Tổng công ty Cảng hàng không đã tổ chức thành công phiên đấu giá 77,8 triệu cổ phần trong năm 2015. Ảnh: Lê Tiên |
Báo Đấu thầu bình chọn 10 sự kiện IPO đáng chú ý nhất năm 2015.
1. Thương vụ IPO quy mô lớn nhất
Tháng 12/2015, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tổ chức thành công phiên đấu giá 77,8 triệu cổ phần (CP), tương đương 3,47% vốn điều lệ. Đây là phiên đấu giá có khối lượng chào bán cao nhất trong năm 2015. Tổng cộng có 306 nhà đầu tư đăng ký đấu giá mua CP, trong đó có 266 nhà đầu tư cá nhân trong nước, 12 nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, 11 nhà đầu tư tổ chức trong nước và 17 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Đây là phiên đấu giá thu hút nhà đầu tư lớn nhất trong năm khi có tổng khối lượng CP đăng ký bằng 146% lượng CP chào bán.
2. Cổ phiếu được nhà đầu tư bỏ giá cao nhất
Tháng 12/2015, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức đấu giá 3,6 triệu CP của Công ty CP Du lịch Kim Liên (tương đương tỷ lệ 52,43%) với giá khởi điểm 30.600 đồng/đơn vị. Đây là cuộc đấu giá theo lô lớn, nên 1 nhà đầu tư tham gia phải mua hết toàn bộ số CP trúng giá. Do sở hữu 3,5 ha đất “vàng” tại Hà Nội, cuộc đấu giá đã “nóng” thực sự khi có đến 36 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tham gia đấu giá. Kết quả, toàn bộ số CP đem ra đấu giá đều được bán hết cho một nhà đầu tư tổ chức trong nước với giá trúng 274.200 đồng/CP, gấp 9 lần mức giá khởi điểm. Với mức giá này, nhà đầu tư trên đã chi hơn 1.000 tỷ đồng để sở hữu số CP đấu giá. Đây là cuộc đấu giá thành công nhất trong năm khi mức giá trúng thầu cao so với giá khởi điểm.
3. Bệnh viện công lập đầu tiên IPO
Tháng 10/2015, toàn bộ hơn 4,95 triệu CP của Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương đã được đấu giá thành công với mức giá trung bình là 23.597 đồng/CP, thu về hơn 116,8 tỷ đồng. Có 33 tổ chức, cá nhân đã tham giá đấu giá, với tổng khối lượng đặt mua là 11.703.100 CP, gấp 2,37 lần số CP mang ra đấu giá. Tuy nhiên, chỉ có 2 nhà đầu tư trúng giá khi bỏ mức giá cách biệt 26.000 đồng/CP so với giá khởi điểm 10.000 đồng/CP.
4. Trái chiều IPO ngành đường sắt
Tháng 12/2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức IPO tại 2 công ty con là Công ty TNHH Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn. Đây là hai công ty vận tải lớn nhất ngành đường sắt với nhiều toa xe như Xí nghiệp Toa xe khách Hà Nội, Đầu máy Yên Viên, Toa xe Vinh, Toa xe Sài Gòn, Toa xe Đà Nẵng… và rất nhiều chi nhánh vận tải đường sắt trong cả nước.
Kết quả đấu giá gây ngạc nhiên lớn khi Đường sắt Sài Gòn bán hết còn Đường sắt Hà Nội ế ẩm. Cụ thể, tại phiên đấu giá đường sắt Sài Gòn, nhà đầu tư đã mua hết 7,210 triệu CP được đưa ra bán đấu giá với mức giá bình quân 10.016 đồng/CP, tổng số tiền thu về từ phiên đấu giá là trên 72,2 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ có 10 nhà đầu tư đăng ký mua 247.000 CP, tức chỉ bằng 2% trong tổng số 11,4 triệu CP chào bán đấu giá của Đường sắt Hà Nội.
5. Thương vụ IPO kỳ lạ nhất
Tháng 8/2015, Công ty Chứng khoán FPTS tổ chức bán đấu giá CP của SCIC tại Công ty CP Du lịch Đồ Sơn. Theo đó, tổng số lượng CP đưa ra đấu giá là 450.490 CP, nhà đầu tư mua trọn lô, mệnh giá 10.000 đồng/CP, giá khởi điểm 70.400 đồng/CP.
Có 32 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá. Kết quả đấu giá rất bất ngờ khi giá đặt mua cao nhất lên đến hơn 58,563 tỷ đồng/CP, giá đặt mua thấp nhất là 70.400 đồng/CP, tổng giá trị CP bán được là 26,382 triệu tỷ đồng. Dù dự đoán trước áp dụng những mức giá khởi điểm “kỳ cục” trên sẽ không bán được CP, song SCIC vẫn thực hiện đúng như quy chế đã đề ra. SCIC đã tổ chức đấu giá đến phiên thứ 4 vẫn không thành công.
6. Cổ phiếu lên sàn nhanh nhất hậu IPO
Đó là CP của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM). DN này đấu giá vào tháng 12/2014 nhưng đến tháng 3/2015 đã lên niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Chỉ 4 tháng đã niêm yết tập trung sau IPO, DCM lập một kỷ lục CP lên sàn nhanh nhất, khởi đầu một tiền lệ tốt cho DNNN hậu cổ phần hóa. Phiên đấu giá DCM cũng được đánh giá là thành công khi thu hút đến 1.265 nhà đầu tư tham gia. Toàn bộ 128,951 triệu CP được nhà đầu tư “vét sạch” với giá trúng bình quân là 12.251 đồng/CP. Tổng giá trị CP bán được đạt xấp xỉ 1.580 tỷ đồng.
7. “Ông lớn” IPO ế ẩm nhất
Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) là một trong rất ít các Tổng công ty nhà nước IPO trong năm 2015. Tuy nhiên, kết quả đấu giá lại gây thất vọng lớn. Có 112 nhà đầu tư cá nhân tham gia phiên đấu giá (không có nhà đầu tư tổ chức) với tổng khối lượng đăng ký mua là 1,09 triệu CP, tương đương với chỉ 3% lượng CP đưa ra đấu giá (35,55 triệu CP). Kết quả, 112 nhà đầu tư cá nhân đã trúng giá với mức giá đấu thành công bình quân là 10.362 đồng/CP. Tổng giá trị CP được bán ra trong phiên IPO của LILAMA tương ứng là 11,3 tỷ đồng và có thể nói đây là phiên đấu giá thất bại khi “ế” tới 97% lượng CP chào bán.
8. Đấu giá theo lô hút khách
Tháng 9/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg về việc bán cổ phần theo lô. Theo đó, DN sẽ bán cổ phiếu theo lô lớn cho một nhà đầu tư, một nhà đầu tư có thể sở hữu lượng lớn CP và quản trị điều hành DN. Ngay sau khi quyết định trên có hiệu lực đã có 4 DN bán đấu giá cổ phần trọn lô qua HNX là Công ty CP Dược Hà Tĩnh, Công ty CP Dược vật tư y tế Thanh Hóa, Công ty CP Liên hiệp Thực phẩm và Công ty CP Du lịch Kim Liên. Nhiều DN chuẩn bị bán theo lô lớn như Vinamotor, Cienco 5 và Cienco 6 thuộc Bộ Giao thông vận tải.
9. Tổ chức đấu giá giá trị thấp nhất
Tháng 10/2015, Công ty Mua bán nợ DATC (Bộ Tài chính) tổ chức bán đấu giá 24,662 CP Ngân hàng TMCP Sài Gòn (giá khởi điểm 4.100 đồng/CP) và 26,660 CP Ngân hàng TMCP Phương Đông (giá khởi điểm 4.900 đồng/CP) với tổng giá trị 240 triệu đồng. Đây là lô cổ phiếu có giá khởi điểm thấp nhất mà một tổ chức đem ra bán đấu giá công khai. Tuy nhiên, phiên đấu giá vẫn không thành công vì không có nhà đầu tư đặt mua.
10. Thương vụ bom tấn bị lỗi hẹn
Thương vụ IPO được trông đợi nhất năm 2015: MobiFone đã không diễn ra theo kế hoạch. Theo Thông báo 223 ngày 10/4/2015 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ, MobiFone phải tiến hành xác định giá trị DN trong quý II/2015, công bố giá trị DN trong quý III/2015 và tiến hành cổ phần hóa trong quý IV/2015. Tuy nhiên, kết thúc năm 2015, thương vụ này vẫn chưa diễn ra.
Cuối năm 2015, ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, DN này có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức 49,35%; tổng nộp ngân sách nhà nước năm 2015 là 6.922 tỷ đồng. Nếu cổ phần hóa đúng tiến độ sẽ thu về 20.000 tỷ đồng. Nhiều khả năng MobiFone sẽ được cổ phần hóa trong năm 2016.