Bản tin thời sự sáng 23/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề nghị Ban Bí thư khai trừ ông Tất Thành Cang ra khỏi Đảng; Hà Nội di dời 215.000 người tại 4 quận nội đô; yêu cầu các hãng hàng không tránh thay đổi giờ bay đi và đến Côn Đảo; Hà Nội cho quán bar, karaoke, vũ trường mở cửa lại từ 0 giờ ngày 23/3…

Đề nghị Ban Bí thư khai trừ ông Tất Thành Cang ra khỏi Đảng

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, do đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Đề nghị khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Tất Thành Cang

Đề nghị khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Tất Thành Cang

Theo đó, tại kỳ họp thứ 2 vừa diễn ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương qua xem xét các báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với đảng viên; xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Tất Thành Cang, cựu phó Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Lý do đề nghị khai trừ là trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Cang đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ban hành kết luận điều tra, chuyển sang Viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, nhiệm kỳ 2015 - 2020) và 18 bị can khác về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, “Tham ô tài sản”, xảy ra tại IPC, SADECO và các đơn vị liên quan.

Hà Nội di dời 215.000 người tại 4 quận nội đô

Dân số dự kiến sau khi thực hiện quy hoạch tại Hoàn Kiếm là 100.000 người, Ba Đình 160.000 người, Đống Đa 255.000 người, Hai Bà Trưng 157.000 người.

Bản đồ quy hoạch phân khu tại 4 quận nội đô lịch sử vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt

Bản đồ quy hoạch phân khu tại 4 quận nội đô lịch sử vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt

TP. Hà Nội vừa công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, đây là nhóm đô thị cuối cùng của đô thị lịch sử được phê duyệt trong tổng thể quy hoạch chung thủ đô với tổng diện tích 26,92 km2, dân số gần 900.000 người.

Phân khu đô thị H1-1A,B,C (quận Hoàn Kiếm), gồm khu phố cổ, hồ Gươm và phụ cận, khu phố cũ, diện tích quy hoạch 347,65 ha. Dân số dự kiến 100.000 người; hiện trạng đang có 91.219 người. Định hướng bảo tồn, tôn tạo, bổ sung hạ tầng xã hội.

Phân khu đô thị H1-2 (quận Ba Đình), diện tích quy hoạch 703,93 ha. Dân số dự kiến 160.000 người; hiện trạng 199.586 người. Định hướng cải tạo, tái thiết, bổ sung hạ tầng xã hội, hạn chế phát triển nhà ở cao tầng mới.

Phân khu đô thị H1-3 (quận Đống Đa), diện tích quy hoạch 994 ha. Dân số dự kiến 255.000 người; hiện trạng 371.000 người. Định hướng cải tạo, tái thiết, bổ sung hạ tầng xã hội. Hạn chế phát triển nhà ở cao tầng mới.

Phân khu đô thị H1-4 (quận Hai Bà Trưng), diện tích quy hoạch 664,37 ha. Dân số dự kiến 157.000 người; hiện trạng 255.000 người. Định hướng cải tạo, tái thiết, bổ sung hạ tầng xã hội, hạn chế phát triển nhà ở cao tầng mới.

Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng cho biết, sau quy hoạch, diện tích đường giao thông tăng lên 246,5 ha, thêm 89 bãi đỗ xe với diện tích 44,4 ha, phát triển 5 tuyến đường sắt đô thị, hình thành các hệ thống không gian phát triển tập trung. Thành phố sẽ giảm, giãn khoảng 215.000 người tại khu vực nội đô lịch sử từ nay đến 2030.

Yêu cầu các hãng hàng không tránh thay đổi giờ bay đi và đến Côn Đảo

Các hãng hàng không cần đảm bảo khai thác bay theo đúng kế hoạch tới Côn Đảo để tránh tình trạng thay đổi giờ bay dẫn đến việc xáo trộn hoặc thiếu các vị trí đỗ.

Máy bay tại sân bay Côn Đảo

Máy bay tại sân bay Côn Đảo

Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này vừa có yêu cầu các hãng hàng không bay đến Côn Đảo duy trì, tuân thủ slot (lượt cất, hạ cánh) đã được cấp để tránh tình trạng thay đổi giờ bay.

Theo đó, Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không lưu ý việc khai thác các chuyến bay đi/đến Cảng hàng không Côn Đảo (đặc biệt là các chuyến bay vào buổi chiều); duy trì, tuân thủ slot đã được cấp để tránh tình trạng thay đổi giờ bay dẫn đến việc xáo trộn hoặc thiếu các vị trí đỗ; thực hiện nghiêm huấn lệnh của cơ sở điều hành bay và đảm bảo khai thác bay theo đúng kế hoạch đồng thời tăng cường áp dụng công nghệ làm thủ tục check-in tại Cảng nhằm giảm thiểu thời gian và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách.

Cục Hàng không cũng chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có trách nhiệm tổ chức rà soát, đánh giá năng lực khai thác của sân đỗ, nhà ga hành khách…

Bên cạnh đó, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) được giao chỉ đạo các cơ sở điều hành bay phối hợp chặt chẽ với Cảng hàng không Côn Đảo, các hãng hàng không trong quá trình điều hành bay; không cấp huấn lệnh khởi hành (tại các sân bay khởi hành).

Đầu tư 240 tỷ đồng làm đường ven sông ở Nha Trang

Dự án làm đường và bờ kè nam sông Cái, thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) tổng vốn đầu tư 240 tỷ đồng, góp phần cải tạo cảnh quan ven sông, phát triển kinh tế, du lịch thành phố biển.

Phối cảnh dự án ven sông Cái ở TP.Nha Trang

Phối cảnh dự án ven sông Cái ở TP.Nha Trang

Theo ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa (chủ đầu tư), Dự án rộng 12 ha, có tuyến đường dài 2,3 km, rộng 10 - 30 m. Trong đó, tuyến chính từ cầu Hà Ra đến đường Vành Đai 2 dài 1,9 km, tuyến nhánh từ đường số 30 đến đập ngăn mặn dài 400 m. Bờ kè dài 1,9 km cặp đường và mép sông, được xây dựng công viên, hệ thống cây xanh.

Công trình thuộc Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải, vốn vay Ngân hàng Thế giới. Hiện, chủ đầu tư phối hợp địa phương hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng (gần 300 hộ ở phường Vạn Thắng và Ngọc Hiệp bị ảnh hưởng), các thủ tục để dự án khởi công quý IV năm nay, hoàn thành sau 15 tháng.

Sông Cái còn có tên là Phú Lộc hay sông Cù, là sông lớn nhất tỉnh Khánh Hòa. Sông dài khoảng 80 km, chảy qua huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn.

Hà Nội cho quán bar, karaoke, vũ trường mở cửa lại từ 0 giờ ngày 23/3

Sau gần hai tháng đóng cửa để tránh lây lan dịch bệnh, các dịch vụ quán bar, karaoke, vũ trường ở thủ đô Hà Nội được mở cửa từ 0h ngày 23/3, người sử dụng dịch vụ bắt buộc phải khai báo y tế, QR code, cài ứng dụng Bluezone.

Hà Nội cho quán bar, karaoke, vũ trường mở cửa lại từ 0 giờ ngày 23/3

Hà Nội cho quán bar, karaoke, vũ trường mở cửa lại từ 0 giờ ngày 23/3

Trước những diễn biến mới của dịch Covid-19, UBND thành phố Hà Nội đồng ý cho các quan bar, karaoke, vũ trường được phép hoạt động trở lại trong tình hình mới. Yêu cầu người dân đến các địa điểm này phải khai báo y tế qua QR- Code; cài đặt các ứng dụng Bluezone; các quận, huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở này nếu vi phạm sẽ yêu cầu đóng cửa.

Với việc cho phép quán bar, karaoke, vũ trường hoạt động, Hà Nội đã mở cửa lại toàn bộ các dịch vụ đã tạm dừng trước đó; riêng việc bán cà phê, trà đá và quán ăn ở vỉa hè là dịch vụ tự phát, chưa được Thành phố cho phép.

Chủ khách sạn tại TP.HCM chứa người Trung Quốc trái phép bị bắt

Trịnh Minh Hoàng, chủ khách sạn Symphony ở Quận 1 (TP.HCM), bị bắt với cáo buộc cấu kết với đường dây cho người Trung Quốc ở lại Việt Nam trái phép, để thu lợi.

Lực lượng chức năng đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đi cách ly tập trung

Lực lượng chức năng đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đi cách ly tập trung

Ngày 22/3, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam Hoàng, Trần Anh Tài và Đổng Duy Trị về hành vi Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Trong đó, Tài và Trị được cho là có vai trò cầm đầu.

Động thái này được đưa ra sau hơn nửa tháng Công an TP.HCM chặn bắt ôtô trước khách sạn Symphony trên đường Lý Tự Trọng, Quận 1, phát hiện 13 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Tại các phòng của khách sạn này, lực lượng chức năng phát hiện thêm 22 người khác.

Trước đó, nhiều khách sạn tại Sài Gòn bị cảnh sát tung quân theo dõi. Trong hơn 40 người Trung Quốc bị phát hiện, đa số ở tỉnh Phúc Kiến. Họ sau khi vượt biên vào các tỉnh phía Bắc Việt Nam đã lên các chuyến xe đến TP.HCM.

Nhà chức trách xác định Trần Anh Tài, Đổng Duy Trị cấu kết với chủ khách sạn Symphony tổ chức cho người Trung Quốc ở lại TP.HCM, sau đó sẽ móc nối đưa đi An Giang, sang Campuchia.