Xuất khẩu và tiêu dùng tiếp tục triển vọng sáng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với những nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, 2 trong số 3 động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu (XK) và tiêu dùng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong 9 tháng đầu năm 2024. Dự báo trong những tháng còn lại của năm, 2 xuất khẩu và tiêu dùng tiếp tục triển vọng sáng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tiên Giang
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tiên Giang

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý III/2024, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính nhận xét: “Điểm sáng nổi bật trong bức tranh XK 9 tháng đầu năm 2024 là tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK của DN 100% vốn trong nước tăng gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK của DN có vốn đầu tư nước ngoài”.

Ông Sơn cho biết, 9 tháng năm 2024, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,47 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch XK; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216,16 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 72,1%. Cán cân thương mại 9 tháng năm nay xuất siêu 20,79 tỷ USD.

Việt Nam có 30 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch. XK tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông, lâm, thuỷ sản; hàng nhiên liệu khoáng sản.

Kim ngạch XK sang hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU… đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao.

Chia sẻ về tình hình đơn hàng, Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công cho hay, đến thời điểm hiện tại, Công ty đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2024. Với dự báo khả quan hơn vào những tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, Công ty hy vọng sẽ đạt kế hoạch kinh doanh cả năm.

Cùng với dệt may, đơn hàng XK hàng hóa của nhiều ngành hàng rau quả, thủy sản, gỗ, điện và điện tử… cũng phục hồi tích cực.

Về “động lực” tiêu dùng, ông Sơn cho biết, 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm trước như Quảng Ninh tăng 10,4%; Hải Phòng tăng 9,3%…

Về triển vọng thị trường những tháng còn lại của năm 2024, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Công Thương nhận định, kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo là “hạ cánh mềm”, bắt đầu chu kỳ sản xuất mới. Chính sách tài khóa - tiền tệ toàn cầu đang có dấu hiệu nới lỏng khi nhiều quốc gia đặt trọng tâm hỗ trợ tăng trưởng; quý III/2024 đánh dấu sự phục hồi tích cực của thương mại toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ cuối năm của các thị trường lớn, trong đó có các thị trường mà Việt Nam ký kết FTA có xu hướng tốt lên… “Đây là cơ sở, điểm tựa để 2 động lực XK và tiêu dùng nước ta tăng trưởng những tháng cuối năm”, ông Sơn nhận xét.

Mặc dù vậy, tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn những rủi ro, thách thức như căng thẳng địa chính trị; tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với sản phẩm nhập khẩu… Những yếu tố này sẽ tác động đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trong những tháng cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng XK, đặc biệt là đẩy mạnh chương trình XK chính ngạch; tăng cường thực hiện các giải pháp để bảo vệ sản xuất trong nước thông qua thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại... Qua đó, góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp kích thích tiêu dùng xã hội, qua đó gia tăng hoạt động lưu thông hàng hóa trong nước, phục hồi và nâng cao tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Cụ thể là bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong các tháng cuối năm, tích cực tổ chức các chương trình bình ổn thị trường, xây dựng chương trình hỗ trợ thu mua, chế biến, để tiêu thụ các mặt hàng thế mạnh của các địa phương…

Tin cùng chuyên mục