Bản tin thời sự sáng 18/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Long An công bố xâm nhập mặn khẩn cấp; Thủ Đức kêu gọi tư nhân đầu tư 11 dự án hơn 2.000 tỷ đồng; hai phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành; dự án thủy điện hơn 737 tỷ đồng tại Bình Định đã hoàn thành và vận hành thương mại…

Long An công bố xâm nhập mặn khẩn cấp

Độ mặn từ 1 đến 4 phần nghìn xâm nhập sâu vào hệ thống sông Vàm Cỏ, tỉnh Long An công bố rủi ro thiên tai xâm nhập mặn cấp 4 - độ rủi ro rất lớn, ngày 17/4.

Người dân tại xã Tân Tập, Cần Giuộc mang can xin nước tại các điểm cấp miễn phí

Người dân tại xã Tân Tập, Cần Giuộc mang can xin nước tại các điểm cấp miễn phí

Quyết định công bố trong bối cảnh nước mặn xâm nhập sâu trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 72 km đến hơn 80 km. Theo dự báo, độ mặn 4 phần nghìn còn vào sâu hai sông nói trên khoảng 90-110 km ở thời gian tới. Mùa hạn năm nay, Long An có hơn 20.000 người dân tại các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ bị thiếu nước sinh hoạt.

Tỉnh này đã có tờ trình gửi Chính phủ xem xét, hỗ trợ hơn 164 tỷ đồng để phòng, chống hạn mặn. Ngoài kinh phí để nạo vét kênh mương, lắp đặt trạm bơm dã chiến, hơn 30 tỷ đồng được dùng để kéo đường ống cấp nước sạch, mua thiết bị trữ nước, lọc nước mặn thành nước ngọt và chở nước sinh hoạt cho người dân.

Ở lần công bố này, Long An xem xâm nhập mặn ở địa phương ở mức 4 (màu đỏ, rủi ro rất lớn) trong cấp độ 1-5, theo quy định các cấp độ thiên tai do Thủ tướng ban hành.

Trước Long An, hai tỉnh Tiền Giang và Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, xâm nhập mặn. Sau công bố, các đơn vị liên quan triển khai ngay những biện pháp ứng phó để ngăn chặn và khắc phục nhanh hậu quả.

Đợt khô hạn, xâm nhập mặn năm nay ở miền Tây không gay gắt như năm 2016 và 2020, song kéo dài ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước, nhiều diện tích cây trồng khô hạn.

Thủ Đức kêu gọi tư nhân đầu tư 11 dự án hơn 2.000 tỷ đồng

11 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, thể thao, tổng vốn 2.053 tỷ đồng được Thủ Đức (TP.HCM) kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), giúp đa dạng nguồn lực triển khai.

Phối cảnh Nhà thi đấu đa năng Thủ Thiêm

Phối cảnh Nhà thi đấu đa năng Thủ Thiêm

Tại Hội nghị kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP chiều 17/4, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Thủ Đức cho biết, trong 11 dự án hiện có 3 công trình đã được HĐND TP.HCM đồng ý chủ trương đầu tư. Đây là các dự án trường học, xây trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư khoảng 418 tỷ đồng.

8 công trình khác thuộc lĩnh vực giáo dục, văn hoá - thể thao cũng được địa phương giới thiệu với các nhà đầu tư để xem xét khả năng tham gia. Những dự án này có tổng vốn hơn 1.600 tỷ đồng, đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND Thành phố.

Trong nhóm này, lớn nhất là công trình Nhà thi đấu đa năng Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư hơn 751 tỷ đồng. Dự án này ở góc đường Tố Hữu - Trần Bạch Đằng diện tích gần 26.000 m2 thuộc Khu đô thị Thủ Thiêm. Kế đến là Dự án Trung tâm thể dục thể thao TP. Thủ Đức, nằm sát UBND TP. Thủ Đức, tổng vốn 226 tỷ đồng. Ngoài ra còn các dự án Trường Liên cấp tiểu học - trung học cơ sở (phường An Phú, vốn đầu tư 170 tỷ đồng); Trung tâm đào tạo, huấn luyện, thi đấu bóng đá (phường Phước Long A, vốn 67 tỷ đồng)...

Nói thêm về việc kêu gọi đầu tư các dự án trên, Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, trong điều kiện ngân sách hạn chế, việc huy động nguồn lực khác là đặc biệt quan trọng. Theo ông, PPP không chỉ là một phương thức đầu tư mà còn là cách tiếp cận sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng của địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là ở lĩnh vực giáo dục, y tế, thể thao, vốn đang bị hạn chế về đầu tư.

"TP. Thủ Đức cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, cũng như chính sách ổn định, quy trình minh bạch trong việc triển khai các dự án", ông Tùng nói.

Hai phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành

Phương án một mở rộng 21 km cao tốc từ TP.HCM đến sân bay Long Thành lên 8 làn xe; phương án hai chia theo đoạn, đoạn đầu 8 làn, đoạn sau 10 làn xe.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây quy mô 4 làn xe đã mãn tải

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây quy mô 4 làn xe đã mãn tải

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa báo cáo Thủ tướng 2 phương án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành dài 21 km thuộc Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo đó, phương án một, đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được mở rộng lên 8 làn xe, nhưng giải phóng mặt bằng 10 làn xe (chờ khi đủ kinh phí sẽ mở rộng toàn bộ lên 10 làn). Hiện nay đoạn này đã được giải phóng mặt bằng 8 làn xe nên có thể thực hiện ngay.

Trên tuyến có hai cầu là Sông Tắc sẽ được mở rộng theo quy hoạch 10 làn xe, xây thêm cầu Long Thành 4 làn xe như cầu Long Thành hiện tại.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - đơn vị quản lý tuyến, sẽ là chủ đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư. Tổng mức đầu tư Dự án hơn 14.330 tỷ đồng, bao gồm 4.630 tỷ đồng vốn chủ sở hữu của VEC, vốn vay thương mại 9.700 tỷ đồng. Dự án sẽ thực hiện từ nay đến tháng 6/2028.

Phương án hai, đoạn cao tốc từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 dài 4 km sẽ được đầu tư theo 8 làn xe, đoạn còn lại đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 17 km quy mô 10 làn xe. Trên tuyến vẫn xây dựng cầu Long Thành mới và giải phóng mặt bằng toàn tuyến 10 làn xe.

Với phương án này, tổng mức đầu tư dự án hơn 15.620 tỷ đồng, gồm 9.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước, vốn VEC huy động 6.620 tỷ đồng, chiếm 42%.

Bộ Giao thông vận tải sẽ là cơ quan chủ quản, VEC là chủ đầu tư theo Luật Đầu tư công, thực hiện từ nay đến tháng 6/2028.

Do khó khăn về nguồn vốn ngân sách cũng như chi phí đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng xem xét phương án 1 bởi Dự án đã được giải phóng mặt bằng 8 làn xe, có thể triển khai xây dựng ngay.

Về khả năng cân đối vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại, cơ quan quản lý cho biết, VEC đang thực hiện quy trình tăng vốn điều lệ, dự kiến trong năm 2024 vốn điều lệ sẽ tăng lên khoảng 25.000 tỷ đồng, bảo đảm điều kiện huy động vốn vay thương mại cho dự án.

Dự án thủy điện hơn 737 tỷ đồng tại Bình Định đã hoàn thành và vận hành thương mại

Dự án Nhà máy Thủy điện Nước Lương do Công ty CP Thủy điện Nước Lương làm Chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư hơn 737 tỷ đồng, công suất lắp máy 22 MW đã hoàn thành và vận hành thương mại.

Dự án Nhà máy Thủy điện Nước Lương đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại

Dự án Nhà máy Thủy điện Nước Lương đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại

Thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Trung, Dự án Nhà máy Thủy điện Nước Lương tại tỉnh Bình Định đã hoàn thành và chính thức vận hành thương mại. Dự án có tổng mức đầu tư là 737,626 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 21/3/2024, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã có văn bản thống nhất ngày vận hành thương mại và phát điện chính thức kể từ lúc 13h30 ngày 24/2/2024 đối với Dự án Nhà máy Thủy điện Nước Lương.

Dự án Nhà máy Thủy điện Nước Lương do Công ty CP Thủy điện Nước Lương làm Chủ đầu tư, tại xã Đak Mang và Ân Sơn thuộc huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định; có công suất 22 MW (gồm có 2 tổ máy phát điện với công suất mỗi tổ máy là 11 MW). Đập chính được xây dựng trên dòng suối Đăk Mang và 2 đập phụ xây dựng trên suối Nước Trong và suối Nước Lương.

Điện năng phát ra từ nhà máy sẽ hòa vào lưới điện quốc gia qua đường dây 110 kV, đấu nối chuyển tiếp tại vị trí cột 45 trên đường dây 110kV Vĩnh Sơn - Hoài Nhơn, mạch kép với chiều dài 10,1 km. Dự kiến, sản lượng điện khoảng 68,39 triệu kWh/năm.

Dự án được khởi công từ tháng 5/2022. Đến tháng 2/2024, khối lượng thi công của toàn bộ Dự án đã hoàn thành, các hạng mục công trình đã được các Hội đồng nghiệm thu chuyên ngành thực hiện theo đúng theo quy định. Công tác nghiệm thu vận hành 72h của 2 tổ máy đã hoàn thành vào lúc 13h30 ngày 24/2/2024.

Hơn 1.200 tỷ đồng xây cầu nối TP. Vũng Tàu với huyện Long Điền

Cầu Cỏ May 3 hình cánh diều dài hơn 500 m nối huyện Long Điền với TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), kinh phí xây dựng hơn 1.200 tỷ đồng.

Phối cảnh cầu Cỏ May 3

Phối cảnh cầu Cỏ May 3

Thông tin được Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết ngày 17/4. Công trình nằm trong dự án thành phần hai đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự kiến khởi công vào quý IV năm nay, hoàn thành sau 2 năm.

Cầu Cỏ May 3 dài hơn 500 m, cầu nối xã An Ngãi, huyện Long Điền với phường 12, TP. Vũng Tàu. Cầu lấy ý tưởng cánh diều, là tác phẩm đạt giải nhất giá trị 100 triệu đồng trong cuộc thi thiết kế kiến trúc do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức giữa năm ngoái.

Đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 15,7 km, được chia làm 3 dự án thành phần. Đoạn một dài 6,7 km, từ điểm cuối cao tốc đi qua TP. Bà Rịa đến nút giao Vũng Vằn, huyện Long Điền, tổng mức đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng.

Đoạn hai dài hơn 6,8 km băng qua ruộng muối, ao nuôi trồng thủy sản và đầm lầy thuộc xã An Ngãi nối đến đường ven biển ĐT994, Phường 12, TP. Vũng Tàu, tổng mức đầu tư gần 5.200 tỷ đồng. Cầu Cỏ May 3 thuộc đoạn này.

Đoạn ba là đường trục chính TP Vũng Tàu dài gần 3 km, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, được triển khai trong trong giai đoạn 2024 - 2028.

Các dự án thành phần đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi hoàn thành sẽ tạo tuyến thông suốt giúp rút ngắn thời gian di chuyển bằng ôtô từ TP.HCM đến Vũng Tàu từ 2 giờ xuống còn 70 phút…

Kiến nghị thu hồi 2 dự án ở Hòa Bình do các chủ đầu tư nợ thuế

Cơ quan thuế đã có kiến nghị gửi UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các sở liên quan thực hiện xem xét thu hồi dự án đối với 2 doanh nghiệp do nợ thuế.

Cơ quan thuế ở tỉnh Hòa Bình kiến nghị thu hồi dự án của 2 chủ đầu tư nợ thuế nghìn tỷ đồng

Cơ quan thuế ở tỉnh Hòa Bình kiến nghị thu hồi dự án của 2 chủ đầu tư nợ thuế nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thu, nộp ngân sách nhà nước tỉnh Hòa Bình, tính đến hết quý I/2024, tổng thu ước thực hiện là hơn 1.100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tổng số tiền nợ thuế đến hết tháng 2 là gần 3.300 tỷ đồng (riêng tiền sử dụng đất là 2.072 tỷ đồng). Số nợ này chủ yếu tại các doanh nghiệp bất động sản, trong đó Công ty Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình nợ 1.046 tỷ đồng; Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh nợ 841 tỷ đồng.

Cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế như phong tỏa tài khoản, trích tiền từ tài khoản và ngưng sử dụng hóa đơn; ban hành các thông báo về tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của nhà đầu tư.

Đồng thời, Cục thuế Hòa Bình ban hành văn bản kiến nghị UBND Tỉnh giao các sở chuyên môn thực hiện xem xét thu hồi dự án đối với 2 doanh nghiệp do không thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo cam kết.

Theo đó, 2 doanh nghiệp kể trên bắt đầu nợ thuế từ khoảng hơn 1 năm nay. Tại danh sách công khai đến hết tháng 2/2024, 2 đơn vị đang chiếm các vị trí đầu trên tổng số 243 doanh nghiệp nợ thuế tại Hòa Bình.

Trước đó, Công ty Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình cam kết nộp tiền thuế nợ trước ngày 31/12/2023 với số tiền khoảng 100 - 150 tỷ đồng và quý I/2024 cũng sẽ nộp số tiền tương tự.

Còn Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh cam kết nộp 200 tỷ đồng nợ thuế trong 3 tháng cuối năm 2023.

Xây 6 trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc nối TP.HCM - Nha Trang

6 trạm dừng nghỉ tạm trên tuyến cao tốc dài 328 km nối TP. HCM - Khánh Hoà đang được gấp rút thi công tại hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, hoàn thành trước 30/4.

Đơn vị thi công san mặt bằng làm trạm dừng nghỉ tạm bên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc

Đơn vị thi công san mặt bằng làm trạm dừng nghỉ tạm bên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc

Theo ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban điều hành cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đơn vị đã đặt làm biển báo, nhà vệ sinh công cộng, hệ thống điện và nước... "Trong tuần này vật tư sẽ được đưa đến công trường để lắp đặt, bảo đảm hoàn thành trước 30/4 để phục vụ người dân", ông Huy nói.

Ngày 17/4, các phương tiện tập trung san ủi, lu lèn mặt bằng làm trạm dừng nghỉ tạm thời trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đoạn qua xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Hơn 4.000 m2 đất ở bên trái tuyến đã được san gạt bằng phẳng sau thời gian gấp rút thi công. Xe múc đang đào thêm các rãnh để lắp đặt hệ thống điện nước, vệ sinh công cộng...

Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban điều hành cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cũng cho biết, đơn vị đang hoàn thiện thủ tục để sớm triển khai hai trạm dừng nghỉ hai bên tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Hiện 2 ha đất đã được giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thi công. Dự kiến, tại vị trí này sẽ bố trí đường ra vào trạm dừng nghỉ, các biển báo, nhà vệ sinh lưu động, hệ thống nước máy, điện chiếu sáng. Hai trạm dừng nghỉ này cũng hoàn thành trước 30/4.

Trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, chủ đầu tư cũng đang gấp rút cho thi công 2 trạm dừng nghỉ ở cả hai chiều tại khu vực nút giao với Tỉnh lộ 709, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Mỗi trạm rộng khoảng 4.000 m2, gồm các hạng mục, như: khu vệ sinh, bãi đổ ôtô, khu ngồi chờ có mái che, cây xanh cảnh quan tạo bóng mát... Đại diện đơn vị thi công cho biết đang tổng lực thi công, cả hai trạm trên cao tốc này sẽ hoàn thành ngày 25/4.

Theo kế hoạch, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ thông xe trong dịp 30/4 tới. Đây là đoạn cao tốc cuối cùng nối TP.HCM với Nha Trang cùng 3 đoạn cao tốc (Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo) đã hoàn thành trước đó.

Đề xuất dùng ngân sách hỗ trợ giữ đất trồng lúa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất tăng nhiều mức tiền hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, hạn chế chuyển đổi.

Một cánh đồng lúa ở huyện Thanh Oai, Hà Nội

Một cánh đồng lúa ở huyện Thanh Oai, Hà Nội

Thông tin được nêu trong dự thảo quy định chi tiết về đất trồng lúa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ ban hành.

Tờ trình dự thảo nêu hiện nay người trồng lúa được Nhà nước hỗ trợ để tiếp tục "giữ nghề", hạn chế chuyển đổi. Tuy nhiên, nhiều địa phương phản ánh mức hỗ trợ đất trồng lúa thấp, thủ tục phức tạp.

Theo dự thảo nghị định, căn cứ diện tích đất trồng lúa, ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ sản xuất lúa cho các địa phương. Việc hỗ trợ thông qua định mức phân bổ ngân sách được cấp có thẩm quyền quyết định.

Dự thảo đề xuất nâng mức hỗ trợ hiện nay từ 1 lên 2 triệu đồng một ha mỗi năm với đất chuyên trồng lúa; từ 500.000 đồng lên một triệu đồng với đất trồng lúa còn lại, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch.

Ngoài hai mức hỗ trợ trên, Bộ đề xuất hỗ trợ thêm 3 triệu đồng một ha mỗi năm với vùng quy hoạch trồng lúa cần bảo vệ hoặc cần hạn chế chuyển đổi để áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại. Đây là điểm mới với quy định hiện hành.

Diện tích đất trồng lúa được xác định theo số liệu thống kê đất đai của các địa phương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm liền kề trước năm phân bổ ngân sách.

Liên quan khai hoang, cải tạo đất trồng lúa, dự thảo đề xuất hỗ trợ 15 triệu đồng một ha đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng; hỗ trợ 10 triệu đồng một ha đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa nước một vụ hoặc đất trồng cây khác. Mức tiền hỗ trợ này tăng gấp đôi so với quy định hiện hành.

Về nguồn và cơ chế hỗ trợ, các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương được hỗ trợ 100% kinh phí. Địa phương điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50% được hỗ trợ 50% kinh phí. Các địa phương còn lại sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện.