Bản tin thời sự sáng 14/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội đề nghị thêm 5 năm hoàn thiện Metro Nhổn - ga Hà Nội; Sở GTVT TP.HCM bác đề xuất cấm xe đường Trường Sa làm phố ẩm thực; 12 dự án cao tốc Bắc Nam dự kiến chia thành 30 gói thầu; cưỡng chế tài khoản ngân hàng của Thuduc House để thu hồi 74 tỷ đồng…

Hà Nội đề nghị thêm 5 năm hoàn thiện Metro Nhổn - ga Hà Nội

Theo tờ trình của UBND TP. Hà Nội, mốc thời gian hoàn thành dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội được lùi từ 2022 sang 2027, tổng vốn đầu tư tăng hơn 1.900 tỷ đồng.

Đoàn tàu tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội tại Depot Nhổn

Đoàn tàu tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội tại Depot Nhổn

Tờ trình nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, được trình HĐND TP. Hà Nội xem xét. Thời gian thực hiện Dự án được đề xuất từ 2009 - 2022 thành 2009 - 2027 (chưa bao gồm 24 tháng bảo hành). Trong đó, đoạn trên cao vận hành năm 2022 và khai thác toàn tuyến năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm). Tổng mức đầu tư Dự án được đề xuất tăng từ 32.900 lên hơn 34.800 tỷ đồng.

TP. Hà Nội đưa ra 8 lý giải cho đề xuất lùi thời hạn hoàn thành Dự án. Đó là khó khăn trong giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật; năng lực nhà thầu gói thầu công trình kiến trúc depot còn hạn chế; năng lực triển khai Dự án của chủ đầu tư, tư vấn và sự phối hợp các sở, ngành chưa tốt; sự khác nhau giữa quy định hợp đồng quốc tế với pháp luật Việt Nam; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19...

Theo UBND Thành phố, tiến độ hoàn thành Dự án hoàn toàn phụ thuộc vào Gói thầu CP03 (hầm và các ga ngầm). Do khó khăn trong bàn giao mặt bằng nên chủ đầu tư đã thống nhất với nhà thầu điều chỉnh tiến độ thi công lên khoảng 4 - 5 năm.

Việc tăng tổng mức đầu tư cũng được UBND Thành phố lý giải bởi các nguyên nhân gồm biến động tỷ giá quy đổi, điều chỉnh khối lượng công việc, chậm tiến độ, bổ sung các công việc còn thiếu...

Sau khi nghị quyết được HĐND TP. Hà Nội thông qua, trong tháng 9, UBND Thành phố sẽ trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km ngầm.

Sở GTVT TP.HCM bác đề xuất cấm xe đường Trường Sa làm phố ẩm thực

Đề xuất cấm xe lưu thông trên đường Trường Sa (đoạn qua Câu lạc bộ thể dục thể thao Rạch Miễu) để làm phố ẩm thực bị Sở GTVT TP.HCM bác bỏ vì làm chia cắt tuyến đường trục chính của Thành phố.

Đường Trường Sa và Hoàng Sa uốn lượn theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Đường Trường Sa và Hoàng Sa uốn lượn theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Mới đây, UBND quận Phú Nhuận đề xuất với Sở GTVT TP.HCM cấm xe lưu thông đường Trường Sa (đoạn qua Câu lạc bộ thể dục thể thao Rạch Miễu) phục vụ đề án Phố ẩm thực Phan Xích Long.

Phản hồi việc này, Sở GTVT TP.HCM cho biết, đường Trường Sa và Hoàng Sa dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là tuyến đường trục chính quan trọng của Thành phố, đi qua Quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình.

2 tuyến đường này đã góp phần rất lớn trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm áp lực lưu thông cho các tuyến đường khác của Thành phố.

Vì vậy, việc đề xuất cấm lưu thông trên đường Trường Sa (đoạn qua Câu lạc bộ thể dục thể thao Rạch Miễu) của UBND quận Phú Nhuận là không phù hợp với tình hình giao thông của Thành phố, mặc dù trong phương án có đề xuất đoạn đường thay thế nhưng sẽ làm chia cắt tuyến đường mang tính chất đường trục chính của Thành phố.

Cũng theo Sở GTVT TP.HCM, trong đề án xây dựng Phố ẩm thực Phan Xích Long, chỉ giới hạn trong phạm vi trục đường Phan Xích Long dẫn vào khu dân cư Rạch Miễu, các tuyến đường nhánh (mang tên đường hoa), đường Nguyễn Công Hoan và đường Cù Lao, không đề cập đến việc sử dụng đường Trường Sa.

Do đó, Sở GTVT đề nghị UBND quận Phú Nhuận chỉ thực hiện Phố ẩm thực Phan Xích Long trên các đoạn đường mang tính chất nội bộ, đường giao thông khu vực…

12 dự án cao tốc Bắc Nam dự kiến chia thành 30 gói thầu

Bộ GTVT đề xuất Chính phủ chia 729 km cao tốc Bắc Nam phía đông thành 30 gói thầu, mỗi gói trị giá 3.000 - 5.000 tỷ đồng.

Cao tốc Bắc Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thi công

Cao tốc Bắc Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thi công

Báo cáo Chính phủ về việc chọn nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đề xuất mỗi gói thầu làm 20 - 40 km, nhà thầu riêng lẻ thi công hoặc liên danh tối đa 3 nhà thầu tại mỗi gói.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, giá trị gói thầu này sẽ phù hợp năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu trong nước hiện nay. 10 năm qua, có 48 nhà thầu thi công công trình giao thông cấp II trở lên có kỹ thuật tương tự, giá trị hợp đồng hơn 350 tỷ đồng.

Trường hợp chia tuyến cao tốc thành các gói thầu quy mô từ 5.000 - 15.000 tỷ đồng, Bộ GTVT đánh giá, chỉ có hai nhà thầu đáp ứng yêu cầu trong 10 năm qua. Nếu thành lập liên danh thì tới 5 - 10 nhà thầu, gây khó khăn cho công tác quản lý dự án.

Ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi) cho rằng, việc phân chia gói thầu với giá trị 3.000 - 5.000 tỷ đồng theo đề xuất của Bộ GTVT là tương đối hợp lý. Tuy nhiên, các cấp cần nghiên cứu mô hình tổng thầu, lựa chọn một nhà thầu từng thi công tỷ lệ lớn cao tốc, thay vì chọn liên danh để tối ưu hiệu quả.

Trường hợp áp dụng mô hình tổng thầu, giá trị gói thầu có thể được nâng lên cao hơn 5.000 tỷ đồng, thậm chí 10.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn tham gia khối lượng công việc lớn và giảm áp lực cho bộ máy quản lý dự án.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngày 11/1, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Dự án đi qua 12 tỉnh thành, chia làm 12 dự án độc lập với tổng vốn 146.990 tỷ đồng.

Bộ GTVT đã duyệt tổng mức đầu tư các dự án thành phần có giá trị khoảng 7.640 - 20.500 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây lắp để lựa chọn nhà thầu tương ứng 5.930 - 15.130 tỷ đồng.

Cưỡng chế tài khoản ngân hàng của Thuduc House để thu hồi 74 tỷ đồng

Thuduc House tiếp tục bị cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng trong vòng 30 ngày.

Thuduc House cho biết sẽ hoàn tất các nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước trong quý III

Thuduc House cho biết sẽ hoàn tất các nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước trong quý III

Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, mã chứng khoán: TDH) cho biết, đơn vị đã nhận được các quyết định của Cục Thuế TP.HCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của công ty tại ngân hàng.

Số tiền Thuduc House bị cưỡng chế là 74 tỷ đồng. Các quyết định này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 ngày từ 6/9 - 5/10.

Trước đó, trong văn giải trình phương án khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát, ban lãnh đạo Thuduc House cho biết sẽ hoàn tất các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước trong quý III, tháo gỡ các biện pháp cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền nhằm khôi phục hoạt động kinh doanh của Công ty.

Ngoài ra, công ty này cũng thông tin các vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng vẫn còn trong quá trình điều tra, chưa có kết quả sau cùng.

Kết thúc 6 tháng, Thuduc House báo lãi sau thuế 42 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty vẫn lỗ lũy kế hơn 650 tỷ đồng. Do đó, cổ phiếu TDH vẫn bị nằm trong diện kiểm soát, hạn chế thời gian giao dịch, chỉ được mua bán vào phiên chiều.

TP.HCM dừng làm cầu, đường Bình Tiên theo hình thức BT

Công trình cầu, đường Bình Tiên dài hơn 3 km, nối Quận 6 và 8, tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng bị dừng thực hiện theo hợp đồng BT, sau 12 năm được duyệt.

Nút giao Bình Tiên - Phạm Văn Chí, Quận 6 - điểm đầu dự án cầu đường Bình Tiên

Nút giao Bình Tiên - Phạm Văn Chí, Quận 6 - điểm đầu dự án cầu đường Bình Tiên

Quyết định dừng triển khai Dự án cầu, đường Bình Tiên theo phương án BT (xây dựng - chuyển giao) được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đưa ra, sau đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư do lo ngại khó đảm bảo pháp lý.

Sở GTVT và các đơn vị liên quan được giao nghiên cứu, đề xuất phương án khác để đầu tư Dự án.

Công trình cầu, đường Bình Tiên có tổng chiều dài 3,2 km, riêng phần cầu hơn 900 m. Điểm đầu Dự án tại nút giao Bình Tiên - Phạm Văn Chí (Quận 6), sau đó băng qua đường Võ Văn Kiệt, kênh Tàu Hủ, kênh Đôi (Quận 8) rồi nối vào đường Nguyễn Văn Linh tại điểm cách Quốc lộ 50 khoảng 600 m về phía cầu Bà Lớn, thuộc huyện Bình Chánh.

12 năm trước, công trình được Thủ tướng ủy quyền cho TP.HCM chọn nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BT. Thành phố sau đó duyệt Dự án với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong bố trí ngân sách giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư nên công trình chưa được triển khai.

Năm 2016, Thành phố kiến nghị Thủ tướng tách Dự án thành hai thành phần độc lập, tương ứng với hai đoạn, gồm: Từ đường Phạm Văn Chí đến Tạ Quang Bửu dài 1,4 km, kinh phí 1.853 tỷ đồng; và từ Tạ Quang Bửu đến Nguyễn Văn Linh, dài 1,8 km, kinh phí hơn 750 tỷ đồng. Dự án vẫn áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư và đơn vị thực hiện sẽ tự bố trí vốn cho cả phần giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đầu năm 2018, khi Trung ương chủ trương dừng các dự án BT, Thành phố cũng cho dừng triển khai các công trình dạng này để rà soát.

Phát hiện vụ chôn lấp chất thải trái phép quy mô lớn ở Bình Dương

Lực lượng chức năng huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) đang điều tra, xác minh xử lý một vụ chôn lấp chất thải trên 2.000 tấn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Đây là vụ chôn lấp chất thải quy mô lớn thứ 2 được phát hiện ở địa phương này. Lần phát hiện này do công an và các sở ngành địa phương chủ động thực hiện.

Khu vực phát hiện chôn lấp chất thải trái quy định đang được xác minh làm rõ.

Khu vực phát hiện chôn lấp chất thải trái quy định đang được xác minh làm rõ.

Ngày 13/9, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương cho biết, Công an huyện Phú Giáo phối hợp cùng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Dương cùng ngành tài nguyên môi trường đã tiến hành đo đạc kiểm tra khối lượng chất thải bị chôn lấp một cơ sở sản muối (tại xã Tân Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương).

Lực lượng chức năng đã tiến hành đo đạc độ sâu chất thải chôn lấp, độ cao chất thải lộ thiên và khối lượng chất thải bị chôn lấp.

Qua đo đạc, tổng diện tích chứa chất thải là 933,1 m2 gồm 9 điểm (3 điểm chôn chất thải và 6 đống chất thải lộ thiên), thể tích chất thải được xác định là 1.878 m3 (1 m3 chất thải được đổ, chôn lấp có khối lượng là 1.160 kg). Tổng khối lượng chất thải đổ, chôn lấp tại cơ sở này là 2.178.480 kg.

Lực lượng chức năng đã làm việc với những người liên quan đến 3 xe ô tô ra vào cơ sở này. Trong đó, xác định 1 xe ô tô tại phường Thới Hòa, Bến Cát chuyên chở vải vụn, giày da vụn. Hai loại phế thải trên được lấy từ công ty giày da ở phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một và công ty sản xuất bạt phủ thuộc 1 khu công nghiệp ở Mỹ Phước, Bến Cát.

Theo lực lượng chức năng, hành vi vận chuyển, chuyển giao chất thải trên là trái quy định về bảo vệ môi trường và vi phạm pháp luật.

Đối với hành vi đổ, chôn lấp 2.178.480 kg chất thải rắn công nghiệp thông thường của cơ sở sản xuất muối có dấu hiệu phạm tội gây ô nhiễm môi trường quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự.

Dời làng bè để thi công cầu Rạch Miễu 2

130 bè cá trên sông Tiền, đoạn qua xã Phú Túc, Châu Thành được hỗ trợ di dời để thi công cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Làng bè nuôi cá trên sông Tiền sát dự án cầu Rạch Miễu 2 sẽ được di dời.

Làng bè nuôi cá trên sông Tiền sát dự án cầu Rạch Miễu 2 sẽ được di dời.

Theo ông Phạm Văn Sang - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, qua vận động, người dân đều đồng tình di dời. Mỗi bè cá sẽ được hỗ trợ 8 - 13 triệu đồng tùy theo kích cỡ, tổng chi phí khoảng 1,6 tỷ đồng.

Trong 130 bè cá của 18 hộ, hiện có hơn 30 bè đã được di dời khỏi khu vực giới hạn an toàn xây dựng cầu Rạch Miễu 2 đến địa điểm mới cách đó khoảng 1 km. Dự kiến, toàn bộ việc di dời sẽ hoàn tất trong tháng 9.

Cầu Rạch Miễu 2 đi qua địa bàn huyện Châu Thành có 257 hộ bị giải tỏa di dời với diện tích hơn 26 ha. Hiện các dự án cầu và đường gom đã bàn giao mặt bằng trên 30%.

Công trình có tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng, vượt sông Tiền, nối Tiền Giang với Bến Tre được khởi công cuối tháng 3, dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Dự án có tổng chiều dài 17,6 km, điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm thuộc huyện Châu Thành, Tiền Giang; điểm cuối trên Quốc lộ 60, đoạn gần cầu Hàm Luông thuộc Bến Tre, cách Rạch Miễu hiện hữu gần 4 km về phía thượng lưu.

Tin cùng chuyên mục