Bản tin thời sự sáng 10/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh cho vay ngay đầu năm; nhà đầu tư ngoại rót 22 triệu USD vào bất động sản TP.HCM trong tháng 1; Trung Quốc mua gần 524.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam; đề xuất miễn phí xe buýt, tàu điện tất cả ngày lễ trong năm…

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh cho vay ngay đầu năm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây, do đó cần đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm.

Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% cho các tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% cho các tổ chức tín dụng

NHNN vừa có công văn chỉ đạo về tăng trưởng tín dụng năm 2024 gửi các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Công văn nêu rõ, ngày 31/12/2023, NHNN đã thông báo, giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để các tổ chức tín dụng chủ động, quyết liệt tăng trưởng tín dụng và triển khai các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Do đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024.

Các tổ chức tín dụng cần quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, nhà điều hành yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hóa…

Nhà đầu tư ngoại rót 22 triệu USD vào bất động sản TP.HCM trong tháng 1

Cục Thống kê TP.HCM cho biết, trong 20 ngày đầu tháng 1, các nhà đầu tư ngoại đầu tư 22 triệu USD vào hoạt động kinh doanh bất động sản, chiếm 23,7% tổng số góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp.

20 ngày đầu năm, nhà đầu tư ngoại rót 22 triệu USD vào bất động sản TP.HCM

20 ngày đầu năm, nhà đầu tư ngoại rót 22 triệu USD vào bất động sản TP.HCM

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 của Cục Thống kê TP.HCM, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố từ đầu năm đến ngày 20/1 đạt 125,7 triệu USD, bằng 70,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tình hình góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 136 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn với 93 triệu USD, tăng 70,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số này, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn góp đạt 22 triệu USD, chiếm 23,7%. Riêng hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 57 triệu USD, chiếm 61,2% tổng vốn góp. Singapore và Hong Kong có tỷ trọng vốn góp cao nhất, lần lượt chiếm 72,5% và 10,1%.

TP.HCM có 7 dự án điều chỉnh vốn đăng ký, bằng 35% so với cùng kỳ với số vốn tăng thêm đạt 8,9 triệu USD, bằng 23,7%. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản có 3 dự án, vốn đăng ký tăng 7,3 triệu USD, chiếm 82,4% vốn đăng ký điều chỉnh. Pháp là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất, đạt 5,4 triệu USD.

Dự án cấp mới có 80 dự án, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước với vốn đăng ký đạt 23,8 triệu USD, bằng 27,4%. Hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy có 53 dự án, vốn đăng ký là 20,9 triệu USD, chiếm 87,7% vốn đăng ký cấp mới.

Nhật Bản dẫn đầu về dự án cấp phép mới với 8 dự án, vốn đăng ký đạt 12,1 triệu USD, chiếm 50,8% vốn đăng ký cấp mới.

Về tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp trong tháng 1, TP.HCM cấp phép cho hơn 3.300 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt hơn 39.000 tỷ đồng, tăng 30,2% về số lượng và tăng 117,2% về vốn so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, kinh doanh bất động sản có 85 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký đạt 18.358 tỷ đồng, tăng 16,5% về số lượng doanh nghiệp và gấp hơn 10 lần về vốn.

Trung Quốc mua gần 524.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam

Năm 2023, Trung Quốc đã chi hơn 2 tỷ USD để mua gần 524.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam, tăng hơn 11 lần so với năm trước đó.

Sầu riêng tại vựa ở Long Khánh (Đồng Nai)

Sầu riêng tại vựa ở Long Khánh (Đồng Nai)

Đây là số liệu mới nhất được Hiệp hội Rau quả Việt Nam dẫn từ Hải quan Trung Quốc. Theo đó, năm 2023, sầu riêng Việt Nam được Trung Quốc mua với số lượng nhiều nhất từ trước tới nay, nâng thị phần sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc từ 6% năm 2022 lên gần 33% năm 2023.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, 2023 là một năm thắng lớn của ngành sầu riêng. Với sản lượng xuất khẩu gần 524.000 tấn sang Trung Quốc, Việt Nam đang khiến thị phần sầu riêng của Thái Lan, Malaysia bị thu hẹp.

Những tháng đầu năm nay, ông Nguyên cho rằng, sầu riêng Việt đang "một mình một chợ" tại Trung Quốc, nhất là dịp Tết Nguyên đán nhu cầu biếu tặng của người dân nước này cao. Trong khi đó, nguồn cung hàng trái vụ có số lượng hạn chế nên giá tăng.

Theo ông Nguyên, sầu riêng Việt Nam có lợi thế về giá và thời gian vận chuyển, chỉ mất khoảng 2 ngày so với 7 ngày từ Thái Lan, nhưng các nhà cung cấp khác cũng có thế mạnh riêng. Thái Lan giữ ưu thế về sản lượng, là nhà cung cấp sầu riêng nhập khẩu chính cho Trung Quốc với 68% thị phần. Nước này cũng đang chuyển sang vận chuyển bằng tàu cao tốc Lào - Trung Quốc để rút ngắn thời gian.

Đề xuất miễn phí xe buýt, tàu điện tất cả ngày lễ trong năm

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa đề xuất miễn phí vé lượt, vé ngày xe buýt, tàu điện trong 11 ngày nghỉ lễ gồm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, giỗ Tổ, 30/4 - 1/5 và 2/9.

Hành khách đi trên tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông

Hành khách đi trên tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông

Theo Sở GTVT Hà Nội, dịp lễ Tết, khách vãng lai, khách du lịch có nhu cầu sử dụng xe buýt, tàu điện tăng cao. Việc miễn phí vé là cơ hội để quảng bá hình ảnh Thủ đô, hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện đại và thuận tiện, thu hút người dân sử dụng.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, năm 2022, doanh thu 11 ngày lễ, Tết khoảng 15,3 tỷ đồng (xe buýt 11,6 tỷ đồng, tàu điện 3,7 tỷ đồng). Khi hệ thống vé điện tử được đưa vào sử dụng, dự kiến doanh thu toàn hệ thống vận tải công cộng tăng lên 214 tỷ đồng/năm, có khả năng bù đắp được khoản miễn phí. Phía doanh nghiệp không bị ảnh hưởng khi miễn phí do vẫn được Thành phố trợ giá vận tải hành khách công cộng.

Giải thích việc không miễn phí với vé tuần, vé tháng, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, hai loại hình vé này đã được ưu đãi so với vé lượt thông thường và được phép đi không giới hạn chuyến đi trong thời gian vé có hiệu lực. Ngoài ra, vé tuần, vé tháng còn được áp dụng các chính sách giảm giá 50% cho nhóm học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp. Mức giá vé tháng hiện nay khá thấp so với thu nhập bình quân của người lao động.

Hơn nữa, để miễn phí cho vé tuần, tháng, cần cộng thêm ngày sử dụng cho hành khách. Theo các đơn vị khai thác vận hành, công tác này phức tạp đối với hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin. Do đó, Sở GTVT đề xuất chỉ áp dụng miễn phí vé lượt, vé ngày xe buýt, tàu điện trong 11 ngày lễ, Tết.

Hà Nội công khai danh sách hơn 2.600 cơ sở mầm non tư thục có phép

Danh sách 2.672 cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn Thành phố vừa được công khai trên trang web của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Nhân viên Trường Mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai vệ sinh đồ chơi cho trẻ

Nhân viên Trường Mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai vệ sinh đồ chơi cho trẻ

Đây là 2.672 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tại 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định tính đến tháng 1/2024.

Trong danh sách này, quận Hoàng Mai là nơi tập trung nhiều cơ sở mầm non tư thục nhất với 366 cơ sở. 4 quận khác có số lượng cơ sở mầm non tư thục thuộc tốp 5 thành phố lần lượt là quận Hà Đông (277), quận Nam Từ Liêm (261), quận Bắc Từ Liêm (242) và quận Thanh Xuân (132).

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục công khai thông tin danh sách cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên trang web của UBND các quận, huyện, thị xã, các phòng GD&ĐT, UBND các xã, phường, thị trấn. Danh sách công khai này là cơ sở để phụ huynh tra cứu, lựa chọn cơ sở hợp pháp gửi con em mình.

Theo số liệu từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023 - 2024, tổng số trẻ mầm non trên địa bàn Thành phố là hơn 510.000, tăng hơn 3.032 trẻ so với năm học 2022 - 2023.

Trong khi đó, cả Thành phố chỉ có 1.149 trường mầm non gồm 806 trường công lập và 343 trường ngoài công lập. Nhiều trường mầm non tại quận Hoàng Mai phải tổ chức cho phụ huynh bốc thăm để giành suất học mầm non cho con.

Do đó, việc cấp phép hoạt động cho 2.672 cơ sở mầm non độc lập giúp giải quyết nhu cầu học tập, trông giữ trẻ của người dân.

Hiện tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục mầm non của Hà Nội là 69.364 người, trong đó có khoảng 80% giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn.

Việt Nam xuất khẩu 230.000 tấn cà phê trong tháng 1, gấp đôi cùng kỳ năm 2023

Tại các địa phương là "thủ phủ" của cà phê, loại nông sản này đang được thu mua với giá khoảng 78.200 - 79.400 đồng/kg và dự báo có khả năng sớm vượt mức 80.000 đồng/kg.

Việt Nam hướng tới xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Việt Nam hướng tới xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê đạt 230.000 tấn với giá trị 623 triệu USD, tăng 61,6% về khối lượng và tăng 100,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng so với tuần trước.

Tại các địa phương, cà phê đang được thu mua với giá 78.200 - 79.400 đồng/kg.

Với xu hướng tăng như hiện nay, giá cà phê trong nước có khả năng sớm vượt mức 80.000 đồng/kg.

Tại Đắk Lắk, giá cà phê bình quân đạt 77.993 đồng/kg, tăng 5,22% so với tuần trước (tăng 3.867 đồng/kg) và tăng 81,92% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại Lâm Đồng, giá cà phê trung bình đạt 77.400 đồng/kg, tăng 5,39% so với tuần trước (tăng 3.960 đồng/kg) và tăng 82,81% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo, sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 của Đắk Lắk ước đạt 580.000 tấn. Theo đó, sản lượng cà phê xuất khẩu của Tỉnh dự kiến ở mức 330.000 tấn.

Nếu giá ở mức cao như hiện nay và biến động nhẹ trong thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt tới 900 triệu USD.

Trong niên vụ 2023 - 2024, đến đầu tháng 1, sản lượng thu hoạch cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 523.930 tấn, đạt 96,1% kế hoạch.

Năm 2023, diện tích cà phê toàn Tỉnh là 175.708 ha, trong đó diện tích thu hoạch là 163.520,8 ha. Với năng suất dự kiến 32,8 tạ/ha, sản lượng niên vụ này của Lâm Đồng đạt trên 535.000 tấn.

Năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt hơn 1,6 triệu tấn (khoảng 27 triệu bao), giảm 8,7% so với năm 2022 nhưng tăng 4,6% về giá trị lên mức kỷ lục hơn 4,24 tỷ USD.

Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam bình quân năm 2023 đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022.

Lọc dầu Dung Quất chạy công suất cao đáp ứng nhu cầu xăng dầu Tết 2024

Dịp Tết Giáp Thìn 2024, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ở 112% công suất thiết kế để đảm bảo xăng dầu đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân.

Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Theo ông Cao Tuấn Sĩ, Giám đốc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, trong tháng 2 này, BSR sẽ sản xuất khoảng 618.000 tấn sản phẩm các loại, đáp ứng nhu cầu thị trường. Để có thể vận hành ở công suất cao, BSR đã chủ động đánh giá rủi ro, khả năng làm việc của thiết bị ở công suất cao, đánh giá các yếu tố kỹ thuật để đảm bảo an toàn.

Năm 2024, BSR đặt mục tiêu duy trì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả; tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc nâng cao công suất chế biến, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm có giá trị cao như nhiên liệu phản lực Jet A1, Jet A1-K, xăng MOGAS 95.

Để đảm bảo chạy công suất cao, BSR cũng bám sát diễn biến thời tiết để chủ động nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Dự kiến, trong thời gian Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, BSR sẽ nhập 3 chuyến dầu thô với khối lượng khoảng 1,5 triệu thùng dầu.

Đại diện BSR cho biết, việc xuất sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn diễn ra bình thường trong những ngày Tết Nguyên đán bằng tàu biển và xe bồn. Những ngày cận Tết, công suất xuất hàng bằng đường bộ tăng cao hơn ngày thường khoảng 30%, đáp ứng nhu cầu của các thương nhân đầu mối và nhu cầu thị trường. Khu xuất hàng bằng tàu biển cũng ghi nhận tăng đột biến số lượng tàu và trọng tải tàu vào nhận hàng.

Công ty Thiên Minh Đức đã nộp hơn 466 tỷ đồng nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức đã nộp đủ số tiền hơn 466 tỷ đồng còn nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Một cửa hàng xăng dầu của Công ty Thiên Minh Đức
Một cửa hàng xăng dầu của Công ty Thiên Minh Đức

Ngày 9/2, thông tin từ Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức (trụ sở chính tại TP. Vinh, Nghệ An) cho biết, doanh nghiệp đã hoàn thành việc nộp hơn 466 tỷ đồng nợ vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, thời gian qua, có nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu còn nợ tiền thuế bảo vệ môi trường, lạm dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho mục đích không đúng.

Cụ thể, theo kết luận thanh tra, có 6/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được thanh tra vẫn nợ tiền thuế bảo vệ môi trường hơn 3.219 tỷ đồng. Có 7 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã lạm dụng Quỹ bình ổn giá cho mục đích không đúng, không kết chuyển về tài khoản Quỹ mà để lại trong tài khoản thanh toán của doanh nghiệp, số tiền lên đến hơn 7.927 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức sử dụng sai Quỹ bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản Quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp với số tiền hơn 466 tỷ đồng.

Đến ngày 9/2, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức đã nộp toàn bộ số tiền còn nợ là hơn 466 tỷ đồng vào các tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại các ngân hàng.

Tin cùng chuyên mục