Một góc thành phố Yên Bái |
Năm 2017, tốc độ tăng GRDP của tỉnh Yên Bái đạt 6,22%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực trong đó, nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 24,7%; công nghiệp, xây dựng chiếm 23,2%; dịch vụ chiếm 48,3%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 62,8%; 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu...
Tuy nhiên, Yên Bái là một tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, nằm sâu trong nội địa, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp (chỉ đạt 29,5 triệu/người/năm so với cả nước 53,5 triệu đồng/người/năm), đời sống của nhân dân ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng nhất là các tuyến giao thông liên tỉnh, liên vùng chưa đồng bộ. Số lượng doanh nghiệp còn rất thấp (tỷ lệ 457 người dân có 1 doanh nghiệp); doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng lực quản lý, chất lượng lao động còn yếu; năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Tỉnh...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Yên Bái cần phát huy truyền thống tốt đẹp, khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém, tiếp tục đoàn kết, nỗ lực với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển nhanh, bền vững, toàn diện.
Trong đó, tập trung quyết liệt triển khai ngay các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ và các văn bản điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó, đề ra nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể khắc phục hạn chế yếu kém trong từng ngành, từng lĩnh vực; lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên, đột phá, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” có hiệu quả, tạo ra sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, đảm bảo chất lượng và phát triển các vật nuôi cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp gắn với thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, chất lượng cao, sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ cho xuất khẩu. Tập trung sắp xếp ổn định dân cư, tái định cư cho các hộ hiện đang sinh sống ở địa bàn các thôn, bản tại một số xã có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Đồng thời tái cơ cấu ngành công nghiệp, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng tăng chế biến và chế biến sâu; phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mà tỉnh có lợi thế. Tiếp tục thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp năng lượng tái tạo. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2016 - 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Yên Bái đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao các chỉ số PCI và PAPI, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tổ chức xúc tiến đầu tư, có cơ chế chính sách thông thoáng thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào Tỉnh để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công; bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp hiệu quả đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo. Quan tâm các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Chủ động phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững, đặc biệt tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, các xã đặc biệt khó khăn.
Tỉnh Yên Bái cần chú trọng phát triển du lịch gắn với danh thắng ruộng bậc thang tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt, đồng thời đầu tư tạo kết nối du lịch vùng Tây Bắc, cũng như kết nối du lịch liên vùng và quốc tế.
Đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; tăng cường đoàn kết trong đồng bào các dân tộc, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không để xảy ra điểm nóng về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, quan tâm chăm lo đời sống để không người dân nào bị đói.