Đối với các gói thầu bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, để có cơ hội trúng thầu, các nhà thầu đều giảm giá dự thầu tối đa 25% theo quy định pháp luật hiện hành. Ảnh: Lê Tiên |
Theo nhiều nhà thầu, đối với bảo hiểm bắt buộc, đặc biệt là các gói thầu bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, để có cơ hội trúng thầu, các nhà thầu đều giảm giá dự thầu tối đa 25% theo quy định pháp luật hiện hành, dẫn đến tình trạng tất cả các nhà thầu đều có giá dự thầu thấp nhất bằng nhau. Khi đó, tiêu chí ưu tiên xếp hạng nhà thầu trong trường hợp có nhiều nhà thầu có giá dự thầu trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) sau khi tính ưu đãi (nếu có) bằng nhau (gọi tắt là tiêu chí ưu tiên) trở thành tiêu chí then chốt để chọn - loại nhà thầu.
Tại Bệnh viện K, Gói thầu Mua bảo hiểm cháy, nổ cho thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị của Khoa Dược đang trong thời gian lựa chọn nhà thầu. Nhà thầu có yêu cầu làm rõ và kiến nghị về tiêu chí ưu tiên tại hồ sơ mời thầu (HSMT).
Theo nhà thầu, Chương III HSMT quy định tỷ lệ phí, phí bảo hiểm thực hiện theo Nghị định số 67/2023/NĐ-CP. Đồng thời, Mục 3 Chương III quy định các tiêu chí ưu tiên gồm: Tỷ lệ biên khả năng thanh toán tại thời điểm 31/12/2023 của nhà thầu từ trên 150% (trường hợp liên danh thì đánh giá thành viên đứng đầu liên danh), tiếp theo là tiêu chí ưu tiên về chỉ tiêu thay đổi vốn chủ sở hữu, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE), xét lần lượt từng chỉ tiêu theo thứ tự ưu tiên nêu trên đến khi xác định được nhà thầu xếp hạng thứ nhất thì dừng lại không xem xét đến các tiêu chí tiếp theo.
Nhà thầu cho rằng, khi các nhà thầu chào phí bảo hiểm tuân thủ đúng theo quy định tại Nghị định số 67 dẫn đến trường hợp các nhà thầu có giá dự thầu bằng nhau thì xử lý tình huống theo Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Việc quy định tiêu chí ưu tiên như trên căn cứ số liệu tài chính được công bố công khai trong báo cáo tài chính, theo nhà thầu, tạo ưu thế tuyệt đối cho 1 nhà thầu có biên khả năng thanh toán lớn nhất tại thời điểm 31/12/2023.
Nhà thầu kiến nghị Bên mời thầu xem xét loại bỏ việc sử dụng tiêu chí “biên khả năng thanh toán, chỉ tiêu thay đổi vốn chủ sở hữu, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu” cũng như không sử dụng các tiêu chí đánh giá khác gây hạn chế nhà thầu khi xem xét đáng giá xếp hạng các nhà thầu trong trường hợp có nhiều nhà thầu có giá thấp nhất bằng nhau.
Trong văn bản làm rõ, Bên mời thầu cho rằng, các tiêu chí đưa ra là những chỉ tiêu đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, chỉ tiêu này càng lớn càng thể hiện năng lực tài chính tốt của doanh nghiệp.
Gói thầu Mua bảo hiểm cháy, nổ cho thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị của Khoa Dược Bệnh viện K phát sinh yêu cầu làm rõ và kiến nghị về tiêu chí ưu tiên tại hồ sơ mời thầu. Ảnh minh họa: St |
Tuy nhiên, trong đơn kiến nghị, nhà thầu không đồng tình với nội dung làm rõ và dẫn ra các nhà bảo hiểm lớn nhất thị trường năm 2023, 2024 đến hiện tại như PVI, Bảo Việt đều không đáp ứng biên khả năng thanh toán từ trên 150%. Vậy tiêu chí đưa ra liệu có phù hợp, trong khi giá trị Gói thầu chỉ 440 triệu đồng, lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh?
Đến 15h ngày 17/1/2025, trước thời điểm đóng thầu 3 ngày (15h ngày 20/1/2025), Chủ đầu tư chưa trả lời kiến nghị và HSMT vẫn được giữ nguyên.
Tại Gói thầu Cung cấp bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tài sản thiết bị ODA năm 2024 của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, HSMT quy định tỷ lệ phí, phí bảo hiểm, mức khấu trừ thực hiện theo Nghị định số 67/2023/NĐ-CP. Đồng thời, tiêu chí ưu tiên xếp hạng khi giá bằng nhau lần lượt là: Nhà thầu có mức khấu trừ bảo hiểm thấp hơn được xếp hạng cao hơn; nhà thầu có doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm bình quân trong vòng 3 năm (2021, 2022, 2023) cao hơn sẽ được xếp hạng cao hơn; nhà thầu có quỹ dự phòng nghiệp vụ tại thời điểm 31/12/2023 lớn hơn được ưu tiên xếp hạng thứ nhất.
Theo kiến nghị của nhà thầu, do mức khấu trừ phải theo Nghị định số 67, nên tiêu chí đầu tiên các nhà thầu sẽ bằng nhau, xét đến tiêu chí thứ 2 về doanh thu thuần và tiêu chí thứ 3 về quỹ dự phòng nghiệp vụ tạo lợi thế cho 2 doanh nghiệp. Dù Chủ đầu tư đã sửa yêu cầu đối với liên danh, nhưng nhà thầu vẫn có thể nêu đích danh doanh nghiệp có lợi thế và kết quả mở thầu, doanh nghiệp này có tham dự thầu. Đây cũng là gói thầu có giá trị nhỏ, được chào hàng cạnh tranh.
Nhiều gói thầu khác cũng có kiến nghị tương tự. Thực tế mở thầu cho thấy, giá dự thầu của các nhà thầu đều bằng nhau. Một số chủ đầu tư đã chỉnh sửa HSMT, bỏ tiêu chí ưu tiên về tài chính không có cơ sở.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, việc đưa ra các tiêu chí tài chính mà số liệu tài chính đã được công khai, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ít dễ dẫn đến tình trạng tạo lợi thế cho nhà thầu mong muốn. Ngoài ra, việc đưa ra các tiêu chí như cao nhất hay phải đạt một mức cụ thể nào đó cao hơn chỉ tiêu đánh giá tại Thông tư 195/2014/TT-BTC là không có cơ sở và càng khó hiểu với những gói thầu có giá trị nhỏ. Có ý kiến đề xuất, việc quy định tiêu chí ưu tiên trong trường hợp cần thiết thì nên sử dụng những điều khoản có lợi hơn cho chủ đầu tư và định lượng được, ví dụ mức khấu trừ đối với rủi ro khác thấp hơn; tỷ lệ thanh toán bồi thường tạm ứng cao hơn; hay liên quan chất lượng dịch vụ như thời gian thực hiện công tác giám định, thời gian bồi thường nhanh hơn…
Về quy định đấu thầu, việc xử lý tình huống tương tự căn cứ khoản 18 Điều 131 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Ngoài trường hợp quy định tại khoản 1 đến khoản 28 Điều 131, khi phát sinh tình huống, chủ đầu tư xem xét, quyết định xử lý tình huống trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.