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, chia sẻ về “đường đi” của quả vải, đại diện Vietnam Airlines cho biết, năm nay là năm đầu tiên Vietnam Airlines bố trí riêng một siêu máy bay Boeing 787-9 chỉ để chở vải thiều Bắc Giang tới tay người tiêu dùng tại Pháp, Nhật… Điều mà trước đây chưa từng thực hiện.

Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho biết, hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo quản trái vải cũng được nâng lên. Điển hình là mới đây, 6 tấn vải thiều tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu thành công sang châu Âu bằng container trong 5 tuần qua đường biển mà vẫn đảm bảo được độ tươi ngon, được người tiêu dùng đón nhận.

“Đây là dấu mốc rất quan trọng để các DN Việt Nam đầu tư một cách bài bản hơn, thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững”, ông Thắng nhìn nhận.

Chính nhờ sự đổi mới, linh hoạt của DN, giá XK quả vải ổn định ở mức cao, riêng ở các nước Nhật Bản, Pháp, Đức, Hà Lan… giá bán ở mức rất cao, từ 350.000 - 450.000 đồng/kg.

Không chỉ có vải thiều XK được giá cao, với sự đổi mới trong phương thức tiếp cận thị trường cũng như bảo quản sản phẩm, gần đây, lần đầu tiên lô hàng 22 tấn quả sấu đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Australia mang về giá trị lên đến trên 390.000 AUD, tương đương 6,5 tỷ đồng.

Cùng với việc lần đầu tiên Việt Nam dùng “siêu” máy bay chuyên chở vải thiều XK, tháng 7 vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức chạy đoàn tàu hỏa chở container thẳng từ Hà Nội sang Bỉ, đánh dấu mở thêm tuyến vận tải vào sâu trong nội địa châu Âu. Đoàn tàu gồm các toa chở container chạy trên khổ đường sắt 1,435m với 23 container loại 40 feet chứa các loại hàng dệt may, da giày, điện tử. Các đoàn tàu đi đến ga đích đúng giờ cùng với chi phí vận tải phù hợp đang mở thêm một con đường mới cho hàng hóa Việt Nam vươn ra thế giới.

Một kết quả nổi bật khác cũng đóng góp tích cực vào bức tranh sáng XK của Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua. Đó là bước chuyển ngoạn mục của DN trong việc nắm bắt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với việc thúc đẩy áp dụng các giải pháp chuyển đổi số hỗ trợ hoạt động giao thương, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

“Sự sáng tạo, linh hoạt này của DN trong thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa XK đã loại bỏ được những khó khăn, trở ngại về vấn đề chi phí logistics tăng phi mã, tình trạng thiếu container rỗng hay sự cố tắc nghẽn vận chuyển hàng hóa XK bằng đường biển”, ông Thắng nói thêm.

Ứng dụng thương mại điện tử đưa hàng Việt ra thế giới

Một kết quả nổi bật khác cũng đóng góp tích cực vào bức tranh sáng XK của Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua. Đó là bước chuyển ngoạn mục của DN trong việc nắm bắt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với việc thúc đẩy áp dụng các giải pháp chuyển đổi số hỗ trợ hoạt động giao thương, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo chia sẻ của đại diện Bộ Công Thương, trước đây, hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế chủ yếu được tổ chức bằng cách mang hàng hóa tới các quốc gia khác và trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, phòng giới thiệu sản phẩm. Cách thức xúc tiến thương mại này được đánh giá là có tỷ lệ chốt đơn hàng tương đối cao, song lại tốn kém về chi phí và thời gian cho DN. Tuy nhiên, khi Covid-19 xảy ra, việc đi lại khó khăn, việc gặp gỡ trực tiếp có thể không đảm bảo an toàn… vì thế, các đơn vị mới dịch chuyển sang hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến.

Nhờ đó, trong suốt hơn một năm rưỡi kể từ khi dịch bùng phát thì nhiều DN XK Việt Nam vẫn tìm kiếm được những đơn hàng XK thông qua thương mại điện tử.

Lãnh đạo một DN lĩnh vực da giầy chia sẻ, công ty này đã thực hiện giao thương trực tuyến với đối tác ở khắp các nước để tìm thêm các đơn hàng ở phân khúc bình dân. Kết quả là DN đã nhận được một số đơn hàng từ thị trường EU, tạo cơ hội việc làm cho người lao động.

Tiếp tục đẩy mạnh thương mại điện tử, gỡ khó thị trường cho DN, ngày 26/8/2021, một hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cùng Amazon” được Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức. Sự kiện nhằm hỗ trợ DN Việt Nam tiếp cận với thị trường toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thông tin thêm, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, hội thảo trên chỉ là một trong số nhiều hoạt động mà NIC đang đẩy mạnh nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và đẩy nhanh ứng dụng chuyển đổi số cho DN, với mong muốn hỗ trợ được DN Việt Nam nhiều nhất có thể tham gia xuất khẩu xuyên biên giới với Amazon.

Ngoài chương trình hợp tác với NIC, trước đó, Amazon còn hợp tác với Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện chương trình “Bệ phóng 90 ngày cùng Amazon”, nhằm hỗ trợ các DN, nhất là DN nhỏ và vừa Việt Nam đẩy mạnh XK thông qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon, từng bước xây dựng được thương hiệu của mình trên thị trường tiêu dùng quốc tế.

Để thúc đẩy hoạt động này, nhằm gỡ khó và tích cực hỗ trợ cho DN, hiện nhiều bộ, ngành và địa phương trên cả nước như: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… đã ban hành kế hoạch hoạt động thúc đẩy thương mại điện tử, hỗ trợ DN.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy thương mại điện tử, cùng sự năng động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo của DN Việt Nam, ông Phạm Tất Thắng tin tưởng, XK của Việt Nam sẽ có bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục