Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: Liên kết hạ tầng để phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là khu vực kinh tế có địa hình trải dài nhất cả nước với hơn 1.716 km theo đường bộ và gần 2.000 km theo đường bờ biển. Đặc điểm vị trí địa lý đa số tương đồng với lưng tựa núi, mặt tiền hướng biển nên để tạo sự phát triển đồng đều, cộng hưởng, bên cạnh nguồn lực từ Trung ương, các địa phương khu vực này đang nỗ lực cân đối ngân sách, huy động mọi nguồn lực từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đường bộ, hàng không, cảng biển, đường thủy và đường sắt.
Tuyến đường bộ ven biển quốc gia đang được đẩy mạnh đầu tư sẽ tạo điều kiện để các lĩnh vực kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung phát triển sôi động. Ảnh: Hà Minh
Tuyến đường bộ ven biển quốc gia đang được đẩy mạnh đầu tư sẽ tạo điều kiện để các lĩnh vực kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung phát triển sôi động. Ảnh: Hà Minh

Diện mạo mới hạ tầng Vùng

Hạ tầng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gần 10 năm trở lại đây đã thay đổi ngoạn mục. Từ chỗ chỉ có tuyến Quốc lộ 1 gánh hầu hết phương tiện lưu thông qua lại, đến nay khu vực này có nhiều tuyến đường mới, “đánh thức” những vùng đất mới phát triển nhanh chóng. Từ khi những công trình hạ tầng mới được mở ra, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến miền Trung với những dự án quy mô, thay đổi hoàn toàn diện mạo của địa phương và khu vực.

Khoảng 246 nghìn tỷ đồng đã được đầu tư vào kết cấu hạ tầng cho vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Đó là số liệu được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết tại Hội nghị quy hoạch Vùng Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Bên cạnh đó là số vốn rất lớn đang được Trung ương và các địa phương ưu tiên, tập trung đầu tư vào những “đại” dự án hạ tầng giao thông như cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; các tuyến ven biển quốc gia, trục xương sống Nam - Bắc, Đông - Tây…

Nhờ nguồn lực đầu tư này, diện mạo hệ thống hạ tầng giao thông của Vùng đã có sự thay đổi rõ nét. Nhiều công trình quan trọng đưa vào khai thác như: đường Hồ Chí Minh (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây); mở rộng toàn tuyến Quốc lộ 1; hai dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Huế) - Hòa Liên (Đà Nẵng); đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 315 km; một số tuyến đường ngang trọng yếu thuộc tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận… được nâng cấp.

Bên cạnh đó, 1.462 km đường sắt hiện có đã và đang được cải tạo, nâng cấp để bảo đảm kết nối tất cả các địa phương. Trong lĩnh vực hàng hải, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được quy hoạch để hình thành 9 cảng biển loại 1; 4 cảng biển loại 2; 1 cảng biển loại 3; đường thủy nội địa đang khai thác 11 tuyến; đưa vào khai thác có hiệu quả tuyến vận tải thủy ven biển, vận tải từ bờ ra đảo. Về hàng không, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là vùng có mật độ lớn nhất nước, trong đó có 5 cảng hàng không quốc tế là Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Thọ Xuân, Vinh; 4 cảng hàng không nội địa là Đồng Hới, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa.

Quy hoạch nêu bật phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng sẽ tập trung vào tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông với 1.554 km đường bộ cao tốc để hình thành mạng lưới kết nối toàn bộ các tỉnh, thành phố trong Vùng thay thế vai trò của Quốc lộ 1.

Tiếp tục kế thừa những thành quả của giai đoạn vừa qua, Bộ GTVT cho biết đang cùng các địa phương tập trung nguồn lực để đến năm 2025 đưa vào khai thác các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đưa tổng chiều dài đường cao tốc trong Vùng từ 315 km lên hơn 1.554 km; hoàn thành tuyến đường bộ ven biển. Đến năm 2030, hoàn thành các tuyến cao tốc trục ngang có lưu lượng lớn như Vinh - Thanh Thủy; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, kêu gọi đầu tư tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y, Quy Nhơn - Pleiku, Quảng Ngãi - Kon Tum; nâng cấp các tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối Đông - Tây, nhất là kết nối với các cảng biển lớn.

Chương mới từ Quy hoạch Vùng

Một chương mới sẽ mở ra khi Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt. Xuyên suốt bản dự thảo Quy hoạch là tầm nhìn liên kết với định hướng phát triển Vùng thành 3 tiểu vùng với các ngành kinh tế mũi nhọn: Tiểu vùng Bắc Trung Bộ; Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Mỗi tiểu vùng sẽ phát triển một thế mạnh khác nhau. Đặc biệt, Quy hoạch nêu bật phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng sẽ tập trung vào tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông với 1.554 km đường bộ cao tốc để hình thành mạng lưới kết nối toàn bộ các tỉnh, thành phố trong Vùng thay thế vai trò của Quốc lộ 1; phát triển hành lang vận tải thủy ven bờ khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với 11 tuyến vận tải chính.

Song song đó, nâng cấp hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam qua Vùng, phát triển đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; tuyến đường sắt kết nối vùng với khu vực Tây Nguyên, khôi phục đường sắt phục vụ du lịch Tháp Chàm - Đà Lạt; tuyến đường sắt kết nối Lào - Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Quy hoạch cũng nêu rõ việc nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác 9 cảng hàng không (CHK) hiện có. Đưa CHK Phan Thiết với quy mô 4E và công suất thiết kế 2 triệu lượt hành khách/năm; xây dựng cảng hàng không Quảng Trị; phát triển logistics hàng không, hình thành các trung tâm vận chuyển hàng hoá quốc tế, trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay...

Tại Vùng, sẽ hình thành và phát triển các trung tâm logistics cấp vùng và quốc gia trên cơ sở cảng biển và các hành lang vận tải quốc tế chính, bao gồm: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Liên Chiểu, Tiên Sa (Đà Nẵng), Kỳ Hà, Tam Hiệp, Chu Lai (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Vân Phong (Khánh Hoà).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tầm nhìn phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị, đây là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại. Vì vậy, Quy hoạch sẽ ưu tiên tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng trọng yếu, đặc biệt là giao thông và logistics kết nối nội vùng và liên vùng, năng lượng, hạ tầng thông tin và chuyển đổi số. Chú trọng nâng cao hiệu quả vận tải hàng hóa đường biển và đường sắt, đường bộ, đảm nhận vai trò cửa ngõ ra biển của khu vực Tây Nguyên, góp phần tăng năng suất lao động, tăng mật độ các hoạt động kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của Vùng.

Tin cùng chuyên mục