Hà Nội sẽ tiếp tục đấu giá 3 mỏ cát khác ở huyện Ba Vì
Sau cuộc đấu giá 3 mỏ cát thu gần 1.700 tỷ đồng, Hà Nội tiếp tục đấu giá 3 mỏ cát khác (Cổ Đô 1, Cổ Đô 2, Thanh Chiểu, đều thuộc huyện Ba Vì) với tổng giá khởi điểm khoảng 42 tỷ đồng.
Khu vực sông Hồng qua địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội |
Hà Nội đã có kế hoạch tiếp tục đấu giá 3 mỏ cát "khủng" khác, thuộc địa bàn huyện Ba Vì trong thời gian tới.
Cụ thể, mỏ cát Cổ Đô 1 (thuộc địa bàn xã Cổ Đô và xã Phú Cường, huyện Ba Vì) có trữ lượng 4.145.738 m3, giá khởi điểm gần 17 tỷ đồng, mỗi bước trả giá là 849 triệu đồng.
Mỏ cát Cổ Đô 2 (xã Cổ Đô và Phú Cường) có trữ lượng 3.625.996 m3, giá khởi điểm 14,8 tỷ đồng, bước giá là 743 triệu đồng.
Mỏ cát Thanh Chiểu (xã Phú Cường) trữ lượng 2.490.912 m3, giá khởi điểm 10,2 tỷ đồng, bước giá tham gia đấu giá là 510 triệu đồng.
Tổng giá khởi điểm của cả 3 mỏ cát này khoảng 42 tỷ đồng - cao hơn 82% so với tổng mức giá 23 tỷ đồng khởi điểm đấu giá của 3 mỏ cát Châu Sơn, Tây Đằng - Minh Châu, Liên Mạc - Thượng Cát.
Sở dĩ giá khởi điểm cao hơn vì trữ lượng của 3 mỏ cát này lớn hơn 3 mỏ cát đã tổ chức đấu giá đợt 1 thu về gần 1.700 tỷ đồng vừa qua. Vì thế, các tổ chức đấu giá dự đoán cuộc đấu giá này sẽ còn "nóng" hơn nữa.
Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam (trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) tiếp tục được Hà Nội lựa chọn làm đơn vị tổ chức đấu giá.
Trước khi đưa ra đấu giá các mỏ cát, cơ quan quản lý khoáng sản ở Hà Nội đã thăm dò trữ lượng, xây dựng đề án thăm dò trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt trữ lượng sơ bộ và mức giá khởi điểm ban đầu cho mỗi mỏ cát.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã về đến Việt Nam
Rạng sáng 18/11, ấn vàng Hoàng đế chi bảo đã "an toàn" về tới Việt Nam. Trước đó tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp đã diễn ra lễ chuyển giao ấn vàng để hồi hương, kết thúc hành trình hơn một năm thương thảo giữa các đối tác Việt Nam và Pháp.
Cận cảnh ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" |
Lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là kết quả sau hơn 1 năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan về việc dừng đấu giá công khai ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” tại Paris, Pháp tháng 11/2022; thỏa thuận chuyển giao cho Việt Nam theo đề nghị của Đoàn công tác liên ngành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì cùng các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an và sự hỗ trợ đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là “Hoàng đế chi bảo” cùng thanh bảo kiếm mà vua Khải Định (1916 - 1925) trao lại cho ông để bàn giao cho chính quyền cách mạng.
Ông Trần Huy Liệu, đại diện chính quyền cách mạng đã tiếp nhận bộ ấn kiếm này, chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945. Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), không rõ thông tin về nơi lưu giữ bộ ấn kiếm.
Năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay người Pháp. Ngày 8/3/1952, người Pháp trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại lúc đó là Quốc trưởng, sau đó ấn kiếm được đưa sang Pháp vào năm 1953.
Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp, trong đó có ấn vàng cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về người thừa kế và được bán đấu giá tháng 11/2022.
Trong 13 đời vua, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (gọi là kim bảo), chế tác từ ngọc quý (gọi là ngọc tỷ).
Hiện nay, trong sưu tập “Kim ngọc bảo tỷ” của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ, bảo quản 85 kim ngọc bảo tỷ (trong đó có 2 kim bảo đời Quốc chúa Nguyễn Phúc, còn lại là kim ngọc bảo tỷ của 9 đời vua và vương hậu triều Nguyễn).
TP.HCM có 60.000 phương tiện đến hạn đăng kiểm vào cuối năm
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm về hoạt động kiểm định xe cơ giới trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Sở kiến nghị bổ sung gấp lực lượng đăng kiểm viên để tránh nguy cơ ùn tắc.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị tăng cường đăng kiểm viên cho các trung tâm đăng kiểm. Ảnh minh họa |
Theo Sở GTVT TP.HCM, cuối năm 2023 và quý II/2024, tại TP.HCM có hơn 60.000 ô tô đến hạn kiểm định mỗi tháng, vượt quá công suất hiện tại.
Hiện tại, thành phố có 17/19 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang hoạt động với 36/53 dây chuyền kiểm định. Tổng số đăng kiểm viên đang làm việc tại các đơn vị là 135/197 nhân sự. Năng suất kiểm định trung bình/tháng đạt khoảng gần 52.000 lượt xe. So với tháng 9/2023 (số lượng phương tiện đến hạn kiểm định hơn 28.000 xe) thì trong tháng 10, lượng xe có nhu cầu kiểm định đã tăng hơn 1,7 lần, xấp xỉ 50.000 xe/tháng.
Sở GTVT nhận định, nhu cầu kiểm định trong thời gian tới sẽ tăng mạnh. Dự báo, tháng 12/2023 và quý II/2024 đạt hơn 60.000 lượt phương tiện cần kiểm định mỗi tháng, vượt quá công suất hiện tại của các trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM.
Ngoài ra, hiện số lượng đăng kiểm viên tại Thành phố đang rất thiếu, một số trung tâm còn trong diện phải tạm dừng hoạt động như Trung tâm 50-06V do thu hồi mặt bằng và 50-17D do thiếu đăng kiểm viên.
Để chuẩn bị phục vụ tốt nhu cầu, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan trực thuộc rà soát các quy định pháp luật liên quan để áp dụng, vận dụng các cơ sở pháp lý, đề xuất tham mưu các giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ các khó khăn về tình hình thiếu hụt nguồn nhân lực.
Đồng thời, rà soát, sửa đổi hoặc thay thế các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, làm cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô nghiên cứu, tham gia đầu tư xây dựng mới các trung tâm đăng kiểm phù hợp theo quy định…
Rà soát lại phần kinh phí các bệnh viện chưa được quyết toán do vượt tổng mức khám chữa bảo hiểm y tế
Bảo hiểm xã hội rà soát lại phần kinh phí các bệnh viện chưa được quyết toán do vượt tổng mức khám chữa bảo hiểm y tế (BHYT), phần nào nằm trong dự toán sẽ chi trả, còn lại xin ý kiến cấp thẩm quyền.
Bên trong Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai |
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đang yêu cầu ngành dọc các địa phương rà soát lại phần kinh phí vượt tổng mức thanh toán khám chữa bệnh BHYT các năm 2019, 2020 và 2022 để chi trả cho các bệnh viện theo quy định mới tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP. Riêng năm 2021, hơn 4.300 tỷ đồng vượt tổng mức thanh toán đã được giải quyết.
Động thái diễn ra một ngày sau khi cơ sở y tế đồng loạt phản ánh việc chưa được quyết toán BHYT vượt tổng mức nên thiếu tiền mua sắm vật tư, chậm trễ chi trả gói thầu làm ảnh hưởng công tác khám chữa. Thống kê sơ bộ của cơ quan Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành, tổng số tiền chưa được quyết toán là hơn 7.000 tỷ đồng. Khoản này gồm các chi phí liên quan giá dịch vụ y tế, chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, chế phẩm máu (chưa được tính vào giá dịch vụ) đã sử dụng cho bệnh nhân.
Nghị định số 75 ban hành hồi tháng 10/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định 146 đã bãi bỏ quy định tổng mức thanh toán chi phí khám chữa BHYT, thực hiện thanh toán theo chi phí thực tế. Bệnh viện được thông báo số dự kiến chi khám chữa bệnh BHYT làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí trong năm. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 3/12 song nội dung bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán được áp dụng hiệu lực trở về trước, từ ngày 1/1/2019.
"Phần lớn chi phí vướng mắc thuộc cơ chế, chính sách liên quan đến tổng mức từ năm 2019 đến năm 2022 sẽ được giải quyết", đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay.
Như vậy, trong số hàng nghìn tỷ đồng chưa được quyết toán, khoản nào nằm trong dự toán sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả theo quy định mới. Với khoản vượt nhưng không nằm trong dự toán sẽ báo cáo lại cấp có thẩm quyền để xin chủ trương. Việc thanh toán thực hiện từ đầu tháng 12 khi Nghị định có hiệu lực.
Tái khởi công đường Hồ Chí Minh qua Bình Dương - Long An
Sau 12 năm dang dở, dự án dài 73 km qua Bình Dương, Tây Ninh và Long An với kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng được thi công trở lại, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Cầu qua kênh Phước Hòa dang dở sau 12 năm sẽ được thi công trở lại |
Ngày 18/11, Bộ Giao thông vận tải cùng UBND tỉnh Bình Dương tổ chức khởi công lại Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa qua địa phận tỉnh Bình Dương.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được đầu tư xây dựng từ năm 2009, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Tuy nhiên đến năm 2011, công trình phải dừng thi công do gặp khó khăn về nguồn vốn. Việc khởi động lại Dự án giúp hoàn thành các hạng mục đang thi công dở dang, góp phần nối tuyến đường đi qua trục Đông Nam Bộ, kết nối Tây Nguyên và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuyến đường dài khoảng 73 km, có điểm đầu tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) và điểm cuối giao với tuyến quốc lộ N2, huyện Đức Hòa (Long An) với tổng mức đầu tư 2.293 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư là 264 tỷ đồng; kinh phí xây dựng hơn 1.667 tỷ đồng; tiền quản lý dự án, tư vấn cùng các chi phí khác hơn 125 tỷ đồng... Riêng đoạn qua Bình Dương dài 31,6 km, kinh phí 680 tỷ đồng do Tập đoàn Đèo Cả thi công, dự kiến hoàn thành trong 2 năm.
Giai đoạn 1, đường có quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 12 m, mặt đường 11 m, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, rộng 32 m. Dọc tuyến sẽ xây dựng 14 cầu (11 cầu tiếp tục thi công hoàn thiện và 3 cầu xây mới), vận tốc thiết kế 100 km/h.
Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Quảng Nam xây dựng lại phương án giá đất 4 dự án
UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo rà soát, xây dựng lại phương án giá đất đối với 4 dự án sau khi Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương công bố kết quả kiểm tra.
Khu đô thị DATQUANG RIVERSIDE - 1 trong 4 dự án mà UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu rà soát phương án giá đất |
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký công văn gửi các Sở Tài nguyên - Môi trường (TN&MT), Xây dựng, Tài chính yêu cầu khẩn trương rà soát, kiểm tra các hồ sơ liên quan và hoàn chỉnh lại hồ sơ, trình phê duyệt phương án giá đất cụ thể của 4 dự án.
Theo công văn, để thực hiện việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt phương án giá đất cụ thể các dự án đảm bảo theo đúng quy định mà Đoàn Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra những sai sót cần phải kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu rà soát lại hồ sơ 4 dự án được Sở TN&MT trình gần đây.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở TN&MT yêu cầu các đơn vị tư vấn xác định giá đất khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra, khảo sát, xây dựng lại các phương án giá đất đối với 4 dự án, gồm: Khu đô thị Smart City Quảng Nam (thị xã Điện Bàn); đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Hưng; khu đô thị DATQUANG Riverside (cùng thuộc thị xã Điện Bàn); đầu tư xây dựng nhà ở Khu dân cư phố chợ Trường Xuân (TP Tam Kỳ) đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Trong đó, lưu ý thời điểm định giá đất theo đúng quy định Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ TN&MT.
Phải thuyết minh, phân tích, đánh giá rõ ràng, cụ thể các yếu tố điều chỉnh giá đất tránh trùng lắp nội dung (kèm theo các hồ sơ minh chứng - nếu có), như các yếu tố: "hạ tầng xã hội (khu cũ, khu mới)", "vị trí", "lợi thế kinh doanh"," giao thông kết nối", "địa chất công trình"...
Phối hợp với Sở Xây dựng để cập nhật chi phí đầu tư các dự án do điều chỉnh quy hoạch chi tiết dẫn đến điều chỉnh quy mô, diện tích đất; xác định lại các khoản chi phí liên quan của các dự án… để đưa vào phương án giá đất…
Mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD của ngành gỗ nội thất năm nay không thể về đích
Mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD năm nay của ngành gỗ nội thất gần như không thể hoàn thành và có khả năng chỉ đạt 13,5 tỷ USD.
Một sự kiện triển lãm nội thất tại TP.HCM |
Sau nửa đầu năm đơn hàng sụt giảm mạnh với mức khoảng 40%, ngành gỗ nội thất có tín hiệu nhích dần lên từ tháng 7, khi mỗi tháng tăng trưởng 2 - 5% so với tháng liền trước. Đến tháng 10, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 9, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ 2022. Nguyên nhân là sức mua tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu còn yếu do kinh tế bất lợi, bất động sản căng thẳng vì mặt bằng lãi suất cao.
Còn chưa đầy hai tháng nữa là kết thúc năm, mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD của ngành gỗ nội thất gần như không thể hoàn thành. "Dự kiến đến hết năm nay, kim ngạch có thể đạt 13,5 tỷ USD nếu tình hình tiếp tục thuận lợi (tốt dần lên) như hiện tại", ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nhận định.
Dù không cán đích đề ra, nếu xuất khẩu cả năm đạt 13,5 tỷ USD vẫn là kết quả tốt hơn giai đoạn trước dịch, tức từ 2020 trở về trước và chỉ kém hơn các năm 2021, 2022. Đây là giai đoạn Covid-19 ảnh hưởng khiến nhiều người ở nhà, có nhu cầu tân trang không gian sống hoặc đổi nơi ở.
TP.HCM dẫn đầu năng lực cạnh tranh logistics
Đầu tàu kinh tế TP.HCM là địa phương có nền tảng ứng dụng công nghệ, hạ tầng, dịch vụ và pháp lý về logictics dẫn đầu cả nước.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái |
Đây là kết quả lần đầu được công bố trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics (LCI) cấp tỉnh, do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics (VLA) cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI) và Dream Incubator (DI) thực hiện năm 2022.
Top 5 về chỉ số năng lực cạnh tranh logistics gồm: TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội có chỉ số ngang nhau. Xếp sau là Đồng Nai, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Long An, Cần Thơ...
5 địa phương trong danh sách dự kiến chưa được đánh giá do không nhận được phiếu kết quả khảo sát đầy đủ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics (LSP) là Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nghệ An, Thanh Hóa và Thái Bình.
Khảo sát này được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam trong hơn một năm từ 11/8/2022 đến tháng 11 năm nay; cung cấp bức tranh logistics của tất cả tỉnh, thành dựa trên 5 trụ cột chính gồm: kinh tế, dịch vụ logistics, khung pháp lý và chính sách, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực logistics.
26 tỉnh và thành phố đã được lựa chọn dựa trên sự nổi bật về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), khối lượng hàng hóa luân chuyển và số doanh nghiệp logistics.
Báo cáo được thực hiện với xấp xỉ 2.000 mẫu và phỏng vấn sâu với thời lượng hàng trăm giờ cùng hàng chục cuộc họp cập nhật tiến độ cũng như tham vấn định kỳ với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu.
Hiện, cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, 70% số đó tập trung ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, 90% công ty có vốn dưới 10 tỷ đồng; 1% có mức vốn trên 100 tỷ đồng.
Xe buýt nhỏ một tầng thoáng nóc chính thức hoạt động ở Hà Nội
Ngày 18/11, tuyến City Tour 03 “Thăng Long thắng cảnh” bằng loại hình xe buýt nhỏ một tầng thoáng nóc, sức chứa 20 chỗ ngồi chính thức được khai trương tại Hà Nội. Rất đông người dân và du khách đã trải nghiệm tuyến City Tour 03.
Xe buýt nhỏ 1 tầng thoáng nóc, sức chứa 20 chỗ ngồi. |
Lãnh đạo Công ty CP Xe khách Hà Nội cho biết, Hà Nội đã có 2 tuyến City Tour với sức chứa lớn, không thể đi qua các con phố nhỏ của Thủ đô, trong khi những tuyến phố này có không gian và nhiều danh thắng đẹp.
Do đó, đơn vị nghiên cứu đưa những xe có sức chứa nhỏ để có thể đến được các điểm du lịch của Hà Nội còn chưa được khai thác. Tour này rất linh hoạt khi đưa ra nhiều mức giá vé và khung thời gian trải nghiệm bởi có nhiều du khách muốn xuống tham quan điểm du lịch nào xong thì lại đón xe sau, đáp ứng nhu cầu khám phá của khách.
Lộ trình tuyến buýt đi qua các khu phố cổ và đường ven hồ Tây. Trên lộ trình, du khách có thể tùy thích dừng chân khám phá tại 13 điểm tham quan nổi tiếng gồm: Chợ Đồng Xuân, ga Long Biên, chùa Trấn Quốc, bến thủy phi cơ, đền Võng Thị, chùa Tảo Sách, chùa Kim Liên, Hoàng thành Thăng Long, Lăng Bác, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhà tù Hỏa Lò, Nhà hát Lớn, sau đó chủ động đón chuyến xe kế tiếp để tiếp tục hành trình tham quan của mình.
Tuyến City Tour 03 "Thăng Long thắng cảnh" là tuyến xe buýt không trợ giá. Tuyến City Tour 03 hoạt động từ 9h đến 18h30 với tần suất hoạt động 30 phút/lượt.