Bản tin thời sự sáng 2/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc có thể được nới 'room' ngoại lên 49%; giám sát chi trả lương, thưởng Tết 2023; Việt Nam xuất siêu gần 11 tỷ USD sau 11 tháng; giá xăng, dầu giảm hơn 1.000 đồng mỗi lít; Hải Phòng tổ chức đấu giá Vịnh trung tâm Cát Bà làm dự án du lịch, thương mại…

Ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc có thể được nới 'room' ngoại lên 49%

Những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém có thể được nới tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư ngoại từ 30% lên 49%.

Đây là một trong những nội dung mới của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng trong nước, đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến.

Theo đó, mức room ngoại tối đa của những nhà băng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém sẽ do Chính phủ quyết định. Tỷ lệ này được phép vượt quá mức room ngoại tối đa 30% tại các ngân hàng (theo quy định hiện hành), nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của nhà băng nhận chuyển giao bắt buộc.

Động thái này được xem là cơ chế ưu đãi với những nhà băng sắp tới tham gia vào nhiệm vụ nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém (hiện có 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu gồm DongABank, CB, Oceanbank và GPBank).

Đến nay, Vietcombank, MB, HDBank, VPBank là những đơn vị đã tiết lộ ý định hoặc kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc. Tại mùa đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 4 năm nay, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, nhà băng này dự kiến nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Lãnh đạo Ngân hàng Quân đội cũng cho biết dự kiến nhận chuyển giao một "ngân hàng 0 đồng" với quy mô tài sản dưới 10% tổng tài sản của MB và lỗ luỹ kế không quá 20.000 tỷ đồng.

Tại HDBank, cổ đông nhà băng này cũng đã thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc. Tổng giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh cho hay, HDBank là một trong số ít tổ chức tín dụng được trao quyền lựa chọn tham gia nhiệm vụ và nhà băng đã chuẩn bị cho trọng trách này.

Việt Nam xuất siêu gần 11 tỷ USD sau 11 tháng

Tháng 11, Việt Nam tiếp tục xuất siêu gần 0,8 tỷ USD, giúp thặng dư 10,6 tỷ USD sau 11 tháng.

Việt Nam xuất siêu gần 11 tỷ USD sau 11 tháng

Việt Nam xuất siêu gần 11 tỷ USD sau 11 tháng

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hoá trong tháng 11 có dấu hiệu chững lại so với tháng trước, khi giảm gần 4% về kim ngạch, đạt xấp xỉ 29,2 tỷ USD. Mức này giảm tới hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nhờ các tháng đầu và giữa năm xuất khẩu cao nên tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 342,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2021.

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu, chiếm tới 89%, tương đương năm ngoái. Nông, lâm, thuỷ sản chiếm 6,6% trong tổng kim ngạch, giảm 0,5 điểm phần trăm so với 2021.

35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm gần 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tăng gần 2% trong tháng 11 với 28,4 tỷ USD. Doanh nghiệp khu vực có vốn nước ngoài chiếm hơn 64% kim ngạch nhập khẩu, với 18,2 tỷ USD; còn lại là doanh nghiệp trong nước (10,2 tỷ USD). Luỹ kế 11 tháng, Việt Nam nhập khẩu trên 331,6 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2021.

Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 673,8 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam xuất siêu 10,6 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước con số này chỉ 0,6 tỷ USD.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 101,5 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với gần 110 tỷ USD.

Giá xăng, dầu giảm hơn 1.000 đồng mỗi lít

Trừ dầu mazut có mức giảm 830 đồng một kg, các mặt hàng xăng, dầu khác đều hạ trên 1.000 đồng một lít từ 15h ngày 1/12.

Nhân viên cây xăng Petrolimex điều chỉnh giá xăng E5 Ron 92

Nhân viên cây xăng Petrolimex điều chỉnh giá xăng E5 Ron 92

Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ chiều 1/12, giá xăng RON 95-III giảm 1.080 đồng, về 22.700 đồng một lít; E5 RON 92 là 21.670 đồng một lít, tương đương hạ 1.000 đồng.

Các mặt hàng dầu cũng giảm. Dầu diesel giảm nhiều nhất (1.590 đồng) về 23.210 đồng một lít; dầu hoả có mức giá mới là 23.560 đồng, hạ 1.080 đồng. Còn dầu mazut cũng giảm về còn 13.950 đồng, thấp hơn 830 đồng so với cách đây 10 ngày.

Giảm giá sâu nhưng mỗi lít dầu diesel vẫn cao hơn giá xăng RON 95-III là 510 đồng một lít.

Cùng với điều chỉnh giá, nhà điều hành tăng mức trích lập mỗi lít xăng thêm 50 - 200 đồng một lít. Cụ thể, RON 95-III tăng mức trích lên 400 đồng một lít, E5 RON 92 lên 300 đồng một lít.

Sau nhiều kỳ duy trì mức trích với dầu diesel và dầu hoả ở mức 0 đồng, tại kỳ điều hành 1/12 nhà chức trách đã trích lập Quỹ trở lại, lần lượt 700 và 300 đồng một lít. Dầu mazut có mức trích quỹ là 500 đồng một kg, tăng 200 đồng so với kỳ điều hành ngày 21/11. Mức chi quỹ tiếp tục duy trì 0 đồng một lít/kg với các mặt hàng xăng, dầu.

Giám sát chi trả lương, thưởng Tết 2023

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) yêu cầu các Sở LĐ-TB&XH trên cả nước thực hiện chính sách tiền lương và thưởng Tết cho người lao động và báo cáo trước ngày 25/12.

Năm 2022, mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất cả nước là 1,43 tỷ đồng thuộc về doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin ở Đà Nẵng. Ảnh minh họa.

Năm 2022, mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất cả nước là 1,43 tỷ đồng thuộc về doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin ở Đà Nẵng. Ảnh minh họa.

Bộ LĐ-TB&XH cũng giao lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các đơn vị liên quan, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu các sở có hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với người lao động. Chẳng hạn như tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động theo quy định.

Qua công tác rà soát, các đơn vị có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển thị trường lao động. Cùng với đó, tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp; có biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, giảm thiểu các tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn.

Bộ cũng yêu cầu các tỉnh cần khảo sát, nắm tình hình thực hiện quy định về lương tối thiểu, trả lương, tiền thưởng, nợ lương và kế hoạch thưởng Tết theo kết quả sản xuất, kinh doanh cho người lao động ở các doanh nghiệp… trước ngày 25/12.

Năm 2022, tại TP.HCM, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 1,3 tỷ đồng/người, thuộc một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 471 triệu đồng/người, cũng thuộc doanh nghiệp FDI. Năm 2022, mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất cả nước là 1,43 tỷ đồng thuộc về doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin ở Đà Nẵng.

Hải Phòng tổ chức đấu giá Vịnh trung tâm Cát Bà làm dự án du lịch, thương mại

Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên Môi trường TP. Hải Phòng vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuê và đấu giá tài sản công gắn liền với đất thực hiện Dự án khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà – tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải (TP. Hải Phòng).

TP. Hải Phòng lên phương án đấu giá gần 50 ha đất vịnh trung tâm Cát Bà để phát triển du lịch, thương mại.

TP. Hải Phòng lên phương án đấu giá gần 50 ha đất vịnh trung tâm Cát Bà để phát triển du lịch, thương mại.

Theo đó, giá khởi điểm toàn bộ đất và tài sản công gắn liền với đất để thực Dự án là hơn 2.125 tỷ đồng (2.125.618.591.628 đồng).

Trong đó, giá khởi điểm quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hằng năm là hơn 9,3 tỷ đồng (9.372.840.829 đồng); giá khởi điểm quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất trả một lần cho cả thời gian thuê đất là hơn 2.092 tỷ đồng (2.092.407.118.799 đồng). Giá khởi điểm tài sản gắn liền với đất là hơn 23 tỷ đồng (23.838.632.000 đồng).

Theo thông báo của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Hải Phòng, tổ chức đủ điều kiện tham gia đấu giá phải đặt cọc số tiền tương đương 20% tổng giá trị cả dự án, khoảng 425 tỷ đồng. Dự kiến buổi đấu giá được tổ chức vào cuối tháng 12/2022.

Dự án khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà có tổng diện tích 499.945 m2 (xấp xỉ 50 ha) tại thị trấn Cát Bà. Dự kiến, Dự án có các phân khu chính như khu thương mại, dịch vụ; quảng trường, công viên cây xanh. Dự án xây dựng gồm các căn Shophouse, căn hộ nghỉ dưỡng, nhà hàng ven biển, công trình thương mại dịch vụ; ki-ốt bán hàng; khách sạn cao tầng, có thể phục vụ cho khoảng 6.500 khách lưu trú.

Dự án khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà được xác định là dự án lớn trong thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại quần đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng.

TP.HCM tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trở lại

Các kỳ kiểm tra năng lực tiếng Anh quốc tế sẽ được Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức trở lại từ ngày 5/11 sau một thời gian tạm hoãn.

Thí sinh tham dự kỳ thi IELTS tại Việt Nam

Thí sinh tham dự kỳ thi IELTS tại Việt Nam

Chiều 1/12, Sở GD&ĐT TP.HCM có thông báo về việc tiếp tục tổ chức kỳ kiểm tra năng lực tiếng Anh quốc tế.

Trong thông báo, bà Đặng Thị Thụy Ái, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ -Tin học (Sở GD&ĐT TP.HCM) cho biết các kỳ kiểm tra năng lực tiếng Anh quốc tế cho học sinh được tổ chức trở lại bao gồm các kỳ thi tiếng Anh Cambrige (Starters; Movers, Flyers); tiếng Anh TOEFL (Primary); tiếng Anh Pearson (PTE Young Learners). Việc tổ chức trở lại bắt đầu từ ngày 5/12, học sinh sẽ thi theo lịch mới.

Trước đó, vào ngày 10/9, TP.HCM chính thức tạm hoãn tạm tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ để hoàn tất hồ sơ theo quy định của Thông tư số 11 của Bộ GD&ĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.

Sau Sở GD&ĐT TP.HCM, hàng loạt các đơn vị cũng phải tạm dừng tổ chức thi các chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài, đặc biệt là chứng chỉ LTS dẫn đến sự hoang mang của nhiều học sinh, sinh viên. Các đơn vị tổ chức thi chứng chỉ cũng đã và đang lần lượt tổ chức trở lại các kỳ thi khi được Bộ GD&ĐT phê duyệt hồ sơ.

Đề xuất tăng vốn bảo trì đường bộ năm 2023 lên gần 12.000 tỷ đồng

Năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải kế hoạch bảo trì với kinh phí 11.829 tỷ đồng, cao hơn mức gần 10.500 tỷ đồng được giao năm nay...

Đến ngày 15/11, vốn bảo trì đường bộ đã giải ngân 8.102 tỷ đồng, đạt 77%. Vốn bảo trì hàng năm mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế.

Đến ngày 15/11, vốn bảo trì đường bộ đã giải ngân 8.102 tỷ đồng, đạt 77%. Vốn bảo trì hàng năm mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế.

Báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam tại hội nghị giao ban kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 11 triển khai nhiệm vụ tháng 12 cho thấy nhiều nhiệm vụ đang trên tiến độ về đích.

Về kế hoạch bảo trì đường bộ 2022, đến ngày 15/11, giá trị đã nghiệm thu hoàn thành là 9.031 tỷ đồng, đạt 86%; kinh phí đã giải ngân là 8.102 tỷ đồng, đạt 77%.

Cục đã thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh tiến độ công trình các dự án sửa chữa định kỳ; chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án sửa chữa định kỳ năm 2022, tăng cường công tác quản lý chất lượng, tiến độ đảm bảo tiến độ giải ngân theo kế hoạch, phấn đấu đến 31/12/2022 hoàn thành 100% giải ngân vốn bảo trì.

Cục Đường bộ cho biết đã xây dựng kế hoạch bảo trì năm 2023 và trình Bộ Giao thông vận tải với kinh phí 11.829 tỷ đồng.

Đồng thời, "trình và quyết liệt theo sát Bộ Giao thông vận tải để hoàn thành phê duyệt bổ sung kế hoạch bảo trì năm 2023, giao dự toán chi năm 2023; hoàn thành rà soát, đề xuất công trình bổ sung năm 2023 để sử dụng hiệu quả nguồn vốn bảo trì", Cục Đường bộ cho hay.

1000 xe đạp phục vụ thí điểm xe đạp công cộng ở 6 quận nội thành Hà Nội

UBND TP. Hà Nội chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải (GTVT) về thí điểm xe đạp công cộng ở 6 quận trên địa bàn. Thời gian thí điểm trong vòng 12 tháng.

Dịch vụ xe đạp công cộng sắp được triển khai ở Hà Nội. Ảnh minh họa

Dịch vụ xe đạp công cộng sắp được triển khai ở Hà Nội. Ảnh minh họa

UBND TP. Hà Nội vừa thống nhất về chủ trương triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn Thành phố theo đề xuất của Sở GTVT.

Thời gian thí điểm 12 tháng khi đảm bảo điều kiện về mặt bằng, phương tiện và các quy định có liên quan.

UBND Thành phố giao Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Công an Thành phố, UBND các quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và các đơn vị có liên quan triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị nêu trên.

Cùng đó, điều chỉnh linh hoạt số lượng xe, phạm vi phù hợp với tình hình thực tế, không trùng lặp tuyến và mô hình thí điểm xe điện 2 bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng tuyến BRT đang triển khai theo đề xuất của Trường Đại học Công nghệ GTVT.

Các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân cùng với Sở GTVT và các cơ quan liên quan hướng dẫn đơn vị triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị đảm bảo các điều kiện về mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật có liên quan để tổ chức thực hiện trước ngày 15/12 tới.

Trước đó, Sở GTVT đề xuất UBND Thành phố cho phép Công ty CP Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn một số quận nội thành với thời gian thí điểm 12 tháng.

Theo đó, Trí Nam sẽ cung cấp 1.000 xe đạp (50% là xe đạp điện) với 94 vị trí đặt xe, tổng vốn đầu tư là khoảng hơn 30 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng xin miễn phí vỉa hè và có thu phí dịch vụ trong 12 tháng.

6 quận thí điểm giai đoạn 1 gồm: Ba Đình dự kiến có 340 xe, Tây Hồ 240 xe, Đống Đa 100 xe, Hoàn Kiếm 280 xe, còn lại là Thanh Xuân và Hai Bà Trưng.

200 xe chở khách miễn phí ra vào bến Miền Đông mới

Hai trăm ô tô trung chuyển được bố trí chở khách miễn phí ra vào bến Miền Đông mới, TP. Thủ Đức (TP.HCM), giúp người dân đi lại thuận tiện, sáng 1/12.

Khách lên xe trung chuyển ở bến xe Miền Đông mới

Khách lên xe trung chuyển ở bến xe Miền Đông mới

Những ô tô này loại 7 - 29 chỗ, thuộc Công ty CP Xe khách Phương Trang - FutaBuslines. Xe đưa đón khách với giá 0 đồng từ các quận, huyện trên địa bàn (trừ Cần Giờ) đến bến Miền Đông mới và ngược lại, cho tất cả tuyến cố định đăng ký tại bến. Các xe đưa đón giúp khách dễ ra vào bến Miền Đông mới, bởi địa điểm này bị cho xa nội thành, giao thông kết nối chưa thuận lợi.

Ông Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang - Futabuslines cho biết, các ô tô trung chuyển sẽ chở khách miễn phí từ 4h đến 24h mỗi ngày, từ nay đến tháng 6/2023. Trung bình khoảng 15 phút sẽ có một chuyến, căn cứ vào lưu lượng khách đơn vị sẽ điều chỉnh tần suất đưa đón phù hợp. Hành khách khi mua vé có thể đăng ký với hãng hoặc bến để được phục vụ trung chuyển.

Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm. Tuy nhiên, suốt hai năm bến ế khách vì khá xa trung tâm và thiếu xe kết nối, dù TP.HCM triển khai nhiều tuyến xe buýt đến bến nhưng khách vẫn vắng vì chưa thuận tiện. Từ ngày 11/10, Thành phố chuyển 79 tuyến với khoảng 1.600 xe từ bến cũ về bến xe Miền Đông mới, tuy nhiên lượng khách vẫn chưa như kỳ vọng vì nhiều nhà xe rời qua bến khác hoặc ra ngoài chạy "dù".

Liên doanh 400 tỷ đồng giữa Vinamilk và Kido tan rã

Vibev, công ty sản xuất kem và đồ uống không cồn do Vinamilk nắm 51% còn Kido nắm 49%, thông báo giải thể sau hơn hai năm thành lập.

Sữa đậu xanh tươi - sản phẩm của liên doanh Vinamilk và Kido

Sữa đậu xanh tươi - sản phẩm của liên doanh Vinamilk và Kido

Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty CP Tập đoàn Kido chiều 1/12 cùng thông báo dừng hoạt động và giải thể Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev.

Vinamilk cho biết chấm dứt liên doanh vì "một số thay đổi trong định hướng phát triển" của cả hai. Cũng thông báo với lý do tương tự, nhưng phía Kido bổ sung thêm quyết định này còn đến từ ảnh hưởng của những biến động khó đoán của thị trường trong nước và kinh tế thế giới.

Vibev đăng ký thành lập tháng 3/2021 dù kế hoạch liên doanh được hai bên công ty trước đó nửa năm. Công ty ban đầu có vốn 400 tỷ đồng, trong đó Vinamilk góp 204 tỷ và nắm quyền chi phối, còn Kido góp 196 tỷ đồng.

Sau nhiều lần trì hoãn vì dịch bệnh, Vibev ra mắt sản phẩm đầu tiên tháng 11/2021 với nhiều tham vọng như giữ vị trí số một về thị phần trong ngành nước tươi và đạt sản lượng 150 triệu chai một năm (tương đương doanh số 2.000 tỷ đồng) sau 5 năm vận hành.

Tin cùng chuyên mục