Xuất nhập khẩu 2 tháng nhiều điểm sáng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vẫn nối tiếp đà tăng. Song cùng với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tình hình thị trường thế giới có những diễn biến khó lường, có thể tác động mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên
Hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên

Bộ Công Thương cho biết, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022 tiếp tục có những điểm sáng ấn tượng.

Đối với xuất khẩu (XK), tháng 2/2022 có số ngày làm việc ít hơn nên tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm 20% so với tháng trước, ước đạt 48,2 tỷ USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2022 tăng 17,6%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 14,29 tỷ USD, tăng 24,1%, chiếm 26,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,5 tỷ USD, tăng 5,9%, chiếm 73,4%.

Trong 2 tháng, cả nước có 9 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch XK, trong đó có 4 mặt hàng XK trên 5 tỷ USD, chiếm 52%.

Về cơ cấu nhóm hàng XK, chủ yếu là nhóm hàng công nghiệp chế biến, thủy sản, nông sản, lâm sản. Các thị trường XK lớn tiếp tục được duy trì, củng cố.

Về nhập khẩu (NK), so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch NK hàng hóa tháng 2 tăng 21,9%. Tính chung 2 tháng, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 54,73 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Hàng hóa NK chủ yếu là tư liệu sản xuất.

Như vậy, do NK tăng nên cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính nhập siêu 937 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,6 tỷ USD.

PGS. TS. Phạm Tất Thắng, chuyên gia thương mại cho rằng, các con số nêu trên cho thấy những tín hiệu bước đầu rất đáng mừng về hoạt động XNK 2 tháng đầu năm. “Chúng ta tiếp tục có nhiều mặt hàng có kim ngạch XK tỷ USD. Điều này cho thấy, hoạt động XK đã tập trung vào những mặt hàng chủ lực. Đáng mừng hơn là lâu nay, hoạt động XK của khu vực kinh tế trong nước chưa đạt như kỳ vọng thì 2 tháng đầu năm XK đã tăng 21,1%, chiếm 26,6% tổng số kim ngạch XK cho thấy năng lực XK của khối doanh nghiệp (DN) này đã có sự cải thiện”, ông Thắng phân tích.

Đề cập về con số nhập siêu 937 triệu USD trong 2 tháng qua, ông Thắng cho rằng, bước đầu chưa đáng ngại. Theo ông, đi vào phân tích cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2022 thấy rằng, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,8%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 46,6%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,2%. “Với cơ cấu hàng NK này, chúng ta sẽ có đầy đủ nguyên vật liệu để sản xuất, cũng tạo tiền đề tốt để xuất siêu trong những tháng tới”, ông Thắng lạc quan.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, đến thời điểm này, dù VASEP chưa cập nhật đầy đủ đơn hàng của các thành viên nhưng theo số liệu thống kê từ hải quan, năm 2022, DN chế biến và xuất khẩu thủy sản có một số lợi thế lớn khi tín hiệu phục hồi của thị trường rõ nét. Số liệu của VASEP vừa cập nhật cho thấy, 2 tháng đầu năm, XK thủy sản của Việt Nam đã chạm mốc 1,5 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho hay, đến thời điểm này, Hòa Phát đã nhận đơn hàng XK đến tháng 5/2022 với 720.000 tấn thép xây dựng. Sản lượng bán hàng thép xây dựng trong tháng 2 rất tốt, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp; trên thế giới, xung đột giữa Nga - Ukraine dự báo sẽ gây những tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Ứng phó với các rủi ro, ông Thắng cho rằng, DN xuất nhập khẩu Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để thích ứng thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số.

Bà Đặng Tuyết Vinh, đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh để loại bỏ những “nút thắt” góp phần thúc đẩy tăng trưởng XK.

Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ tích cực phối hợp với các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn DN tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Tận dụng và triển khai thực thi Hiệp định RCEP hiệu quả. Đồng thời, theo dõi sát tình hình XK bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn… nhằm hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

Tin cùng chuyên mục