Bản tin thời sự sáng 22/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thông hầm Bãi Gió, nối lại đường sắt Bắc Nam; gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn năm 2024; mức phí cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cao nhất 311.000 đồng; dư nợ margin chứng khoán cao kỷ lục; cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vận hành từ ngày 28/4…

Thông hầm Bãi Gió, nối lại đường sắt Bắc - Nam

Sự cố sạt lở hầm Bãi Gió được khắc phục, đoàn tàu dài 20 toa chở hơn 300 khách chạy thành công qua đèo Cả nối Phú Yên với Khánh Hoà, chiều 21/4.

Tàu công trình đang chạy vào thử tải hầm đường sắt Bãi Gió

Tàu công trình đang chạy vào thử tải hầm đường sắt Bãi Gió

Khoảng 17h15, tàu công trình chạy vào hầm Bãi Gió hướng từ Nam ra Bắc, sau đó chạy vòng trở lại để thử tải. Đoàn tàu chạy trong 15 phút, với các tốc độ khác nhau, từ 5 - 15 km/h. Đến 18h15, tàu hàng dài 20 toa, nặng 850 tấn, từ ga Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa) chạy tới hầm tiếp tục kiểm tra kỹ thuật. Hơn 19h, đoàn tàu SE8 20 toa chở hơn 300 khách chạy qua hầm mà không xảy ra sự cố nào.

Trước đó chiều cùng ngày, hơn 200 công nhân và nhiều máy đào, máy bơm xi măng đã tiến hành xử lý những công đoạn cuối cùng khi quyết định cho tàu chạy thử. Bên trong hầm, khoảng 50 công nhân dọn sạch đất, gia cố và nắn chỉnh phần đường ray bị lệch do sạt lở, một số điểm ngập nước được máy bơm ra ngoài.

Phía trên đỉnh núi bêtông được bơm tại các mũi khoan. Đơn vị thi công sử dụng máy siêu âm nhằm đảm bảo phần vữa xi măng được lấp đầy các kẽ hở. Nhà thầu đã khoan 39 mũi, gồm 2 mũi khoan từ sườn núi và 37 mũi khoan trong hầm để bơm bêtông áp lực cao, gia cố thành hầm.

Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, qua nhiều ngày gia cố, đến nay hầm đã đủ điều kiện để tàu hoạt động. Sau khi thông hầm, quốc lộ 1 (nằm phía trên hầm) dự kiến ngày 22/4 sẽ cho ôtô chạy qua khi các lớp bêtông gia cố hầm đã ổn định.

Hầm Bãi Gió dài hơn 400 m, cao 5 m, rộng 4 m, dài khoảng 900 m, thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Công trình đang được gia cố, cải tạo thuộc Gói thầu số 11A, Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang. Ban Quản lý dự án 85 - Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư. Trưa ngày 12/4, trong khi nhà thầu phá dỡ bêtông vỏ hầm cũ thì xảy ra sụt lở vòm hầm, làm gián đoạn chạy tàu.

Gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn năm 2024

Áp lực đáo hạn trái phiếu năm nay của nhóm bất động sản vẫn tương đối lớn, trong đó, nhiều doanh nghiệp sẽ phải thanh toán hàng nghìn tỷ đồng đến hạn cho nhà đầu tư.

Doanh nghiệp bất động sản sẽ phải thanh toán gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong năm 2024

Doanh nghiệp bất động sản sẽ phải thanh toán gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong năm 2024

Theo thông tin Bộ Tài chính đưa ra trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng mới đây về quản lý, giám sát việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, trong năm 2024 sẽ có hàng loạt lô trái phiếu giá trị nghìn tỷ đồng đáo hạn.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, tại thời điểm 31/12/2023, có khoảng 92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm nay với tổng giá trị 99.558 tỷ đồng.

Danh sách các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu đáo hạn năm nay lên đến hàng nghìn tỷ đồng bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Hưng Yên 7.200 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Golden Hill hơn 5.760 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nam An 4.700 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi Sao Phương Nam 4.695 tỷ đồng; Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt 4.100 tỷ đồng...

Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp địa ốc có giá trị trái phiếu đáo hạn năm nay hàng nghìn tỷ đồng như: Công ty CP Đại Phú Hòa 3.560 tỷ đồng; Công ty CP Thương mại và dịch vụ Danh Việt 3.044 tỷ đồng; Công ty CP Kinh doanh Bất động sản S - Việt Nam 2.500 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex) 2.300 tỷ đồng; Công ty CP Phát triển bất động sản Nhật Quang 2.150 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (Novaland) có 2.000 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Big Gain 2.000 tỷ; Công ty CP Phú Thọ Land 1.900 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Hải Phát 1.344 tỷ đồng...

Bên cạnh danh sách các doanh nghiệp địa ốc có trái phiếu đến hạn năm nay, Bộ Tài chính cũng đưa ra danh sách 182 doanh nghiệp bất động còn dư nợ trái phiếu tính tới cuối năm 2023 với tổng số dư 351.390 tỷ đồng.

Mức phí cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cao nhất 311.000 đồng

Từ 26/4, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ thu phí với mức gần 82.000-311.000 đồng mỗi lượt, tùy loại xe cho quãng đường hơn 49 km, theo đề xuất của nhà đầu tư dự án.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sắp vận hành thu phí từ ngày 26/4

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sắp vận hành thu phí từ ngày 26/4

Thông tin nêu trong văn bản Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (nhà đầu tư) vừa gửi Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan về việc thu phí cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Việc này nhằm hoàn vốn cho Dự án được khởi công vào năm 2021, khai thác từ hồi tháng 5/2023.

Nhà đầu tư sẽ thu phí dịch vụ theo hình thức điện tử không dừng (ETC) trên cao tốc từ ngày 26/4, gần với thời điểm cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến thông xe. Theo đó, mức phí toàn tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm nhóm 1 (xe dưới 12 chỗ; xe tải trọng dưới 2 tấn; xe buýt) là 81.904 đồng. Các nhóm còn lại được tính theo hệ số so với nhóm 1, gồm: xe nhóm 2 là 1,3 lần; nhóm 3 là 1,7 lần; nhóm 4 là 2,7 lần; nhóm 5 là 3,8 lần. Việc thu phí sẽ kéo dài 16 năm 4 tháng.

Trước đó, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có 4 trạm thu phí tại nút giao Diên Khánh, Suối Dầu, Cam Lâm và Cam Ranh, kế hoạch thu phí vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, việc này chưa thể vận hành do đợi tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thiện mới có thể khớp nối, thu phí toàn tuyến.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km qua tỉnh Khánh Hòa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với hơn 7.600 tỷ đồng. Còn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 80 km với tổng vốn 8.925 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP).

Dư nợ margin chứng khoán cao kỷ lục

Dư nợ cho vay margin tại 48 công ty chứng khoán đã đạt gần 191.300 tỷ đồng trong quý I, mức cao nhất từ trước đến nay, thậm chí vượt hồi quý I/2022, thời điểm VN-Index lập đỉnh.

Dư nợ cho vay margin tại 48 công ty chứng khoán đã đạt gần 191.300 tỷ đồng trong quý I

Dư nợ cho vay margin tại 48 công ty chứng khoán đã đạt gần 191.300 tỷ đồng trong quý I

Theo thống kê mới nhất của FiinTrade, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tại 48 công ty chứng khoán (đại diện 93% tổng vốn chủ sở hữu toàn ngành) tính đến cuối quý I/2024 đã đạt gần 191.300 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 10% so với cuối năm 2023.

Đây cũng là mức dư nợ margin cao nhất từ trước đến nay, thậm chí vượt qua giai đoạn quý I/2022, thời điểm VN-Index đạt đỉnh lịch sử 1.500 điểm.

Trên thực tế, trước khi bước vào giai đoạn điều chỉnh khốc liệt vài tuần trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua quý giao dịch khởi sắc. So với đầu năm, VN-Index đã tăng 153 điểm (+14%) và đạt đỉnh ngắn hạn ở mốc 1.274 điểm đến hết quý I, vùng cao nhất 20 tháng.

Hầu hết công ty chứng khoán đều chứng kiến dư nợ cho vay margin tăng trưởng nhanh trong quý đầu năm nay, dao động trên dưới 50% so với năm ngoái. Thậm chí, không ít doanh nghiệp ghi nhận dư nợ đạt kỷ lục sau đợt công bố báo cáo tài chính quý I.

Điển hình như Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đang dẫn đầu về dư nợ cho vay margin toàn ngành với hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 106% so với cùng kỳ và tăng 17% so với đầu năm. Đây cũng là số dư nợ cho vay margin cao nhất của TCBS kể từ khi hoạt động.

Nhiều công ty chứng khoán khác như VPS (11.157 tỷ đồng), MBS (9.273 tỷ đồng), Vietcap (8.419 tỷ đồng), KIS (7.672 tỷ đồng), VCBS (5.804 tỷ đồng) hay BSC (5.260 tỷ đồng) cũng lập kỷ lục mới về dư nợ cho vay margin.

Trong khi đó, dù vẫn giữ số dư cho vay margin thuộc top dẫn đầu ngành, 2 nhà môi giới lớn là SSI và VNDirect vẫn còn cách khá xa mức đỉnh ghi nhận vào đầu năm 2022, lần lượt đạt 16.957 tỷ đồng và 9.957 tỷ đồng.

Bên cạnh diễn biến tích cực của thị trường, việc mặt bằng lãi suất đang ở vùng đáy cũng là lý do thúc đẩy dòng tiền chảy vào kênh chứng khoán và gia tăng nhu cầu vay margin.

Dù dư nợ cho vay margin hiện ở mức cao kỷ lục, tỷ lệ dư nợ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán mới đạt 54,5%, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điều này đồng nghĩa room cho vay margin còn lại của 48 công ty chứng khoán vẫn thừa tới gần 300.000 tỷ đồng.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vận hành từ ngày 28/4

Dự kiến ngày 28/4, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận khánh thành tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ vận hành vào ngày 28/4

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ vận hành vào ngày 28/4

Bộ Giao thông vận tải vừa thông tin tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ khánh thành vào ngày 28/4, tại khu vực phía Bắc hầm núi Vung (tỉnh Ninh Thuận).

Sau khi khánh thành, tuyến cao tốc sẽ đưa vào vận hành, giúp người dân từ TP.HCM đi Nha Trang chỉ còn 5 giờ.

Cũng trong ngày 28/4, tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt cũng được đưa vào vận hành sau khi khánh thành.

Trước đó, đoàn công tác của Hội đồng Thẩm định nhà nước đã đi kiểm tra tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo để nghiệm thu trước khi đưa vào khai thác.

Tại buổi kết luận nghiệm thu, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định độc lập, cơ quan thường trực hội đồng... đều đồng ý với báo cáo của chủ đầu tư, đề nghị Hội đồng nghiệm thu chấp thuận, đưa dự án vào khai thác vận hành.

Về phía địa phương, đại diện 3 tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận cũng khẳng định dự án đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng.

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cơ bản đủ điều kiện để Hội đồng chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện theo quy định để đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng với chiều dài 78,5 km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả và Công ty Đầu tư Xây dựng 194.

Bộ Y tế sẽ liên tục cung ứng vaccine 5 trong 1 trong năm 2024

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa chuyển 500.000 liều vaccine 5 trong 1 tới các viện, viện pasture trên cả nước.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa chuyển 500.000 liều vaccine 5 trong 1 tới các Viện Pasteur trên cả nước

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa chuyển 500.000 liều vaccine 5 trong 1 tới các Viện Pasteur trên cả nước

Theo bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, ngay sau khi tiếp nhận và có kết quả kiểm định vaccine 5 trong 1, Viện đã ký quyết định phân bổ 500.000 liều tới các viện pasture khu vực trên cả nước từ ngày 16/4.

Sau khi nhận được số vaccine này, các viện sẽ điều phối và phân bổ vaccine theo nhu cầu của mỗi địa phương trong khu vực mình.

"Dự kiến, trong 1 - 2 ngày tới, số vaccine này sẽ được chuyển tới các địa phương để triển khai tiêm ngay cho trẻ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên", bà Hồng cho biết.

Theo lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, số vaccine này sẽ được chuyển tới tất cả 63 tỉnh, thành và đủ để tiêm cho trẻ trong 2 tháng tới.

Đây là số vaccine nằm trong 2,8 triệu liều vaccine 5 trong 1 mà Bộ Y tế vừa hoàn thiện các thủ tục để mua sắm, đấu thầu. Trước đó, tháng 8/2023, Bộ Y tế mới được cấp kinh phí để mua vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trước đó, vaccine 5 trong 1 thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng thường xuyên ở nước ta xảy ra tình trạng thiếu trên phạm vi cả nước, từ tháng 3/2023. Bộ Y tế đã vận động các nhà tài trợ trong nước và quốc tế để có nguồn vaccine này tiêm cho trẻ.

Tới tháng 7/2023 và tháng 12/2023, từ nguồn hỗ trợ của tổ chức WHO, UNICEF và từ Chính phủ Úc tài trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (Unicef), vaccine này đã được bổ sung và phân bổ tới các địa phương, triển khai tiêm cho trẻ tại các tỉnh, thành trên cả nước.

Do gián đoạn việc tiêm vaccine 5 trong 1 trong thời gian thiếu vaccine trước đó, nên số vaccine được hỗ trợ tháng 12/2023 ưu tiên sử dụng tiêm mũi 1 cho trẻ từ 2 - 18 tháng tuổi, sau đó sử dụng tiêm trả mũi 2, 3 cho trẻ chưa được tiêm mũi 3 vaccine này.

Thời gian gần đây, một số địa phương tiếp tục hết vaccine này để triển khai tiêm cho trẻ.

Giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

Bộ Tài chính vừa có quyết định về Kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp năm 2024.

Giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

Cụ thể, giám sát gián tiếp việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo mục tiêu, nguyên tắc, phạm vi quy định; việc xác định vốn đầu tư, cân đối kế hoạch nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn để đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; việc quyết định chủ trương đầu tư, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giám sát trực tiếp với các nội dung trọng tâm như phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; việc quyết định chủ trương đầu tư, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng chỉ rõ, giám sát trực tiếp, Cục Tài chính doanh nghiệp sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải giám sát Công ty mẹ - Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; phối hợp với UBND tỉnh Bình Định giám sát Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Kôn.

Về giám sát gián tiếp, Cục Tài chính doanh nghiệp phối hợp với Bộ Giao thông vận tải giám sát Công ty mẹ - Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam. Đơn vị này cũng sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố giám sát các công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hậu Giang, Đà Nẵng, Ninh Thuận; Công ty CP Tập đoàn Lộc trời; Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai; Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam.

Đối với khối ngân hàng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính được giao phối hợp với Ngân hàng Nhà nước giám sát gián tiếp hoạt động đầu tư vốn nhà nước tại 4 ngân hàng là: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Tin cùng chuyên mục