8 tháng, còn nhiều nơi giải ngân dưới 15% kế hoạch vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 có cải thiện so với năm trước nhưng vẫn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay.
Tiếp tục tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Tiếp tục tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31 tháng 7 năm 2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm số vốn các năm trước kéo dài sang năm 2020). Ước giải ngân đến 31 tháng 8 năm 2020 là 221.774 tỷ đồng đạt 47,08% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), theo đó vốn ngân sách trung ương đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các hội nghị giao ban trực tuyến thúc đẩy triển khai công tác đầu tư công năm 2020; sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm trưởng đoàn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực. Có 5 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60% gồm: Bộ Nội Vụ, Ngân hàng phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; các địa phương Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Tây Ninh, Tiền Giang.

Tuy nhiên có 29 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư tư nhân.

Trong đó, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, cần ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu,... đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án. Ban hành kế hoạch giải ngân cho từng chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án, trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền. Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020...

Tin cùng chuyên mục