Từ trước đến nay, dù nhiều gói thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu, các doanh nghiệp nhà nước vẫn có cơ chế quản lý hoạt động lựa chọn nhà thầu |
DN cần nhất là sự thông thoáng, công bằng
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đề xuất 2 phương án về đối tượng áp dụng Luật.
Phương án 1, chỉ quy định các dự án đầu tư của DNNN thuộc đối tượng phải đấu thầu, bỏ quy định áp dụng đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như Luật hiện hành. Đây cũng là phương án Chính phủ kiến nghị tại Dự thảo Luật đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Phương án 2 đề xuất áp dụng với các gói thầu thuộc dự án đầu tư của DNNN theo quy định của Luật Doanh nghiệp và DN có vốn của DNNN trên 50% vốn điều lệ.
Tới đây khi thông qua Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến và quyết định lựa chọn 1 trong 2 phương án.
Trong góc nhìn của doanh nghiệp, xuất phát từ thực tiễn điều hành Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC chia sẻ, nếu mở rộng áp dụng đối với công ty con của DNNN sẽ gây khó khăn cho hoạt động của nhiều DN.
Ông Cường phân tích, trước hết, việc mở rộng như trên không phù hợp với thông lệ quốc tế. Tại các quốc gia mà PTSC có quan hệ đối tác, pháp luật về đấu thầu chỉ áp dụng bắt buộc đối với các tài sản công, nguồn vốn công. Các doanh nghiệp, kể cả có vốn của DNNN, đều được chủ động tự quyết trong quá trình đầu tư, mua sắm, không bắt buộc phải áp dụng pháp luật về đấu thầu. Chính nhờ điều này, nhiều dự án PTSC tham gia, các đối tác nước ngoài hoàn toàn chủ động quyết định, phát huy tinh thần tự làm, tự chịu trách nhiệm.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp đại chúng như PTSC, mặc dù có cổ đông là DNNN, nhưng cũng có hàng nghìn cổ đông khác trong và ngoài nước. Nếu áp các quy định bắt buộc của Luật Đấu thầu đối với đầu tư mua sắm tài sản công bằng vốn nhà nước, vào hoạt động đầu tư mua sắm của các công ty đại chúng sẽ làm mất tính bình đẳng, tính tự chịu trách nhiệm của các “ông chủ” khác, là các cổ đông đại chúng.
Thứ ba, việc áp các quy định bắt buộc của Luật Đấu thầu sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của các DN có vốn Nhà nước so với các loại hình DN khác, có thể làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của toàn bộ cổ đông. Cuối cùng, DN đại chúng là loại hình DN phải tuân thủ quy định về công khai, minh bạch, chịu sự giám sát chặt chẽ hơn, nên cơ chế chính sách điều tiết hoạt động của DN nên hướng đến các cơ chế linh hoạt tối ưu, thúc đẩy sự phát triển cho DN.
“Nếu áp sâu những quy định thuần túy quản lý Nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN cổ phần trong thời đại mọi diễn biến thay đổi liên tục như hiện nay sẽ tạo ra áp lực cho chính người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN”, ông Cường nói và cho biết, ông ủng hộ Phương án 1 trong Dự thảo Luật Đấu thầu. Từ thực tiễn điều hành hoạt động của DN có vốn Nhà nước, ông Cường mong rằng, Quốc hội sẽ ủng hộ Phương án 1 tại Dự thảo Luật Đấu thầu, bởi đây chính là phương án thể hiện quan điểm lập pháp tiến bộ, bám sát thực tế.
Đại diện cho nhiều khách hàng là các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn, DN Việt Nam, trong đó bao gồm các liên doanh lớn có vốn góp của các DNNN chiếm trên 50% vốn điều lệ, Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VIALF - Hồng Đức), cũng kiến nghị không mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu đến đối tượng là các DN trong đó DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Theo VIALF - Hồng Đức, việc yêu cầu hoạt động đấu thầu của DN mà DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải tuân theo quy định của Luật Đấu thầu sẽ làm giảm cơ hội, giảm tính cạnh tranh của loại hình DN này. Thậm chí, VIALF - Hồng Đức lo ngại rằng, nếu Phương án 2 được thông qua sẽ tác động tiêu cực đến quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc đầu tư và thành lập liên doanh với các DNNN.
Về cơ sở pháp lý, VIALF - Hồng Đức dẫn quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, có hiệu lực từ 1/1/2021, DN trong đó DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ không được xem là DNNN. Quan điểm và tinh thần thống nhất của Luật Doanh nghiệp là bảo đảm tính độc lập, tự chủ của các DN có vốn góp của DNNN tương tự như các DN trong khối tư nhân. Vì thế, việc yêu cầu DN có vốn góp của DNNN trên 50% vốn điều lệ khi mua sắm, đầu tư phải theo Luật Đấu thầu không đảm bảo các quyền kinh doanh cơ bản của loại DN này.
Đồng thời, khác với việc quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại các DNNN, việc quản lý vốn đầu tư ra bên ngoài của DNNN được quy định theo nhóm riêng, cụ thể tại Điều 28 của Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (Luật số 69/2014/QH13). Tinh thần và nguyên tắc về quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại các DN là chỉ tập trung vào việc quản lý, giám sát, sử dụng hiệu quả phần vốn góp của DNNN, không can thiệp đến tính độc lập, tự chủ trong việc vận hành, sản xuất, kinh doanh của các DN có vốn góp của DNNN.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có quy trình mua sắm phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của từng thành viên thuộc Tập đoàn. Ảnh: Lê Tiên |
Không lo thiếu cơ chế quản lý
Một số ý kiến cho rằng, Phương án 1 có tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn Nhà nước, dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN… sẽ không phải áp dụng Luật Đấu thầu.
Thực tế, từ trước đến nay, dù nhiều gói thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu, các DNNN vẫn có cơ chế quản lý hoạt động lựa chọn nhà thầu.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2022, tổng cộng tất cả các nguồn vốn (đầu tư xây dựng, đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh), EVN đã thực hiện 16.886 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu là 74.649 tỷ đồng và tiết kiệm khoảng 7.267 tỷ đồng (8,9%). Riêng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh (không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu), EVN thực hiện 7.194 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu là 31.025 tỷ đồng, tiết kiệm khoảng 3.480 tỷ đồng (tương ứng 10,1%). Theo EVN, đối với các gói thầu sử dụng vốn sản xuất kinh doanh, Tập đoàn ban hành Quy chế về công tác đấu thầu. EVN cũng ban hành nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đấu thầu; tổ chức kiểm tra thường xuyên và đột xuất tại các đơn vị về công tác đấu thầu.
Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), PVN có quy trình mua sắm phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của từng thành viên thuộc Tập đoàn trên cơ sở vận dụng quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Đấu thầu hoặc tự nguyện áp dụng Luật Đấu thầu.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu quan điểm, lợi ích của nhà đầu tư tư nhân trong loại hình công ty con của DNNN là rất lớn. Vì có lợi ích liên quan, nên các nhà đầu tư tư nhân sẽ có cách thiết kế những quy định, quy chế giám sát nội bộ, bao gồm cả đấu thầu để bảo vệ lợi ích của chính mình, của doanh nghiệp, giảm sự lạm quyền cổ đông lớn. Các quy trình, quy chế phù hợp với tính chất, phạm vi và công việc kinh doanh của DN, dựa trên sự cân bằng giữa quản lý Nhà nước và lợi ích nhà đầu tư tư nhân. Đây là nhu cầu tự thân của các nhà đầu tư tư nhân, ngay cả khi Nhà nước không yêu cầu thì họ vẫn thực hiện.
“Công ty con của DNNN cần sự linh hoạt, chủ động lựa chọn phương thức, cách thức hiệu quả nhất để đạt mục tiêu kinh doanh. Tùy tình huống thực tế, họ có thể lựa chọn cách của họ hoặc nếu thấy cần thiết họ có thể áp dụng Luật Đấu thầu. Bên cạnh việc sát sao lợi ích của các ông chủ tư nhân, còn có nhiều cơ chế khác để quản lý hiệu quả loại DN có vốn góp từ DNNN như Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp,…”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Cũng nghiêng về đề xuất Quốc hội nên chọn Phương án 1, TS. Phan Ngọc Trung, nguyên Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban Tư vấn - Phản biện Hội Dầu khí Việt Nam, đề xuất, nền tảng pháp lý mới cần thực hiện đúng chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh phân cấp, các nhà lãnh đạo DN phải chịu trách nhiệm về quyết sách của mình.