Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: Xây dựng hàng loạt dự án để phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thực hiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các cơ quan trung ương và 14 tỉnh, thành trong phạm vi quy hoạch Vùng. Nội dung lấy ý kiến bao gồm lộ trình thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm về kế hoạch đầu tư, ưu tiên triển khai và hoàn thành loạt dự án trên nhiều lĩnh vực.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án kết cấu hạ tầng, kỹ thuật có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh. Ảnh: Lê Tiên
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án kết cấu hạ tầng, kỹ thuật có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh. Ảnh: Lê Tiên

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục tiêu đề nghị các bộ, ngành trung ương và địa phương đóng góp ý kiến là nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch đã đề ra.

Theo đó, đối với việc triển khai các dự án quan trọng của Vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án kết cấu hạ tầng, kỹ thuật có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh, gồm: hệ thống giao thông kết nối; phát triển nguồn điện, lưới điện, hạ tầng thuỷ lợi. Bên cạnh đó, xây dựng, mở rộng và phát triển hạ tầng các khu kinh tế (KKT) ven biển, KKT cửa khẩu hiện có và các KKT phát triển mới khi đủ điều kiện theo quy định; ưu tiên các KKT Vũng Áng, Nghi Sơn, Dung Quất, Nhơn Hội. Ngoài ra, xây dựng, mở rộng hạ tầng các khu công nghiệp; nghiên cứu mở rộng Khu công nghệ cao Đà Nẵng và xây mới các khu công nghệ cao khi đủ điều kiện.

Về phát triển dịch vụ, Vùng tiến hành đầu tư phát triển hạ tầng khu du lịch quốc gia Mũi Né (Bình Thuận); đầu tư phát triển hạ tầng các trung tâm du lịch tại các thành phố Huế, Hội An, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Nha Trang; xây dựng đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thành trung tâm du lịch biển đảo; đầu tư phát triển hạ tầng các khu vực tiềm năng trở thành khu du lịch quốc gia tại các khu vực đã được xác định trong Quy hoạch.

Ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đầu tư phát triển, nâng cấp các khu nông, lâm nghiệp công nghệ cao, trong đó, ưu tiên Khu lâm nghiệp công nghệ cao tỉnh Nghệ An; xây dựng 2 trung tâm nghề cá lớn tại Khánh Hòa và Đà Nẵng; các trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Đối với kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia, thực hiện xây dựng và nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc, tuyến quốc lộ kết nối quốc tế, liên vùng bảo đảm nhu cầu vận tải và tăng cường kết nối; tuyến đường bộ ven biển theo quy hoạch cấp quốc gia được phê duyệt. Trong đó, ưu tiên đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trên địa bàn Vùng; một số tuyến cao tốc kết nối Đông - Tây; các tuyến đường bộ cao tốc kết nối Đông - Tây: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuật; Hà Nội - Viêng Chăn (Lào) - đoạn qua Nghệ An từ Vinh đến Thanh Thuỷ; Cam Lộ - Lao Bảo (Quảng Trị); Quy Nhơn - Pleiku - Lệ Thanh. Xây dựng và nâng cấp các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối với cảng biển theo quy hoạch cấp quốc gia được duyệt, trong đó, ưu tiên đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua địa bàn vùng thuộc đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM; xây dựng mới tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ; nghiên cứu kêu gọi đầu tư các tuyến đường sắt Mỹ Thuỷ - Đông Hà - Lao Bảo và tuyến Đà Nẵng.

Đối với hệ thống cảng hàng không, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế (Đà Nẵng, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Chu Lai, Cam Ranh), cảng hàng không quốc gia Đồng Hới, Phù Cát, Tuy Hòa theo quy hoạch cấp quốc gia được phê duyệt; quy hoạch cảng hàng không Phan Thiết, cảng hàng không Quảng Trị, nâng cấp sân bay Thành Sơn theo quy hoạch cấp quốc gia được duyệt; xây dựng, nâng cấp, cải tạo cảng biển, luồng hàng hải, khu bến, kết cấu hạ tầng cảng biển khác theo quy hoạch cấp quốc gia được duyệt, ưu tiên các cảng biển tại Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng và Khánh Hòa.

Ngoài ra, đối với hạ tầng cấp điện và cung cấp năng lượng sẽ xây dựng trung tâm quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận; một số dự án điện gió ngoài khơi, chủ yếu tại Bình Thuận và Quảng Trị. Trong đó gồm nhóm dự án điện gió ngoài khơi La Gàn - Bình Thuận; tổ hợp Thăng Long Wind tại Bình Thuận; cụm dự án điện gió ngoài khơi Hòn Trâu, Bình Định công suất 2.000 MW; Dự án điện gió ngoài khơi Quảng Trị. Để có thể thực hiện Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn: 2021 - 2025, 2026 - 2030 và sau 2030. Trong đó, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn vay ưu đãi nước ngoài; vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, khối lượng công việc và nguồn vốn thực hiện Quy hoạch là rất lớn. Do đó, ông Phương đề xuất nghiên cứu, cho phép các địa phương trong Vùng được phát hành “trái phiếu chính quyền địa phương” đầu tư các dự án trọng điểm của Vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cũng cho rằng, cần bổ sung thêm các cơ chế, chính sách để phù hợp với tinh thần của quy hoạch quốc gia; tạo sự liên kết, phát huy tối đa cơ chế, chính sách đặc thù cho Vùng. Ngoài ra, khi bố trí nguồn lực cho các địa phương nên dựa trên lợi ích chung của Vùng và chọn tiểu vùng ưu tiên đầu tư.

Trong khi đó, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đề xuất các địa phương quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và các cơ chế, chính sách liên kết với nước bạn Lào.

Tin cùng chuyên mục