Xuất nhập khẩu: Vẫn “nóng” về kiểm tra chuyên ngành

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thủ tục kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu vẫn là điểm “nóng” tác động đến nhiều doanh nghiệp (DN), đòi hỏi cơ quan hải quan và các bộ, ngành, địa phương cần có chuyển động mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính thời gian tới.
Trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu còn phức tạp, chồng chéo và danh mục kiểm tra chuyên ngành còn quá nhiều. Ảnh: Lê Tiên
Trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu còn phức tạp, chồng chéo và danh mục kiểm tra chuyên ngành còn quá nhiều. Ảnh: Lê Tiên

Cải cách còn nửa vời, hình thức

Kết quả khảo sát năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với gần 3.700 DN về mức độ hài lòng của DN trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu cho thấy, việc thực hiện các thủ tục hành chính hải quan thuận lợi hơn (khai hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá, nộp thuế, hoàn thuế/không thu thuế, cho đến giải quyết khiếu nại); giảm bớt chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra sau thông quan... Công tác kiểm tra, quản lý chuyên ngành có chuyển biến tích cực. Mức độ phổ biến của việc chi trả chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu đã giảm bớt...

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng ghi nhận những tiến bộ của ngành hải quan khi áp dụng thủ tục thông quan điện tử, áp dụng cơ chế quản lý rủi ro, minh bạch và công khai tiêu chí đánh giá chất lượng công chức, áp dụng thẻ xanh cho những DN ưu tiên...

Mặc dù vậy, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho rằng, trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, chồng chéo, trùng lặp giữa các đơn vị trong cùng một bộ, giữa các bộ với nhau. Danh mục kiểm tra chuyên ngành còn quá nhiều, dù từ năm 2018 đến nay Chính phủ đã nỗ lực cắt giảm. Kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà. Điện tử hóa và giao dịch trực tuyến vẫn chưa tuyệt đối, gây nguy cơ cho DN bị cán bộ công chức nhũng nhiễu. Thực tế, chi phí ngoài luồng vẫn là mối quan ngại lớn của cộng đồng DN, dù đã có tín hiệu giảm từ năm 2016 đến nay.

Tính đến cuối tháng 6/2021, theo bà Thảo, đã có 218 thủ tục hải quan kết nối điện tử, nhưng đa phần vẫn thực hiện đồng thời trực tuyến (online) và nộp trực tiếp bản giấy (trong kiểm dịch động vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đòi hỏi phải nộp trực tiếp bản gốc...). Việc cắt giảm thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành vẫn còn mang tính hình thức, mới chỉ chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang kiểm tra sau thông quan (trừ kiểm dịch, xăng dầu), còn những giấy phép, thủ tục quản lý chuyên ngành gần như vẫn giữ nguyên. Nếu như kiểm tra trước thông quan còn chịu sức ép về thời hạn để lưu thông hàng hóa, thì thời gian kiểm tra sau thông quan có nguy cơ bị kéo dài lâu hơn. Một vấn đề “nóng” nữa đã tồn tại từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có sự thống nhất là xác định giá trị hải quan khiến nhiều DN cảm thấy oan ức, muốn kiện cơ quan hải quan nhưng không dám kiện...

Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam chia sẻ một nghịch cảnh trong kiểm tra chuyên ngành nữa là hiện nay do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên cán bộ công chức không cho gặp trực tiếp để nộp hồ sơ giấy, bưu điện cũng không nhận thêm vì quá tải, trong khi DN vẫn phải lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Giảm mạnh kiểm tra chuyên ngành

Đối với các cơ quan quản lý và kiểm tra chuyên ngành, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, DN mong muốn cơ quan hải quan và các bộ ngành cần tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành, cũng như áp dụng triệt để, chuyển hẳn việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục sang phương thức trực tuyến.

Nhiều DN cũng cho rằng số lượng hàng hóa phải thanh, kiểm tra chuyên ngành nên tiếp tục giảm xuống và hạn chế tối đa việc kiểm tra trùng lặp. Các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành cần áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro để giảm chi phí tuân thủ pháp luật của DN. Việc tăng cường chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành với cơ quan hải quan cũng cần cải thiện.

Theo ông Trần Đức Nghĩa – Giám đốc Công ty Delta và là Ủy viên BCH Hiệp hội Logistics Việt Nam, chỉ tính riêng việc kết nối 2 phần mềm thủ tục thanh lý tờ khai hải quan cảng trong khu vực giám sát hải quan giúp tiết kiệm được chi phí lên tới 5 – 6 nghìn tỷ đồng/năm, đồng thời giúp Nhà nước giảm được hàng chục cán bộ tại các cảng, giảm chi ngân sách... Thời gian tới, các bộ, ngành cần thay đổi, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đồng bộ từ trên xuống dưới, giữa các bộ ngành và địa phương với nhau, đừng cải cách theo kiểu nửa chừng...

Tin cùng chuyên mục