Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tín dụng chủ động cân đối, điều hòa nguồn vốn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng; các chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) về tăng trưởng tín dụng năm 2022. Tại văn bản này, NHNN cho biết, đến nay, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5% so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống năm 2022 khoảng 14%. NHNN đã thông báo chỉ tiêu đến từng TCTD. Do vậy, vẫn còn dư địa để các TCTD tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
NHNN yêu cầu các TCTD còn hạn mức tín dụng chủ động cân đối, điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ bảo đảm an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng phải bảo đảm thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thời gian tới, NHNN sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình của hệ thống và của từng TCTD để có giải pháp điều hành phù hợp theo chủ trương của Chính phủ.
Trước đó, hạn mức tín dụng của các ngân hàng thương mại được phân bổ nhiều đợt và được xét theo các quy định của NHNN về năng lực hoạt động của từng TCTD. Hạn mức tăng trưởng tín dụng có mức chênh lệch lớn giữa các ngân hàng. Một số ngân hàng được cấp hạn mức cao như VPB, HDB, MBB lần lượt là 30%, 23,5% và 23,2%; một số ngân hàng có hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp như Agribank, SHB, MSB lần lượt ở mức 10,5%, 10,2% và 10,2%. Do đó, đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã hết hạn mức tín dụng và phải tạm dừng cho vay. Các TCTD còn hạn mức cho vay hạn hẹp cũng hết sức kén chọn khách hàng để giải ngân.
Bình luận về cách thức điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, dư địa 2,5% tăng trưởng tín dụng còn được giải ngân từ nay đến cuối năm là số tiền không nhỏ, giúp giảm áp lực về thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất đang ở mức cao, thị trường tiêu thụ khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Vì thế, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đáp ứng điều kiện giải ngân chưa hẳn đã muốn vay. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực ưu tiên giải ngân rất muốn vay nhưng khó tiếp cận vốn.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn về thanh khoản, nên tiếp tục xem xét nới hạn mức tín dụng chung cả năm từ 14% lên khoảng 16% để tạo dư địa về khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế trong tháng cao điểm kinh doanh từ nay đến cuối năm.
Báo cáo "Cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam” vừa được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) công bố nhận định: “Hạn mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu được đặt ra ở mức 14% ngay từ đầu năm nhằm đáp ứng mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% và tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5%. Tuy nhiên, thực tế tăng trưởng kinh tế đã phục hồi mạnh hơn dự kiến, thậm chí có thể kỳ vọng kết quả tăng trưởng trên 8% trong năm 2022, kèm theo đó là nhu cầu tăng vốn cho sản xuất, kinh doanh. Các tính toán cho thấy, để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phù hợp mức tăng trưởng cao, cần gia tăng hạn mức tín dụng lên trên 14% trong năm 2022”.
Tuy nhiên, theo tính toán của NCIF, với giả định NHNN nới thêm 1% hạn mức tín dụng, sẽ có khoảng trên 104,5 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng được đưa vào nền kinh tế, có thể làm tỷ giá USD/VND gia tăng. NCIF cho rằng, với nền tảng vĩ mô hiện nay, NHNN sẽ cân nhắc thận trọng việc nới room tín dụng, trừ khi lạm phát vẫn được giữ ở mức thấp và NHNN có đủ nguồn dự trữ ngoại hối và công cụ để ổn định tỷ giá.
Về chính sách tiền tệ, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào cho rằng, NHNN nên kiên quyết tập trung vào mục tiêu kiềm chế lạm phát. Theo đó, chính sách tiền tệ cần tập trung vào ổn định giá cả, nên cân nhắc chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nếu áp lực lạm phát gia tăng, bảo vệ sự ổn định tài chính vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương, áp lực lạm phát trong thời gian tới là có, nhưng chưa đến mức quá lo ngại. Trong khi đó, nền kinh tế đang gặp khó khăn về nhiều mặt. Trong nhiều trường hợp, cần cân nhắc bài toán đánh đổi hợp lý để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng.