Bản tin thời sự sáng 21/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ngày 21/11, cựu Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang hầu toà; giá xăng ngày 21/11 có thể quay đầu giảm; thêm 26 người bị đề nghị truy tố, sau điều tra bổ sung trong vụ án Thuduc House; huyện Đông Anh tổ chức thành công 21 phiên đấu giá đất thu gần 1.800 tỷ đồng…

Ngày 21/11, cựu Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang hầu toà

Cựu Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang cùng 4 nguyên lãnh đạo bộ này và 4 người khác bị cáo buộc thiếu trách nhiệm, lợi dụng chức vụ gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD.

Bị can Dương Huy Liệu (trái) và Cao Minh Quang lúc còn đương chức
Bị can Dương Huy Liệu (trái) và Cao Minh Quang lúc còn đương chức

Ngày 21/11, TAND Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang và 8 bị cáo khác trong vụ thiếu trách nhiệm gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 5 ngày.

Trong số 9 bị cáo của vụ án này, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang; Dương Huy Liệu, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế); Nguyễn Việt Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế); cùng 2 bị cáo khác khác bị VKSND truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Lương Văn Hóa, cựu Tổng giám đốc Công ty Dược Cửu Long; Nguyễn Thanh Tòng, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Dược Cửu Long; và hai cựu cán bộ Công ty Dược Cửu Long bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Luật sư Võ Hồng Hiền (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Tòng, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Dược Cửu Long) cho biết thân chủ của mình đã tử vong do mắc bệnh mãn tính.

Theo cáo trạng, Công ty CP Dược phẩm Cửu Long (Công ty Dược Cửu Long) được Bộ Y tế giao kế hoạch và đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir phòng chống dịch cúm A (H5N1) từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu theo hình thức ký và thực hiện các Hợp đồng kinh tế.

Quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất thuốc, Công ty Dược Cửu Long được giảm giá mua nguyên liệu nhưng với động cơ vụ lợi, Lương Văn Hóa đã lợi dụng, chức vụ quyền hạn chỉ đạo hạch toán trái nguyên tắc kế toán; chỉ đạo lập thư giãn nợ để che giấu việc kiểm tra, thanh tra.

Đồng thời chỉ đạo hợp thức hồ sơ thanh toán che giấu nhằm giữ lại số tiền giảm giá mua nguyên liệu hơn 3,8 triệu USD để sử dụng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Tại cơ quan điều tra, ông Quang khai, bản thân bị cáo đã được Đoàn kiểm tra thông báo về việc Công ty Dược Cửu Long chưa thanh toán số tiền hơn 3,8 triệu USD nhưng đã không chỉ đạo kiểm tra để làm rõ.

Giá xăng ngày 21/11 có thể quay đầu giảm

Sau bốn lần tăng liên tiếp, mỗi lít xăng ngày 21/11 có thể giảm 300 đồng còn dầu hạ 500 đồng.

Sau bốn lần tăng liên tiếp, mỗi lít xăng ngày 21/11 có thể giảm 300 đồng

Sau bốn lần tăng liên tiếp, mỗi lít xăng ngày 21/11 có thể giảm 300 đồng

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17/11 của một thùng xăng RON 92 là 95,2 USD, RON 95 là 101,1 USD, giảm so với chu kỳ trước. Còn giá dầu cũng xuống dưới 127 USD một thùng.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại phía Nam, giá xăng dầu thế giới tuần qua biến động đi xuống nên kỳ điều hành ngày 21/11, giá mặt hàng này sẽ đồng loạt điều chỉnh. Giá xăng có thể giảm 100 - 300 đồng, còn dầu hạ 400 - 500 đồng. Nếu cơ quan quản lý sử dụng và trích Quỹ, giá xăng và dầu sẽ giữ nguyên.

Đồng quan điểm, theo giám đốc một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc, kỳ điều hành tới, cơ quan quản lý có thể giữ nguyên giá xăng dầu nếu trích Quỹ. Nguyên nhân là các doanh nghiệp phân phối vẫn không có lãi, nếu tiếp tục giảm giá, các đơn vị này sẽ rất khó khăn vì thua lỗ kéo dài.

Tại kỳ điều hành ngày 11/11, mỗi lít xăng đắt thêm 840 - 1.110 đồng một lít. Theo đó, giá RON 95-III tăng lên 23.860 đồng một lít; E5 RON 92 là 22.710 đồng một lít.

Thêm 26 người bị đề nghị truy tố, sau điều tra bổ sung trong vụ án Thuduc House

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa đề nghị truy tố 60 bị can trong vụ án liên quan đến Công ty Thuduc House, trong đó có Phó Cục trưởng Cục thuế Nguyễn Thị Bích Hạnh mới bị khởi tố không lâu.

Trụ sở Thuduc House

Trụ sở Thuduc House

Ngày 20/11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) ra kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung vụ án xảy ra ở Thuduc House, Cục Thuế TP.HCM và các đơn vị liên quan.

60 bị can bị đề nghị truy tố về 9 tội danh là: Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nhận hối lộ; Sản xuất, buôn bán hàng giả; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng...Trong số 60 bị can, có 17 người là lãnh đạo, cán bộ của Cục thuế TP.HCM.

Trước đó, ngày 24/8, C03 đã ra kết luận đề nghị truy tố 34 bị can. Tuy nhiên, đến đầu tháng 10, Viện KSND Tối cao đã trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung. Sau đó, C03 đã khởi tố thêm 26 người, trong đó có bị can Nguyễn Thị Bích Hạnh.

Theo kết luận điều tra, từ năm 2017 - 2019, Trịnh Tiến Dũng (đã bỏ trốn) điều hành nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để lập hồ sơ mua bán lòng vòng, xuất nhập khẩu hàng hóa linh kiện điện tử.

Sau khi làm thủ tục xuất khẩu linh kiện điện tử đi Mỹ, Campuchia, UAE, Singapore, thông qua các đầu mối trung gian, Dũng cho tổ chức lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Theo kế hoạch vạch ra, từ tháng 2/2018 - 6/2019, Dũng chỉ đạo cấp dưới móc nối với cán bộ, lãnh đạo Công ty Nhà Thủ Đức (Thuduc House) để lập, ký 334 hợp đồng kinh tế với 8 công ty nước ngoài. Tổng giá trị các lô hàng xuất khẩu là hơn 158 triệu USD (hơn 3.600 tỷ đồng), thuế GTGT hàng xuất khẩu bằng 0%.

Để hợp thức đầu vào, Thuduc House đã lập, ký 334 hợp đồng mua bán linh kiện điện tử trong nước với nhiều công ty với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng. Thuduc House sau đó lập 17 bộ hồ sơ gửi Cục Thuế TP.HCM đề nghị hoàn thuế GTGT hơn 365 tỷ đồng.

Huyện Đông Anh tổ chức thành công 21 phiên đấu giá đất thu gần 1.800 tỷ đồng

Năm nay, huyện Đông Anh (Hà Nội) tổ chức thành công 21 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, thu về cho ngân sách Nhà nước của huyện gần 1.800 tỷ đồng.

Nhiều lô đất đấu giá ở huyện Đông Anh có giá trúng cao hơn 100 triệu đồng/m2. Ảnh minh họa

Nhiều lô đất đấu giá ở huyện Đông Anh có giá trúng cao hơn 100 triệu đồng/m2. Ảnh minh họa

Theo UBND huyện Đông Anh, tính đến giữa tháng 11 năm nay, địa phương này đã tổ chức thành công 21 phiên đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 36.401 m2 (tương ứng 324 thửa), thu về cho ngân sách Nhà nước của huyện gần 1.800 tỷ đồng.

Với kết quả này, Đông Anh đang là địa phương dẫn đầu TP. Hà Nội về số thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất.

Đáng chú ý, gần đây nhất, ngày 19/11, UBND huyện Đông Anh tổ chức đấu giá chức đấu giá thành công ô "đất vàng" ký hiệu X7 Uy Nỗ, được chia thành 27 thửa đất có diện tích từ hơn 100 m2 đến hơn 200 m2, thu về hơn 400 tỷ đồng cho ngân sách. Mức trúng đấu giá cao nhất là hơn 168 triệu đồng/m2, còn giá trúng bình quân là 120 triệu đồng/m2.

Ô đất X7 trên có vị trí nằm ngay trung tâm hành chính của huyện Đông Anh đã và đang được huyện đầu tư hoàn thiện các hạ tầng xã hội theo quy hoạch, hướng tới việc chuyển từ huyện thành quận vào năm 2023.

Trước đó, cũng tại huyện Đông Anh, khu đất X2 thôn Mai Châu, xã Đại Mạch được đưa ra đấu giá với tổng diện tích là 390 m2. Giá khởi điểm từ 47 - 53,8 triệu đồng/m2. Theo đó, thửa đất trúng đấu giá cao nhất với giá 106,9 triệu đồng/m2. Thửa đất có giá trúng thấp nhất là 97,4 triệu đồng/m2.

Tương tự, sáng 23/7, huyện Đông Anh tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại điểm X4 thôn Đoài, xã Kim Nỗ với 18 thửa đất với diện tích 1.438,1m2. Giá khởi điểm thấp nhất từ 40,8 triệu đồng/m2, cao nhất là 55,1 triệu đồng/m2 tùy theo diện tích và vị trí. Kết quả có 18 khách hàng trúng đấu giá, với giá trúng đấu giá cao nhất là 105,2 triệu đồng/m2, giá trúng đấu giá thấp nhất là 46,8 triệu đồng/m2. Sau đấu giá, tổng số tiền thu về gần 100 tỷ đồng.

Công ty tài chính nước ngoài ở TP.HCM vu khống người vay tiền

Giám đốc Công an TP.HCM chỉ đạo cảnh sát cơ động, hình sự... bao vây Công ty Tài chính Mirae Asset do có hàng chục nhân viên chuyên khủng bố tinh thần, vu khống người vay.

Cảnh sát tìm bằng chứng phạm tội tại Công ty Tài chính Mirae Asset

Cảnh sát tìm bằng chứng phạm tội tại Công ty Tài chính Mirae Asset

Theo Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, Công an Thành phố đã bắt tạm giam 13 người thuộc Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (trụ sở tại Quận 1) để điều tra về hành vi Vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Công an TP.HCM tổng tấn công trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Trước đó, cơ quan điều tra phát hiện một số công ty thu hồi nợ sử dụng phương thức gọi điện đe dọa, chửi bới người chậm trả tiền vay; dùng mạng xã hội khủng bố tinh thần bằng cách cắt ghép hình ảnh, vu khống để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của các tổ chức, cá nhân...

Sau thời gian điều tra, hôm 4/11, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, chỉ đạo hàng chục cảnh sát thuộc các đơn vị nghiệp vụ bao vây, kiểm tra Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset ở Quận 1; và văn phòng thu hồi nợ của doanh nghiệp này tại lầu 4 cao ốc H3 trên đường Hoàng Diệu, Quận 4.

Công ty này do một người Hàn Quốc làm Tổng giám đốc, được cấp phép hoạt động "cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng". Khách hàng vay phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký kết hợp đồng vay với công ty; lãi suất từ 4,58%/tháng (tương đương 55%/năm) dưới hình thức trả góp hàng tháng.

Theo Đại tá Trần Văn Hiếu, hoạt động cho vay của Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset là hợp pháp, song thủ đoạn đòi nợ thì vi phạm pháp luật. Hành vi của nhân viên công ty này khác với các băng nhóm tín dụng đen truyền thống (đến nhà, gọi điện đe doạ hay gây áp lực) ở chỗ khủng bố tinh thần nhằm mục đích bôi nhọ nhân phẩm, xúc phạm người vay và người thân của họ. Nhân viên đòi nợ thành công sẽ được hưởng lợi 30% số tiền nợ.

Sân vận động mới khánh thành tại Quảng Nam đã hư hỏng

Sân vận động huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) được đầu tư 15 tỷ đồng, khánh thành tháng 7, nay đã không thể sử dụng do sạt lở, đất vùi lấp nhiều hạng mục.

Bờ kè sân vận động bị sạt lở, bùn đất tràn xuống

Bờ kè sân vận động bị sạt lở, bùn đất tràn xuống

Ông A Vô Tô Phương, Chủ tịch huyện Đông Giang cho biết, Khu liên hợp thể dục thể thao có tổng kinh phí đầu tư 43 tỷ đồng, chia làm nhiều giai đoạn, riêng sân vận động là hạng mục nằm trong giai đoạn 2 của Dự án.

Sân vận động nằm trong Khu liên hợp thể dục thể thao huyện Đông Giang, theo kế hoạch được đầu tư xây dựng từ năm 2017 - 2018, nhưng do chậm tiến độ nên đến tháng 7/2022 mới khánh thành. Công trình nằm trên diện tích 3,5 ha, gồm các hạng mục sân bóng đá, khán đài, mương thoát nước, đường chạy...

Từ khi hoàn thành, sân vận động được sử dụng tổ chức Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2022 rồi hư hỏng, bỏ hoang. Do mưa lũ, quả đồi phía sau khán đài sạt lở, hàng nghìn mét khối đất tràn xuống vùi lấp một phần sân, đường chạy và khuôn viên xung quanh, nơi sâu nhất gần một mét. Kè taluy, đường mương thoát nước quanh sân bóng bị đất bịt kín. Nhà vệ sinh bị bùn đất tràn vào không thể sử dụng, một số trụ móng bị trơ ra do xói lở.

Thu giữ hàng nghìn giày dép, quần áo giả mạo tại An Đông Plaza

Tuần qua, quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra tại chợ An Đông và các cửa hàng thu giữ hàng nghìn sản phẩm giày dép, đồng hồ giả thương hiệu bảo hộ tại Việt Nam.

Dép giả nhãn hiệu GUCCI bán tại Trung tâm thương mại An Đông

Dép giả nhãn hiệu GUCCI bán tại Trung tâm thương mại An Đông

Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường TP.HCM) vừa kiểm tra các sạp kinh doanh ở Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông tại Phường 9, Quận 5.

Nhà chức trách phát hiện 2.360 đơn vị sản phẩm là túi xách, dây nịt mỹ phẩm,... không có hóa đơn chứng từ để chứng minh nguồn gốc hàng hóa, có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Hermes, Louis Vuitton, Burberry, Gucci, Versace,...

Cũng tại trung tâm này, Đội Quản lý thị trường số 3 đã kiểm tra thu giữ 713 đơn vị sản phẩm là giày, dép, quần, áo không có hóa đơn chứng từ, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng, với tổng trị giá theo giá niêm yết gần 84 triệu đồng.

Trước đó, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra hàng loạt cửa hàng trên đường Ba Tháng Hai, Phường 6 (Quận 11) phát hiện 1.213 chiếc đồng hồ đeo tay các loại, trị giá hơn 92 triệu đồng không hóa đơn chứng từ.

Toàn bộ các sản phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có phụ đề bằng tiếng Việt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam là thương hiệu: Rolex, Chanel...

Hiện, Cục quản lý thị trường TP.HCM đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm theo quy định để tiếp tục xác minh, làm rõ.