Ban QLDA công trình giao thông 2 (Vĩnh Phúc): Cài cắm điều kiện riêng trong HSMT?

(BĐT) - Hiện Ban QLDA công trình giao thông 2 (Vĩnh Phúc) đang trong quá trình chấm hồ sơ đề xuất kỹ thuật (ĐXKT) một gói thầu xây lắp thuộc Dự án Đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Trung tâm huyện Sông Lô và tuyến nhánh đi Khu công nghiệp Sông Lô I. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhà thầu, hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu này đã đưa ra nhiều tiêu chí bất hợp lý, làm khó nhà thầu tham gia, đặc biệt là nhà thầu đến từ địa phương khác. 

Đất đắp đường phải theo quy định của Vĩnh Phúc

Gói thầu Xây lắp + Đảm bảo an toàn giao thông và hạng mục chung thuộc Dự án Đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (khu vực xã Văn Quán, huyện Lập Thạch) đến trung tâm huyện Sông Lô và tuyến nhánh đi Khu công nghiệp Sông Lô I do Sở Giao thông vận tải (GTVT) Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư, Ban QLDA công trình giao thông 2 làm bên mời thầu, còn đơn vị tư vấn lựa chọn nhà thầu là Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Lộc Sơn. Đây là một gói thầu xây lắp có quy mô lớn với bảo đảm dự thầu lên tới 5 tỷ đồng. Gói thầu sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014 là 120 tỷ đồng; nguồn NSNN tỉnh Vĩnh Phúc dành cho công trình trọng điểm trong kế hoạch đầu tư trung hạn là 310 tỷ đồng. Gói thầu trên được mời thầu rộng rãi trong nước từ ngày 11/11/2016 và ngày 1/12 vừa qua đã được Ban QLDA công trình giao thông 2 tiến hành đóng thầu và mở hồ sơ ĐXKT.

Tại trang 48 của HSMT gói thầu trên, Mục 1.7 có đưa ra yêu cầu về vật tư (đất cấp 3 đắp nền đường), điểm tối đa cho mức độ đáp ứng yêu cầu này là 5 điểm (không có điểm tối thiểu). Theo đó, “đất cấp 3 đắp nền đường phải được lấy ở những vị trí, điểm khai thác hợp pháp theo quy định của tỉnh Vĩnh Phúc”. Theo phản ánh của nhà thầu, tại Vĩnh Phúc, các mỏ đất được cấp phép rất hạn chế, trong khi HSMT lại không đưa ra bất kỳ chỉ dẫn cho nhà thầu về sơ đồ các mỏ đất được cấp phép, hướng dẫn nhà thầu cần phải lấy đất ở những mỏ nào của tỉnh Vĩnh Phúc. Để thực hiện yêu cầu này của HSMT, nhà thầu đã phải liên hệ tới 8 đơn vị được cấp phép mỏ đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mới đủ trữ lượng yêu cầu. Với những nhà thầu ngoại tỉnh thì yêu cầu này sẽ gây khó khăn cho nhà thầu, vì nhà thầu sẽ không đủ thời gian để liên hệ và ký hợp đồng nguyên tắc với các chủ mỏ được cấp phép ở Vĩnh Phúc. Thực tế đã cho thấy, nhà thầu ngoại tỉnh thường gặp khó khăn và gần như không nhận được sự phối hợp, hợp tác của các chủ mỏ đất, các chủ mỏ đất đã từ chối ký hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu ngoại tỉnh. Theo ý kiến của 1 chuyên gia về đấu thầu, việc đưa ra yêu cầu này là một “cửa hiểm” khó vượt qua đối với nhà thầu không “đóng đô” hoặc không thường xuyên thi công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Ban QLDA công trình giao thông 2 cho biết, sở dĩ đưa ra yêu cầu như vậy là do tiến độ công trình rất gấp, nếu nhà thầu lấy vật tư ở những địa phương khác, không phải trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thì có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ công trình. 

Quy định thang điểm về kỹ thuật bất hợp lý

Tại trang 47 của HSMT có nêu quy định đối với nhà thầu “có cam kết sử dụng vật tư, vật liệu có nguồn gốc rõ ràng (nhà cung cấp), kèm theo chứng chỉ xác nhận vật liệu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật”, thang điểm tối đa cho yêu cầu này là 5 điểm. Trong trường hợp “có cam kết sử dụng vật tư, vật liệu có nguồn gốc rõ ràng nhưng thiếu một số chứng chỉ vật liệu phụ (nhỏ lẻ)” thì chỉ được chấm tối đa 2 điểm.

Nhà thầu cho rằng, trên thực tế, vật liệu nhỏ lẻ thường không có chứng chỉ. Trong khi đó, với thang điểm như vậy thì vật liệu nhỏ lẻ chiếm tới 3 điểm, trong khi vật liệu chính chỉ được 2 điểm (thiếu chứng chỉ vật liệu nhỏ lẻ bị trừ tận 3 điểm). Thang điểm này là bất hợp lý vì vật liệu nhỏ lẻ có thang điểm chấm nhiều hơn vật liệu chính.

Bên cạnh đó, HSMT đưa ra thang điểm đối với công tác thí nghiệm là “nhà thầu có năng lực thí nghiệm (có hồ sơ chứng nhận) đủ năng lực thực hiện gói thầu” được chấm tối đa 3 điểm, trong khi nếu nhà thầu phải đi thuê (có hợp đồng đi thuê đơn vị đủ năng lực phù hợp với gói thầu) đủ năng lực để thực hiện gói thầu thì chỉ được chấm tối đa 1 điểm. Theo ý kiến của chuyên gia về đấu thầu, công tác thí nghiệm kiểm tra chất lượng nên đi thuê đơn vị độc lập để thực hiện sẽ khách quan hơn là yêu cầu nhà thầu tự kiểm tra chính sản phẩm mà nhà thầu làm ra. Vì thế, việc đưa ra thang điểm này là vô lý…

Trả lời những thắc mắc của phóng viên Báo Đấu thầu về các quy định của HSMT nêu trên, ông Nguyễn Quốc Hải cho biết, HSMT có thể vẫn còn có những yếu tố chủ quan, chưa thực sự hoàn chỉnh, nhưng trong suốt quá trình phát hành HSMT, Ban QLDA công trình giao thông 2 không nhận được bất kỳ yêu cầu nào của nhà thầu về việc làm rõ HSMT theo quy định. Ông Hải cũng cho rằng, hiện Ban đang trong quá trình gấp rút chấm hồ sơ ĐXKT và sẽ sớm công bố kết quả cho các nhà thầu tham dự. Và nhà thầu hoàn toàn có quyền thắc mắc và gửi kiến nghị đến Bên mời thầu về kết quả đánh giá hồ sơ ĐXKT. Với trách nhiệm của mình, Ban sẽ giải thích cụ thể và làm rõ những chất vấn của nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục