Bản tin thời sự sáng 12/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khắc phục xong sự cố, đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoạt động trở lại; giá vàng tăng nhẹ; USD ngân hàng đắt hơn USD tự do; Tập đoàn Xuân Thiện đề nghị khảo sát đầu tư Dự án lọc dầu Kim Sơn 2.500 ha ở Ninh Bình…

Khắc phục xong sự cố, đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoạt động trở lại

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã khắc phục xong sự cố, trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên Hanoi Metro vẫn đang phân tích, đánh giá sự việc xảy ra ở ga Cát Linh sáng 11/2.

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông

Liên quan việc tàu điện Cát Linh - Hà Đông "gặp sự cố" dừng giữa đường sáng 11/2, đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, ngay trong buổi sáng cùng ngày đã khắc phục xong. Sau đó, các đoàn tàu của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trở lại hoạt động bình thường. Sự cố này nằm trong kịch bản ứng phó của Hanoi Metro.

Khi sự việc xảy ra, Hanoi Metro đã huy động xe buýt đưa hành khách có nhu cầu đi từ ga Thượng Đình tới ga Cát Linh; đồng thời mong muốn hành khách thông cảm vì sự cố đáng tiếc này.

Theo lãnh đạo Hanoi Metro, tàu dừng đột ngột do nhà ga Cát Linh gặp sự cố cảnh báo tín hiệu ghi. Hiện nay, bộ phận kỹ thuật của Hanoi Metro tiếp tục phân tích, đánh giá lỗi vừa xảy ra ở ga Cát Linh.

Trước đó, ngày 23/5/2022, trong lúc vận hành, một đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông cũng bất ngờ dừng lại giữa đường. Hanoi Metro cho biết, khi gặp trời mưa, đường ray trơn sẽ khiến hệ thống tự động dừng đỗ không đúng ga nên phải chuyển sang chế độ lái thủ công.

Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông có 12 nhà ga gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Đại học Quốc gia, Vành đai 3, Thanh Xuân 3, bến xe Hà Đông, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, bến xe Yên Nghĩa. Đây là một trong 8 tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Giá vàng tăng nhẹ

Giá vàng tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường xem xét lại kỳ vọng Fed tăng lãi suất. Giới đầu tư đón chờ số liệu CPI của Mỹ công bố trong tuần tới để làm căn cứ cho Fed đưa ra quyết định.

Giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 13,9 - 14 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới

Giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 13,9 - 14 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới

Sáng 11/2, giá vàng tại các cửa hàng lớn ở Hà Nội niêm yết ở mức 66,6 - 67,4 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 100.000 đồng/lượng mỗi chiều so với giá đóng cửa ngày 10/2. Chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán hiện là 800.000 đồng/lượng.

Lúc gần 11h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,3 triệu đồng/lượng (bán ra), không thay đổi so với sáng qua.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,05 triệu đồng/lượng và 54,9 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở hai đầu giá.

Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,6 triệu đồng/lượng và 67,4 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng 10/2.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 13,9 - 14 triệu đồng/lượng.

USD ngân hàng đắt hơn USD tự do

USD-Index, chỉ số đo sức mạnh của USD với các đồng tiền lớn khác vào sáng 11/2 đạt 103,5 điểm, tăng 0,3% so với ngày 10/2.

Ngày 11/2, tại thị trường ngoại tệ tự do, USD được giao dịch ở mức 23.630 - 23.680 đồng/USD (mua - bán)

Ngày 11/2, tại thị trường ngoại tệ tự do, USD được giao dịch ở mức 23.630 - 23.680 đồng/USD (mua - bán)

Ngân hàng Nhà nước kết thúc tuần này niêm yết tỷ giá trung tâm tại mức 23.626 đồng/USD. Tuần này, tỷ giá trung tâm tăng liên tiếp 4 phiên đầu tuần, đến phiên cuối tuần bắt đầu chững lại. Với biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép niêm yết giá trần USD ở mức 25.043 đồng/USD và giá sàn là 22.445 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm từ đầu tuần liên tục tăng.

Giá USD niêm yết tại ngân hàng cuối tuần biến động không nhiều so với phiên liền trước. Các ngân hàng lớn giao dịch phổ biến ở 23.360 - 23.730 đồng/USD (mua - bán). Ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết giá USD ở mức 23.420 - 23.750 đồng/USD (mua - bán). Chênh lệch mua bán phổ biến khoảng 300 - 400 đồng/USD.

Còn tại thị trường ngoại tệ tự do, USD được giao dịch ở mức 23.630 - 23.680 đồng/USD (mua - bán), tăng 55 đồng mỗi chiều so với ngày 10/2. Chênh lệch mua, bán cho mỗi USD là 50 đồng.

Tập đoàn Xuân Thiện đề nghị khảo sát đầu tư Dự án lọc dầu Kim Sơn 2.500 ha ở Ninh Bình

Công ty CP Tập đoàn Xuân Thiện đề nghị được khảo sát đầu tư Dự án Tổ hợp lọc dầu Kim Sơn (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) với 3 giai đoạn từ năm 2025 - 2040, công suất 3 triệu tấn dầu thô/năm. Diện tích khảo sát là 1.500 ha đất liền và 1.000 ha mặt nước.

Vị trí khảo sát đầu tư Dự án Tổ hợp lọc dầu Kim Sơn tại vùng ven biển và khu vực biển huyện Kim Sơn với quy mô 2.500 ha

Vị trí khảo sát đầu tư Dự án Tổ hợp lọc dầu Kim Sơn tại vùng ven biển và khu vực biển huyện Kim Sơn với quy mô 2.500 ha

UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, đã nhận được văn bản của Công ty CP Tập đoàn Xuân Thiện về việc đề nghị đầu tư Dự án Tổ hợp lọc dầu Kim Sơn tại huyện Kim Sơn và Dự án Nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long.

Về việc này, UBND tỉnh Ninh Bình đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan nghiên cứu đề nghị của Công ty CP Tập đoàn Xuân Thiện; xem xét, tham mưu đề xuất báo cáo UBND Tỉnh.

Theo văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Bình, Tập đoàn Xuân Thiện đề nghị được khảo sát đầu tư Dự án Tổ hợp lọc dầu Kim Sơn tại huyện Kim Sơn với 3 giai đoạn từ năm 2025 - 2040, công suất 3 triệu tấn dầu thô/năm.

Vị trí khảo sát đầu tư tại vùng ven biển và khu vực biển huyện Kim Sơn. Diện tích khảo sát là 1.500 ha đất liền và 1.000 ha mặt nước; tổng mức đầu tư Dự án được tính toán cụ thể sau khi có kết quả khảo sát. Giá trị khảo sát dự kiến là 300 tỷ đồng.

Tập đoàn Xuân Thiện cũng đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình đưa Dự án Tổ hợp lọc dầu Kim Sơn vào quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm căn cứ để triển khai các bước tiếp theo.

Hai tàu hàng va chạm trên sông ở TP.HCM

Cú va chạm giữa hai tàu hàng trên sông Lòng Tàu, huyện Cần Giờ (TP.HCM), khiến hai phương tiện hư hỏng nặng.

Tàu hàng Resurgence hư hỏng nặng sau tai nạn

Tàu hàng Resurgence hư hỏng nặng sau tai nạn

Khoảng 5h ngày 11/2, tàu Wan Hai 288 chở nhiều container di chuyển trên sông Lòng Tàu, hướng về cảng Sài Gòn.

Khi đến thủy phận xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ (TP.HCM), phương tiện này va chạm với tàu Resurgence chạy hướng ngược lại.

Vụ tai nạn không gây thương vong về người nhưng khiến tàu Resurgence bị móp mũi tàu, tàu Wan Hai 288 bị một vết rách ở mạn trái.

Sau vụ tai nạn, lực lượng chức năng đã đến hiện trường, phân luồng tàu thuyền qua khu vực và điều tra nguyên nhân tai nạn.

Trưa cùng ngày, đại diện Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cho biết, tàu Resurgence đã được lai dắt về cảng Sài Gòn. Trong khi đó, tàu Wan Hai 288 đang neo tại hiện trường.

Khánh Hòa lên phương án dời nhà nghỉ dưỡng "chắn biển" Nha Trang

Sau nhiều năm hoạt động, nhà nghỉ dưỡng nằm giáp biển Nha Trang bị tỉnh Khánh Hòa lên phương án di dời đến vị trí khác, trả lại diện tích đất bãi biển để phục vụ cộng đồng.

Nhà nghỉ dưỡng nằm giáp biển Nha Trang bị lên kế hoạch thu hồi

Nhà nghỉ dưỡng nằm giáp biển Nha Trang bị lên kế hoạch thu hồi

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu cho Tỉnh về việc di dời Nhà nghỉ dưỡng 378 gần cầu Trần Phú, nằm giáp biển Nha Trang tới nơi khác.

Vị trí này cũng được đưa vào quy hoạch khu vực phía Đông đường Trần Phú, với mục đích phục vụ cộng đồng.

Đối với phương án trên, Sở TN&MT Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan có ý kiến về công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, thủ tục đầu tư, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, phương án sắp xếp lại nhà đất…

Nhà nghỉ dưỡng 378 là nơi nghỉ dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động trong lực lượng công an. Tại đây còn phục vụ các hội nghị, hội thảo, tập huấn trong và ngoài ngành công an...

Theo kế hoạch, sau khi di dời, tỉnh Khánh Hòa dự kiến cấp 9 ha đất ở khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm) để đơn vị liên quan xây nhà nghỉ dưỡng mới, phục vụ nhiệm vụ.

Chủ trương chỉnh trang bãi biển dọc đường Trần Phú được tỉnh Khánh Hòa thực hiện thời gian gần đây. Trên thực tế, một số khu nghỉ dưỡng đã hạn chế tầm nhìn, chắn đường xuống biển của người dân.

Tập đoàn Hưng Thịnh trở thành cổ đông lớn của Vietravel

Tập đoàn Hưng Thịnh vừa mua vào 6 triệu cổ phiếu của Vietravel và trở thành cổ đông lớn, nắm trên 20% vốn điều lệ của doanh nghiệp lữ hành này.

Tập đoàn Hưng Thịnh hiện nắm hơn 20% vốn điều lệ của Vietravel

Tập đoàn Hưng Thịnh hiện nắm hơn 20% vốn điều lệ của Vietravel

Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel (VTR) vừa công bố thông tin về kết quả đợt phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ và chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Cụ thể, Vietravel đã phát hành 6 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ cho Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh với 28.000 đồng/cổ phiếu phát hành thêm. Tổng giá trị nợ được hoán đổi là 168 tỷ đồng.

Các cổ phiếu được phát hành này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, tức ngày 7/2.

Bên cạnh đó, Vietravel cũng chào bán riêng lẻ 6 triệu cổ phiếu với giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông nội bộ gồm ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel và một số lãnh đạo của hãng trong đợt phát hành riêng lẻ này. Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là 72 tỷ đồng.

Như vậy, sau khi hoán đổi nợ, Tập đoàn Hưng Thịnh đã trở thành cổ đông lớn nắm hơn 20% vốn cổ phần của Vietravel. Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng đã hoàn tất mua vào hơn 2,9 triệu cổ phiếu của Vietravel trong đợt chào bán riêng lẻ nói trên. Sau giao dịch, ông Kỳ tăng tỷ lệ sở hữu tại hãng lữ hành này lên 11,18%.

Sau đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ và chào bán cổ phiếu riêng lẻ kể trên, Vietravel đã nâng vốn điều lệ từ 172,9 tỷ đồng lên gần 293 tỷ đồng, tương ứng hơn 29 triệu cổ phiếu quy đổi theo mệnh giá.