Bản tin thời sự sáng 22/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khoảng 12.000 khán giả được vào sân Mỹ Đình khi đội tuyển Việt Nam tiếp Nhật Bản và Saudi Arabia; Việt Nam công nhận hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ; đề nghị huỷ kết quả đấu giá “mỏ cát 2.800 tỷ đồng”; Bộ Tài chính ứng quỹ trả nợ vay cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông; giám đốc công ty xăng dầu lớn nhất Vũng Tàu bị bắt do liên quan đường dây sản xuất 200 triệu lít xăng giả…

Khoảng 12.000 khán giả được vào sân Mỹ Đình khi đội tuyển Việt Nam tiếp Nhật Bản và Saudi Arabia

Chiều 21/10, UBND TP. Hà Nội chấp thuận phương án đón 30% cổ động viên (CĐV) vào sân Mỹ Đình, khi đội tuyển Việt Nam tiếp Nhật Bản và Saudi Arabia tại Vòng loại World Cup 2022.

Thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ được tiếp lửa từ khán đài sân Mỹ Đình trong 2 trận đấu ở Vòng loại World Cup 2022

Thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ được tiếp lửa từ khán đài sân Mỹ Đình trong 2 trận đấu ở Vòng loại World Cup 2022

Văn bản chấp thuận đã được UBND TP. Hà Nội gửi cho Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Theo đó, khoảng 12.000 người - so với sức chứa hơn 40.000 chỗ - sẽ được vào sân mỗi trận. Khán giả phải hoàn thành việc tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 trước trận đấu 14 ngày, hoặc khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng, đồng thời phải có chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 tiếng. Trong sân, CĐV cũng phải tuân thủ quy định 5K, như ngồi giãn cách, đeo khẩu trang...

Trước đó, VFF gửi công văn hoả tốc, đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia... với hy vọng sẽ có những chuyển biến để CĐV được vào sân cổ vũ tinh thần cho thầy trò HLV Park Hang-seo.

Theo dự kiến của VFF, giá vé 2 trận đấu sắp tới sẽ không cao, do khán giả đã tốn tiền xét nghiệm Covid-19 khi đến sân.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup. Đội tuyển Việt Nam sẽ tiếp Nhật Bản ngày 11/11 và Saudi Arabia ngày 16/11.

Việt Nam công nhận hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ

Việt Nam đang công nhận hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời trao đổi với gần 80 đối tác khác về vấn đề này.

Việt Nam công nhận hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ

Việt Nam công nhận hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng, còn gọi là hộ chiếu vaccine, của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được đại diện các bên giới thiệu đến Bộ Ngoại giao.

Bà Hằng cho biết thêm, Bộ Ngoại giao đang cùng lúc trao đổi với gần 80 đối tác về công nhận giấy chứng nhận vaccine của nhau. Giấy chứng nhận tiêm vaccine của Việt Nam cũng đã được một số nước công nhận và có thể dùng để nhập cảnh vào những quốc gia này.

Nhiều quốc gia đã áp dụng hộ chiếu vaccine để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường mới.

Trước đó, vào tháng 9, sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) đã đón loạt chuyến bay áp dụng thí điểm chính sách hộ chiếu vaccine, chở hàng trăm người Việt từ Mỹ, Pháp và Nhật Bản về nước. Hành khách nhập cảnh đều được tiêm đủ liều vaccine Covid-19, sức khỏe tốt, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 72h, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn. Người có hộ chiếu vaccine sau khi nhập cảnh vẫn phải cách ly y tế tập trung 7 ngày.

Đề nghị huỷ kết quả đấu giá “mỏ cát 2.800 tỷ đồng”

Công ty T-S. Home, đơn vị trúng đấu giá mỏ cát gần 2,4 triệu m3 trên sông Tiền, tại huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) không đồng ý nộp tiền theo quy định và xin nhận lại 1,4 tỷ đồng tiền cọc.

Khu vực sông Tiền, tại huyện Chợ Mới, có mỏ cát được đấu giá

Khu vực sông Tiền, tại huyện Chợ Mới, có mỏ cát được đấu giá

Ngày 21/10, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí xác nhận đã có văn bản đề nghị UBND Tỉnh huỷ kết quả đấu giá mỏ cát diện tích 60 ha, ở xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới gần 7 tháng trước.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, ngoài việc chứng minh khả năng, theo quy định để được cấp phép khai thác trong 12 năm (mỗi năm lấy 200.000 m3), đơn vị trúng đấu giá phải nộp hơn 140 tỷ đồng trước khi được UBND Tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Với số tiền còn lại, Công ty sẽ nộp trong 4 năm, mỗi năm phải nộp số tiền tạm tính là hơn 667 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phía Công ty lại đề xuất cho nộp tiền trúng đấu giá lần đầu là 50 tỷ đồng trước khi cấp phép khai thác và số tiền hơn 90 tỷ đồng sẽ được nộp trong năm khai thác đầu tiên.

Trong trường hợp UBND Tỉnh không chấp thuận đề xuất này, Công ty T-S.Home xin nhận lại 1,4 tỷ đồng tiền cọc và đồng ý trả chi phí buổi đấu giá là 300 triệu đồng. Mỏ cát sẽ được đấu giá lại sau khi kết quả bị huỷ.

Trước đó, ngày 26/3, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang tổ chức đấu giá mỏ cát này với 19 doanh nghiệp tham dự, giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng. Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T-S.Home giành quyền khai thác với số tiền đấu giá hơn 2.800 tỷ đồng, gấp 390 lần giá khởi điểm. Một công ty khác cũng ở TP.HCM trả 2.744 tỷ đồng, thấp liền kề.

Bộ Tài chính ứng quỹ trả nợ vay cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm bàn giao cho TP. Hà Nội nên đến kỳ trả gốc khoản vay, Bộ Tài chính đã ứng quỹ tích luỹ để trả nợ trước.

Bộ Tài chính ứng quỹ trả nợ vay cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Bộ Tài chính ứng quỹ trả nợ vay cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Nội dung này được nêu trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.

Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông gặp nhiều vướng mắc trong triển khai xây dựng, hiện vẫn trong quá trình nghiệm thu. Báo cáo của Chính phủ cũng chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể "chốt" ngày vận hành chính thức của tuyến đường sắt đô thị này.

Theo báo cáo, để Dự án được vận hành sau khi bàn giao về TP. Hà Nội, tổng thầu EPC phải đưa các chuyên gia kỹ thuật của nhà sản xuất, nhà cung cấp sang bảo hành, bảo trì thiết bị và mua sắm các vật tư dự phòng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 phức tạp nên kéo dài thời gian huy động nhân sự của tổng thầu.

Mặt khác, do Dự án chậm hoàn thành bàn giao cho UBND TP. Hà Nội nên Thành phố chưa tiếp nhận, trả nợ gốc khoản vay lại theo cơ chế tài chính đã được phê duyệt.

Vừa qua, đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại của các hiệp định vay, Bộ Tài chính đã ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các hiệp định vay đã ký.

Theo báo cáo của Chính phủ, Dự án đã ký 3 hiệp định với tổng vốn vay gần 670 triệu USD. Đến tháng 10, Dự án đã giải ngân 84,2%, với 731,25 triệu USD. Số tiền còn lại chưa giải ngân cho tổng thầu hơn 89,9 triệu USD, đã gồm 31,69 triệu USD chi phí 5% giữ lại.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km gồm 12 ga và một khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ đồng.

Giám đốc công ty xăng dầu lớn nhất Vũng Tàu bị bắt do liên quan đường dây sản xuất 200 triệu lít xăng giả

Bà Mai Thị Dần, Giám đốc Công ty Hà Lộc bị bắt tạm giam với cáo buộc liên quan đến đường dây sản xuất 200 triệu lít xăng giả.

Bà Dần bị cảnh sát áp giải, di lý về Đồng Nai để điều tra

Bà Dần bị cảnh sát áp giải, di lý về Đồng Nai để điều tra

Sáng 21/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phong tỏa, khám xét Công ty TNHH Hà Lộc (Công ty Hà Lộc) ở đường 30/4, TP. Vũng Tàu.

Động thái này nằm trong quá trình mở rộng điều tra đường dây sản xuất 200 triệu lít xăng giả ở Đồng Nai và nhiều tỉnh thành, được Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và một số lực lượng của Bộ Công an thực hiện.

Công ty Hà Lộc được xem là một trong những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có quy mô lớn ở Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực phía nam với hàng chục cửa hàng xăng dầu, cảng biển. Công ty này còn kinh doanh nhiên liệu khí lỏng, rắn và các ngành nghề khác.

Chiều 21/10, bà Mai Thị Dần - Giám đốc Công ty Hà Lộc bị VKSND Đồng Nai phê chuẩn lệnh bắt tạm giam để điều tra hành vi Buôn lậu theo Điều 188 Bộ luật Hình sự.

Ngoài bà Dần, Công an Đồng Nai cũng mời làm việc một số người liên quan để làm rõ hành vi buôn lậu của bà Dần. Trong đó, có ông Nguyễn Đức Chuyên (chồng bà Dần) và kế toán Công ty.

Trước đó, quá trình điều tra, Công an Đồng Nai đã khởi tố hơn 70 bị can liên quan chuyên án 920G. Qua khám xét các cây xăng, kho hàng tại Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM vào tối 6/2, cơ quan điều tra thu giữ 2 tàu biển có tải trọng 1.500 tấn, 5 sà lan có tải trọng từ 400 - 1.000 tấn, 6 xe bồn, gần 2,7 triệu lít xăng, 4 thùng hóa chất để tạo màu, 120 tỷ đồng...

Theo cơ quan điều tra, đường dây này cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả ra thị trường mỗi ngày. Từ tháng 8/2020 đến khi bị phát hiện, 200 triệu lít xăng giả đã được nhóm nghi phạm cung cấp ra thị trường...

Kiên Giang khởi động đón khách du lịch nội địa từ ngày 1/11

Bắt đầu từ ngày 1/11, Kiên Giang chính thức mở cửa đón khách du lịch nội địa đến tham quan, nghỉ dưỡng tại 4 huyện, thành phố gồm TP. Phú Quốc, Hà Tiên, Rạch Giá và huyện đảo Kiên Hải.

Kiên Giang khởi động đón khách du lịch nội địa từ ngày 1/11

Kiên Giang khởi động đón khách du lịch nội địa từ ngày 1/11

Để đảm bảo an toàn trong giai đoạn thí điểm từ 1 - 30/11, Kiên Giang chọn các thị trường khách du lịch trong nước đảm bảo tiêu chí “an toàn” trên cơ sở xác định mức độ nguy cơ theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành. Trong đó, các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là thị trường trọng tâm; miền Trung, Tây Nguyên và TP.HCM là các thị trường mục tiêu.

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái, Kiên Giang triển khai thí điểm đón khách nội tỉnh, khách ngoại tỉnh từ các địa phương có cấp độ dịch ở mức nguy cơ thấp (cấp 1) và nguy cơ trung bình (cấp 2); khuyến khích khách đi du lịch theo chương trình trọn gói của các đơn vị kinh doanh lữ hành. Sau khi kết thúc 1 tháng thí điểm sẽ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất xem xét mở rộng khai thác đến các thị trường mục tiêu phù hợp với tình hình thực tế.

Trước đó, từ ngày 10 - 20/10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã cho thực hiện thí điểm khởi động lại một số đường bay. Tại Kiên Giang có 2 đường bay Rạch Giá - TP.HCM, Phú Quốc - TP.HCM được mở lại. Từ ngày 20/10, Bộ GTVT đã nới lỏng điều kiện bay, đồng thời đã có thêm chuyến Hà Nội đi Phú Quốc, Hà Nội đi Rạch Giá và ngược lại.

Sở Du lịch đang tham mưu cho UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất thêm các chuyến bay truyền thống như Thanh Hóa, Đà Nẵng, Vinh, Bình Định, Lâm Đồng để kết nối lại chuyến bay đến với Phú Quốc. Theo đó, hành khách chỉ cần đáp ứng 1 trong 3 điều kiện là đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc có giấy ra viện sau khi điều trị khỏi Covid-19 trong thời gian 6 tháng hoặc xét nghiệm PCR âm tính.

Đề xuất đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng xây tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng

Cao tốc dài 90km nối TP. Bắc Kạn và Cao Bằng được đề xuất thực hiện từ năm 2023, tạo sức bật về hạ tầng giao thông cho hai tỉnh miền núi nghèo nơi vòng cung Đông Bắc...

Đề xuất đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng xây tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng

Đề xuất đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng xây tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình và Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủng hộ chủ trương đầu tư và bố trí vốn thực hiện Dự án đầu tư đoạn tuyến cao tốc từ TP. Bắc Kạn đến TP. Cao Bằng trong giai đoạn 2021 - 2025.

Về sơ bộ phương án tuyến, cao tốc từ TP. Bắc Kạn đến TP. Cao Bằng có điểm đầu từ Km0+00 nối với điểm cuối của tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn. Điểm cuối dự kiến Km90+00 tại ngã ba dốc Công an tỉnh Cao Bằng. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 90 km, trong đó đoạn thuộc địa phận tỉnh Bắc Kạn khoảng 60,5 km, Cao Bằng khoảng 29,5 km.

Dự kiến về quy mô tuyến cao tốc thuộc dự án nhóm A. Đường có 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24 m, chiều rộng mặt đường 22 m. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 14.100 tỷ đồng từ vốn vay ODA. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2023 đến năm 2027.

Bốn tàu kéo giải cứu tàu hàng Glory Future mắc cạn tại Quảng Trị

Bốn tàu kéo của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Tổng công ty Sông Thu đang kéo tàu hàng Glory Future tải trọng 28.000 tấn cùng 20 thuyền viên ra khỏi bãi cạn.

Tàu Tân Cảng 86 và tàu của Tổng công ty Sông Thu kéo tàu hàng Glory Future (phải) ra khỏi khu vực mắc cạn

Tàu Tân Cảng 86 và tàu của Tổng công ty Sông Thu kéo tàu hàng Glory Future (phải) ra khỏi khu vực mắc cạn

Chiều 21/10, Cảng vụ hàng hải Quảng Trị thông qua phương án cho phép 4 tàu kéo cứu hộ tàu hàng Glory Future bị mắc cạn ở kè đá phía nam luồng vào cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh), cách bờ khoảng 500 m. Tàu hàng này bị mắc cạn tại đây từ ngày 17/10, do ảnh hưởng của bão Kompasu. Trên tàu có 20 thuyền viên, gồm 8 người Trung Quốc và 12 người Việt Nam.

Giám đốc Cảng vụ Hàng hải tỉnh Quảng Trị Phan Phùng Hải cho biết, phương án được phê duyệt đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn cho tàu hàng và các thuyền viên, cũng như môi trường. Hai tàu ứng phó sự cố tràn dầu được điều động đến hiện trường để đề phòng sư cố. Hai tàu này cũng là tàu kéo nên sẽ tham gia vào quá trình giải cứu tàu hàng ra khỏi khu vực mắc cạn.

Từ chiều ngày 21/10, hai tàu kéo công suất 5.600 HP của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, phối hợp với hai tàu ứng phó sự cố tràn dầu của Tổng công ty Sông Thu bắt đầu giải cứu tàu Glory Futura; dự kiến thực hiện trong 2 - 3 ngày.

Tàu hàng Glory Future do ông Jwo Quojiang (quốc tịch Trung Quốc) làm thuyền trưởng, đang chờ nhận 26.000 tấn cát tại cảng Cửa Việt để xuất đi Hàn Quốc. Tàu hàng có kích thước 169x27 m, tải trọng 28.000 tấn, mang cờ Hong Kong.

Bắt tạm giam Trưởng phòng giao dịch Công ty tài chính F88

Chiều 21/10, Công an TP. Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, đơn vị vừa khởi tố, bắt tạm giam Trưởng phòng giao dịch Công ty tài chính F88 tại tỉnh này.

Trụ sở Công ty tài chính F88 tại TP. Bạc Liêu

Trụ sở Công ty tài chính F88 tại TP. Bạc Liêu

Theo đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Bạc Liêu quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Phan Ngọc An (ngụ TP.HCM) về tội "Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người".

Bị can Phan Ngọc An là Trưởng phòng giao dịch của Công ty CP Kinh doanh F88 (Công ty tài chính F88) có địa chỉ tại Phường 7, TP. Bạc Liêu.

Bước đầu, công an xác định Phan Ngọc An có hành vi "lén" hoạt động khi đã có quyết định tạm đình chỉ kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền, gây thiệt hại trên 1,5 tỷ đồng do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh.

Trước đó, ngày 25/8, Công an TP. Bạc Liêu đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người" tại Công ty tài chính F88 Bạc Liêu (Phường 7, TP. Bạc Liêu) được phát hiện vào ngày 22/8.

Trong đêm 22/8, tại tỉnh này phát hiện trường hợp F0 là nhân viên của Công ty tài chính F88. Liên quan đến chùm ca dương tính SARS-CoV-2 này đã có 20 F0 và hàng trăm F1, F2.