Áp lệnh hành chính cho doanh nghiệp

Từ Chính phủ đến các bộ ngành và tỉnh thành trên cả nước đều sử dụng mạng truyền số liệu chung do VNPT thiết lập, nếu Bình Phước sử dụng mạng truyền khác, khả năng không kết nối, đồng bộ được là rất lớn.
Các cơ quan nhà nước đang sử dụng Mạng chuyên dùng của VNPT - Ảnh: D.Đức Minh
Các cơ quan nhà nước đang sử dụng Mạng chuyên dùng của VNPT - Ảnh: D.Đức Minh

Đang sử dụng mạng do Tổng công ty bưu chính viễn thông VN (VNPT) thiết lập từ nhiều năm qua trong việc kết nối thực hiện Chính phủ điện tử, tuy nhiên mới đây, các cơ quan nhà nước tại tỉnh Bình Phước lại bị chỉ đạo chuyển sang sử dụng mạng khác vừa gây lãng phí, vừa khiến môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Can thiệp hành chính

Công văn số 228/CP-CN của Chính phủ ngày 19.2.2004 về việc xây dựng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước (Mạng truyền số liệu), giao Tổng công ty bưu chính viễn thông VN chủ trì, lập dự án đầu tư xây dựng Mạng truyền số liệu theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.

Tại tỉnh Bình Phước, mạng này đã được Công ty VNPT Bình Phước phối hợp Cục Bưu điện trung ương triển khai theo nguồn vốn ngân sách từ năm 2008. Trong đó bao gồm mạng cáp quang từ tỉnh đến các huyện xã, hệ thống thiết bị router kết nối đầu cuối các đơn vị, hệ thống router định tuyến mạng chuyên dùng để kết nối từ tỉnh đến trung ương nhằm triển khai dịch vụ truyền hình hội nghị từ trung ương đến tỉnh, huyện thị và các dịch vụ truyền dữ liệu khác…

Theo thống kê đến cuối năm 2015, VNPT Bình Phước đã triển khai cung cấp đường truyền số liệu chuyên dùng gần như 100% cho cơ quan Đảng và Nhà nước trong tỉnh. Còn lại một số cơ quan ban ngành hành chính khác đã được lắp đặt sẵn các đường truyền cáp quang và giá dịch vụ được áp dụng theo quy định của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT).

Theo kế hoạch, trong thời gian tới VNPT Bình Phước triển khai nâng cấp toàn bộ các kênh đang sử dụng cáp đồng sang cáp quang nhằm đảm bảo băng thông về truyền số liệu trong kết nối Chính phủ điện tử. Tuy nhiên cuối năm 2015, UBND tỉnh Bình Phước có Văn bản số 235/KH-UBND về Kế hoạch triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Bình Phước.

Theo đó, việc tổ chức thực hiện, văn bản nêu rõ Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Viettel Bình Phước xây dựng kế hoạch phân kỳ thời gian triển khai cụ thể đến từng đơn vị; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu triển khai các nội dung của kế hoạch này…

Bình Phước có thể thành "ốc đảo"

Trước đó vào ngày 9.10.2015, Sở TT-TT tỉnh Bình Phước đã có công văn gửi Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước, nêu rõ việc sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng là đảm bảo đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật để triển khai các ứng dụng dùng chung như quản lý văn bản, thư điện tử, hội nghị truyền hình trực tuyến… để phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin thông suốt tới chính quyền điện tử, nên trước mắt chưa thể sử dụng kênh truyền của Viettel vì như vậy không thể kết nối khi có chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TT-TT được.

Thực tế, ngày 16.11.2015, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Văn bản số 9469/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó chủ nhiệm Lê Mạnh Hà đề nghị Cục Bưu điện trung ương (Bộ TT-TT) và VNPT nâng cấp đường truyền của mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước từ trung ương đến các tỉnh, huyện trong cả nước; sẵn sàng mở rộng đường truyền đến 40% số xã còn lại để triển khai kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản theo Nghị quyết của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Như vậy, từ Chính phủ đến các bộ ngành và tỉnh thành trên cả nước đều sử dụng mạng truyền số liệu chung do VNPT thiết lập, nếu Bình Phước sử dụng mạng truyền khác, khả năng không kết nối, đồng bộ được là rất lớn.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, mạng thông tin sử dụng cho kết nối chính phủ điện tử là mạng thông suốt từ trung ương đến địa phương, nếu Bình Phước thay đổi thì sẽ biến mình trở thành một ốc đảo và khi đó, việc kết nối với Chính phủ và các bộ ngành sẽ không thực hiện được.

Việc thay đổi đó nếu muốn cần phải được tham vấn ý kiến của ngành viễn thông và Văn phòng Chính phủ cũng như phải nằm trong hệ thống. Ngoài ra, nếu xét về góc độ thị trường, “Quyết định hành chính của tỉnh có thể gây ra nhiều hệ lụy. Nhất là khi trong tương lai gần, Hiệp định TPP được thực hiện, việc lựa chọn các đối tác phải được công bố công khai hoặc đưa ra đấu thầu.

Nếu không, bản thân các doanh nghiệp có thể khởi kiện UBND dân tỉnh vì hành động đó là vi phạm luật cạnh tranh. Đó là chưa kể quyết định này còn có thể gây ra tốn kém cho các đơn vị đang sử dụng mạng VNPT để chuyển đổi sang mạng khác, gây lãng phí ngân sách nhà nước”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.