Bản tin thời sự sáng 30/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin Covid-19 Moderna; thí điểm vòng tay thông minh theo dõi cách ly tại Quảng Ninh từ 1/7; đề xuất hơn 32 tỷ đồng cải tạo công viên Mê Linh; kiến nghị Bộ Công an làm rõ vi phạm tại Khu liên hợp thể thao quốc gia; dự kiến gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn…

Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin Covid-19 Moderna

Bộ Y tế vừa phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với vắc xin Spikevax - tên khác là vắc xin Moderna. Đây là vắc xin ngừa Covid-19 thứ 5 được phê duyệt sử dụng tại Việt Nam.

Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin COVID-19 Moderna

Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin COVID-19 Moderna

Vắc xin Skipevax, còn có tên là Moderna, mỗi liều 0,5ml chứa 100mcg mRNA, được nhúng trong các lipid nanoparticle SM-102, dạng bào chế là hỗn dịch tiêm bắp, hộp chứa 10 lọ đa liều, mỗi lọ đa liều chứa 10 liều 0,5mcg, cơ sở sản xuất là Rovi Pharma (Tây Ban Nha) và Recipharm (Monts, Pháp) vừa được Bộ Y tế ký quyết định phê duyệt có điều kiện tại Việt Nam.

Quyết định phê duyệt này kèm theo 9 điều kiện: đơn vị nhập khẩu phối hợp với Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo tổ chức đánh giá an toàn và hiệu quả của vắc xin; phối hợp đơn vị phân phối và sử dụng triển khai theo dõi cảnh giác dược.

Đồng thời phối hợp với Bộ Y tế triển khai kiểm định vắc xin trước khi ra thị trường và quản trị rủi ro trong suốt quá trình vắc xin lưu hành tại Việt Nam.

Moderna là vắc xin ngừa Covid-19 thứ 5 được phê duyệt có điều kiện để sử dụng tại Việt Nam tính từ tháng 2 đến nay. Theo thông tin từ Bộ Y tế, đã có một đơn vị ký hợp đồng nhập khẩu 5 triệu liều Moderna về Việt Nam.

Như vậy, đến nay đã có 5 loại vắc xin được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gồm: Vắc xin Astra Zeneca; Vắc xin Sputnick; Vắc xin Pfirez; Vắc xin Vero Cell và Vắc xin Spikevax (Tên khác là: Covid-19 Vaccine Moderna)

Thí điểm vòng tay thông minh theo dõi cách ly tại Quảng Ninh từ 1/7

Vòng tay thông minh theo dõi người cách ly cho người nhập cảnh không dùng smartphone sẽ được triển khai thí điểm tại Quảng Ninh từ 1/7.

Một mẫu vòng tay thông minh dùng trong quản người cách ly, được một số nước trên thế giới sử dụng.

Một mẫu vòng tay thông minh dùng trong quản người cách ly, được một số nước trên thế giới sử dụng.

Cụ thể, người nhập cảnh nếu không sử dụng smartphone, sẽ được nhận và đeo vòng tay thông minh. Trong trường hợp sử dụng smartphone, người dùng nhận sim điện thoại, được yêu cầu cài đặt và sử dụng các ứng dụng VHD (Vietnam Health Declaration) và Bluezone. Việc sử dụng các công cụ này sẽ được triển khai ngay tại cửa khẩu. Người dùng sẽ phải sử dụng trong 28 ngày sau đó.

Tương tự trên ứng dụng di động, vòng tay thông minh cũng có sẵn mã QR Code. Mã này được dùng để quét mỗi khi người dùng đến cơ sở cách ly, bao gồm cả khi cách ly tập trung hay khi cách ly tại nhà. Do không sử dụng smartphone, người dùng vòng tay sẽ được các cán bộ tại cơ sở cách ly hoặc người được phân công giám sát hỗ trợ cập nhật các thông tin về sức khỏe hàng ngày, chẳng hạn thân nhiệt hoặc các dấu hiệu sức khỏe bất thường.

Khi cách ly tại nhà, người nhập cảnh vẫn phải tuân theo các quy định về phòng chống dịch. Nếu sử dụng smartphone, cần nhận diện bằng khuôn mặt hoặc giọng nói trên ứng dụng VHD 3 lần mỗi ngày, theo 3 khung giờ (7h - 9h, 13h - 15h, 19h - 21h). Nếu dùng vòng tay thông minh, người dùng sẽ phải đeo liên tục và được giảm sát bởi nhân sự được phân công tiếp nhận.

Có hai loại vòng tay thông minh hỗ trợ quản lý người cách ly tập trung và sau cách ly tập trung: vòng tay Bluezone và vòng tay định vị di động (GPS).

Việt Nam nhận thêm một triệu liều vaccine Covid-19 từ 1/7

Đây là đợt viện trợ thứ hai từ Chính phủ Nhật Bản. Vaccine được chuyển tới Việt Nam là AstraZeneca.

Việt Nam nhận thêm một triệu liều vaccine Covid-19 từ 1/7

Việt Nam nhận thêm một triệu liều vaccine Covid-19 từ 1/7

Theo Bộ Y tế cho biết một triệu liều vaccine Covid-19 Chính phủ Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam dự kiến được chuyển đến vào ngày 1/7 và 8/7.

Trước đó, lô vaccine Covid-19 AstraZeneca một triệu liều đầu tiên do Nhật Bản viện trợ đã cập bến nước ta vào tối 16/6. Sau đó, toàn bộ số vaccine này được chuyển tới TP.HCM, phục vụ chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử của Thành phố.

Như vậy, cùng với lô vaccine cung cấp vào ngày 16/6, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng 2 triệu liều. Loại vaccine này có tên VAXZEVRIA Intramuscular Injection (tên khác: Covid-19 Vaccine AstraZeneca Injection), dung dịch tiêm bắp, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5 ml.

Việc cung cấp tiếp 1 triệu liều vaccine này là kết quả sau cuộc hội đàm của Việt Nam và Nhật Bản vào chiều ngày 21/6.

Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam có hơn 120 triệu liều vaccine đến từ 5 nguồn cung cấp gồm: Chương trình COVAX Facility, AstraZeneca, Moderna, Sputnik V, Pfizer/BioNTech.

Đề xuất hơn 32 tỷ đồng cải tạo công viên Mê Linh

Tượng đài Trần Hưng Đạo, hệ thống chiếu sáng, mảng xanh khu vực công viên Mê Linh, Quận 1 (TP.HCM), rộng 5.700 m2 được đề xuất cải tạo với kinh phí 32,5 tỷ đồng.

Công viên Mê Linh, Quận 1, nhìn từ trên cao

Công viên Mê Linh, Quận 1, nhìn từ trên cao

UBND Quận 1 vừa gửi chính quyền TP.HCM phương án cải tạo công viên Mê Linh theo đề xuất Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận và đơn vị tư vấn.

Cụ thể, khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo, phần thân tượng sẽ đục bỏ lớp vữa để bơm xử lý các vết nứt bêtông, quét chống thấm, trát vữa, phù điêu. Bệ đỡ tượng được đề xuất thay mới, xử lý chống thấm và bảo vệ mặt tường bao, khung bệ đỡ; thay hệ thống dây dẫn và đèn chiếu sáng tượng đài. Kinh phí cải tạo tượng dự kiến khoảng 3,5 tỷ đồng.

Khu vực công viên quanh tượng đài rộng 3.300 m2 được đề xuất thay thế gạch lát nền bằng đá granite tự nhiên. Công viên được trồng thêm nhiều cây như lan rẻ quạt, lài ta, dứa vàng, lan chi, mai vạn phúc... Hệ thống chiếu sáng được bổ sung trụ đèn cao 3 m và trụ đèn cao 0,6 - 0,8 m nhằm tăng ánh sáng. Khu vực lòng đường quanh công viên được thi công đệm cát, lát đá bazan tự nhiên. Tổng kinh phí cải tạo công viên khoảng 29 tỷ đồng.

Trước đó, Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (Sở Xây dựng) đánh giá khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo và công viên xung quanh có nhiều hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp. Tượng đài Trần Hưng Đạo được xây trước năm 1975 bằng bêtông cốt thép.

Kiến nghị Bộ Công an làm rõ vi phạm tại Khu liên hợp thể thao quốc gia

Sau khi làm rõ số tiền liên quan vi phạm là gần 777 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển chứng cứ cho Bộ Công an và VKSND Tối cao xem xét xử lý.

Khu LHTTQG Mỹ Đình ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Khu LHTTQG Mỹ Đình ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ra thông báo kết luận thanh tra toàn diện về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu liên hợp thể thao quốc gia, Hà Nội, giai đoạn 2009 - 2018. Đây là cuộc thanh tra đột xuất do Chính phủ chỉ đạo.

Ngoài chỉ ra những tồn tại, hạn chế và sai phạm tại khu liên hợp này, TTCP kiến nghị chuyển hồ sơ cho Bộ Công an và VKSND Tối cao thụ lý, xem xét các hành vi có dấu hiệu gây thất thoát ngân sách Nhà nước xảy ra tại Khu liên hợp thể thao quốc gia (LHTTQG).

Theo kết luận thanh tra, khu liên hợp này là chủ thể quản lý bãi đỗ xe có diện tích gần 95.000 m2. Đây là tài sản công nhưng Khu LHTTQG không quản lý, sử dụng mà giao mặt bằng cho Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội. Từ năm 2003, công ty này khai thác, sử dụng đất bãi đỗ xe nhưng chưa có quyết định giao đất, chưa phát sinh nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Về việc sử dụng một số khu đất nằm trong khuôn viên Khu LHTTQG, cơ quan thanh tra xác định Ban Quản lý Khu LHTTQG cho Công ty TNHH Tân An Bình sử dụng trái quy định, chưa nộp ngân sách, có dấu hiệu gây thất thu tài sản Nhà nước. Quá trình hợp tác với công ty tư nhân còn có một số dấu hiệu bất thường.

Theo kết luận thanh tra, Khu LHTTQG cho phép 5 doanh nghiệp thuê đất công nhưng chậm nộp tiền thuế, từ đó nợ cơ quan thuế hơn 46 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra còn xác định Ban Quản lý Khu LHTTQG có nhiều sai phạm khác về mua sắm tài sản, quản lý, sử dụng tài sản công và thanh lý tài sản Nhà nước không đúng quy định, có dấu hiệu vi phạm Luật Đấu giá tài sản và nhiều quy định khác.

TTCP cho rằng số tiền vi phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và tài sản công tại Khu LHTTQG là gần 777 tỷ đồng.

Dự kiến gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn

Tổng kinh phí gói mới hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19 là hơn 26.000 tỷ đồng.

Lao động tự do tại chợ đêm Long Biên, Hà Nội

Lao động tự do tại chợ đêm Long Biên, Hà Nội

Theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, dự thảo nghị quyết hỗ trợ lần mới sẽ bổ sung thêm nhiều nội dung so với nghị quyết 42 năm 2020 (gói 62.000 tỷ đồng).

Tháng 4/2020, gói an sinh 62.000 tỷ đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất được Chính phủ ban hành. Dự kiến, 35.880 tỷ hỗ trợ 20 triệu người thuộc nhóm chính sách xã hội, lao động phi chính thức, lao động khu vực chính thức mất việc làm, hộ kinh doanh. Khoảng 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi trả lương cho lao động.

Ngoài ra, thêm nhóm chính sách tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất khoảng 6.500 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động với 3.000 tỷ đồng trích từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Tới tháng 5/2021, gói an sinh trên giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng (khoảng 22%) cho 13,2 triệu người.

Ủy ban Kinh tế ngày 15/6 đánh giá các chính sách chưa thực sự chạm tới được người dân, doanh nghiệp dễ bị tổn thương vì dịch. Gói vay không lãi suất 16.000 tỷ hỗ trợ cho doanh nghiệp trả lương, chỉ có 245 đơn vị tiếp cận được với số tiền 42 tỷ đồng, chiếm 0,26%; gói hỗ trợ qua chính sách tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất mới giải ngân được 12%.

Nhà xe được đăng ký giờ xuất bến trực tuyến từ 1/7

Từ 1/7, các doanh nghiệp vận tải có thể chọn giờ xuất bến và đăng ký khai thác tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Nhà xe được đăng ký giờ xuất bến trực tuyến từ 1/7

Nhà xe được đăng ký giờ xuất bến trực tuyến từ 1/7

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, từ 1/7, cơ quan này chính thức vận hành phần mềm dịch vụ công trực tuyến để doanh nghiệp đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định tại địa chỉ: https://tuyenvantai.mt.gov.vn. Việc này nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thay vì gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị xe khách sẽ căn cứ vào biểu đồ tuyến mà các địa phương đã công bố để lựa chọn giờ xuất bến và đăng ký khai thác tuyến. Quá trình nộp hồ sơ, xử lý và thông báo kết quả của các Sở Giao thông vận tải đều thực hiện trên phần mềm.

Theo Bộ Giao thông vận tải, 124.560 đơn vị kinh doanh vận tải sẽ đăng ký tuyến được thuận lợi hơn, thời gian xử lý hồ sơ rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 3 ngày. Dịch vụ công trực tuyến còn hỗ trợ cơ quan quản lý cấp giấy phép kinh doanh vận tải và cấp phù hiệu, biển hiệu cho ôtô.

Hơn một năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã cập nhật và số hóa hơn 10.000 tuyến vận tải hành khách cố định trên toàn quốc, hỗ trợ 63 sở giao thông vận tải cập nhật biểu đồ chạy xe thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

Khởi tố vụ án từ tố cáo của ông Liên Khui Thìn

Ông Liên Khui Thìn, cựu tử tù trong đại án kinh tế Epco - Minh Phụng, nhiều năm tố cáo bị một số cá nhân chiếm đoạt tài sản trong lúc mình thi hành án.

Khởi tố vụ án từ tố cáo của ông Liên Khui Thìn, cựu tử tù trong đại án kinh tế Epco – Minh Phụng

Khởi tố vụ án từ tố cáo của ông Liên Khui Thìn, cựu tử tù trong đại án kinh tế Epco – Minh Phụng

Ngày 29/6, trong thông báo gửi đến ông Liên Khui Thìn (Khánh Hoà) và VKSND Tối cao, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty TNHH Epco và một số đơn vị liên quan.

Động thái này được đưa ra sau thời gian C03 xác minh đơn tố cáo của ông Thìn, cho rằng bị các cá nhân lợi dụng thời gian ông chấp hành án đã chiếm đoạt tài sản của mình tại Công ty TNHH Epco, Công ty TNHH An Khánh và Công ty TNHH Hồng Long. C03 khởi tố vụ án nghĩa là đã phát hiện dấu hiệu tội phạm.

Theo ông Thìn, năm 1997, khi vụ án Epco - Minh Phụng xảy ra, một số tài sản thuộc sở hữu của ông tại Công ty TNHH Epco và một số công ty khác chưa hoàn thiện pháp lý về quyền sử dụng, hoặc quyền sở hữu nhà. Vì vậy, toà án đã không chấp nhận đưa các tài sản này vào vụ án để cân đối nợ, một số cá nhân đã lợi dụng điều này để chiếm đoạt.

Ông Liên Khui Thìn từng là Giám đốc, kiêm Phó chủ tịch HĐQT Công ty Epco. Năm 1997, ông bị bắt tạm giam rồi cùng ông Tăng Minh Phụng bị tuyên án tử hình vì chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của các ngân hàng.

Khi đang thụ án tại trại giam Chí Hòa, cựu Giám đốc Epco được Chủ tịch nước chấp nhận đơn xin ân giảm từ án tử hình xuống tù chung thân. Đến đầu năm 2008, do cải tạo tốt, góp nhiều công sức trong việc xây dựng môi trường trại giam và tích cực thi hành án dân sự... nên ông Thìn được xét giảm án xuống còn 20 năm.

Quá trình chấp hành án phạt, ông Thìn cũng đã bồi thường được trên 500 tỷ đồng (tổng số tiền phải bồi thường là hơn 1.000 tỷ đồng) và bị bệnh nặng. Dịp Quốc khánh năm 2009, ông Thìn được Chủ tịch nước phê chuẩn quyết định đặc xá nhưng phải bồi thường hết số thiệt hại còn lại là hơn 480 tỷ đồng.