Bản tin thời sự sáng 4/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lên án nghiêm khắc hành động phá hoại quốc kỳ Việt Nam tại Philippines; Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa; 6 quận nội thành tại TP.HCM thuộc diện phải sắp xếp lại; sớm xây cao tốc, phá thế độc đạo của đường hiện hữu ở Lâm Đồng…

Lên án nghiêm khắc hành động phá hoại quốc kỳ Việt Nam tại Philippines

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, hành động phá hoại lá quốc kỳ của Việt Nam là xúc phạm tình cảm của nhân dân Việt Nam và cần phải bị lên án nghiêm khắc.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Chiều 3/8, tại Họp báo Thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 1/8, một nhóm người Philippines đã biểu tình, xé cờ Việt Nam trước trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Manila (Philippines), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:

"Lá cờ Đỏ Sao vàng là quốc kỳ thiêng liêng của Việt Nam. Hành động phá hoại lá quốc kỳ của Việt Nam là xúc phạm tình cảm của nhân dân Việt Nam và cần phải bị lên án nghiêm khắc.

Chúng tôi yêu cầu phía Philippines xử lý nghiêm vụ việc, có các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, không để hành vi trên tái diễn, gây ảnh hưởng tới quan hệ Đối tác chiến lược đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước".

Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa

Việc Trung Quốc đưa một phần của quần đảo Hoàng Sa vào khu vực tập trận quân sự đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc không tái diễn vi phạm tương tự.

Ảnh vệ tinh đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tháng 1/2018. Ảnh: CSIS

Ảnh vệ tinh đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tháng 1/2018. Ảnh: CSIS

Chiều 3/8, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, báo chí nêu thông tin, theo thông báo của nhà chức trách Trung Quốc, nước này sẽ tiến hành một cuộc "huấn luyện quân sự" trên Biển Đông từ ngày 29/7 đến ngày 2/8. Khu vực thông báo tập trận bao trùm một phần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Báo chí đề nghị Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết quan điểm và phản ứng của Việt Nam đối với vấn đề này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: "Việc Trung Quốc đưa một phần của quần đảo Hoàng Sa vào khu vực tập trận quân sự ở Biển Đông từ ngày 29/7 đến ngày 2/8 đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này".

Người phát ngôn cũng nhấn mạnh, việc Trung Quốc tập trận tại khu vực này đã đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

"Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và không tái diễn vi phạm tương tự", Người phát ngôn khẳng định.

6 quận nội thành tại TP.HCM thuộc diện phải sắp xếp lại

Qua rà soát, TP.HCM có 6 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp lại là Quận 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận. Các đơn vị này chưa đảm bảo các tiêu chí về diện tích, dân số.

TP.HCM có 6 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp lại là Quận 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận

TP.HCM có 6 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp lại là Quận 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận

Tại buổi họp báo chiều 3/8, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (thuộc Sở Nội vụ) thông tin các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp theo Nghị quyết 117 của Chính phủ.

Qua rà soát, Thành phố có 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 149 đơn vị cấp xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập. Những đơn vị này chưa đảm bảo các tiêu chí về diện tích và dân số.

"Các đơn vị hành chính cấp huyện tại TP.HCM thuộc diện cần sắp xếp là Quận 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận", ông Hiếu nói.

Trong số 149 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, 7 đơn vị đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn trước nên không cần làm trong giai đoạn này. Đối với 142 đơn vị hành chính cấp xã còn lại, Thành phố sẽ tiếp tục rà soát để báo cáo về những trường hợp có yếu tố đặc thù.

Sớm xây cao tốc, phá thế độc đạo của đường hiện hữu ở Lâm Đồng

Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị tạo điều kiện ưu tiên sớm xây cao tốc, phá thế độc đạo của đường hiện hữu ở Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo.

Vị trí sạt lở trên đèo Bảo Lộc, ngày 30/7

Vị trí sạt lở trên đèo Bảo Lộc, ngày 30/7

Văn phòng Chính phủ ra thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sau chuyến kiểm tra khắc phục sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Phó Thủ tướng lưu ý, địa phương khi hoàn thiện hồ sơ và triển khai dự án cao tốc phải tính toán yêu cầu tiêu thoát nước, phòng chống sạt lở, thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Tỉnh Lâm Đồng đánh giá mức độ an toàn, nguy cơ ở khu vực sạt lở để lên phương án khắc phục. Những vị trí có nguy cơ sạt phải cảnh báo, hạn chế người và phương tiện qua lại. Người dân sống ở khu vực này được hướng dẫn kỹ năng ứng phó hoặc di dời đến nơi ở mới. "Nguyên tắc là không để xảy ra thêm sự cố nào", thông báo nêu.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và gió mùa Tây Nam, khu vực Nam Tây Nguyên mưa lớn. Chiều 30/7, một mảng đồi trên đèo Bảo Lộc sạt xuống trụ sở cảnh sát giao thông khiến ba chiến sĩ hy sinh và một người dân tử vong. Đoạn đèo thuộc Quốc lộ 20 - tuyến đường huyết mạch từ Đông Nam Bộ đến Đà Lạt.

Hai đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương dài 140 km, dự kiến khởi công quý IV năm nay. Hai đoạn thuộc Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài hơn 200 km.

CPI năm nay dự báo tăng tối đa 3,7%

Bộ Tài chính đưa ra hai kịch bản lạm phát năm nay, trong đó khả quan nhất là CPI sẽ tăng 3,2%, trường hợp xấu hơn tăng 3,7%.

CPI năm nay dự báo tăng tối đa 3,7%

CPI năm nay dự báo tăng tối đa 3,7%

Hai kịch bản dự báo tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được Bộ Tài chính nêu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, ngày 3/8.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nguồn cung, giá các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường và diễn biến đúng với kịch bản điều hành của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Chẳng hạn, lãi suất trong xu hướng giảm để gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân; tỷ giá ổn định. Lũy kế đầu năm đến cuối tháng 7, Ngân hàng Nhà nước mua ròng 3,07 tỷ USD từ các tổ chức tín dụng, bổ sung vào dự trữ ngoại hối nhà nước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 2,06% so với cùng kỳ 2022. Bình quân 7 tháng, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm ngoái; lạm phát cơ bản tăng 4,65%.

Theo Bộ Tài chính, dư địa điều hành giá những tháng còn lại năm nay "dễ thở hơn". Cơ quan này đưa ra hai kịch bản lạm phát các tháng còn lại của năm nay. Kịch bản 1, CPI bình quân năm 2023 được dự báo tăng 3,2% so với năm ngoái trên cơ sở giá lương thực, thực phẩm tăng 3%; nhà ở thuê tăng 8%, vật liệu bảo dưỡng nhà ở đắt thêm 3%, giá dịch vụ y tế tăng 4%; còn giá xăng dầu và gas giảm 10%.

Kịch bản 2, CPI năm nay tăng khoảng 3,7% khi giá xăng dầu giảm ít hơn 5%, giá lương thực, thực phẩm và dịch vụ y tế tăng lần lượt 5% và 6%.

Với các kịch bản đưa ra, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm nay tăng 3,2 - 3,7%, thấp hơn mục tiêu đưa ra đầu năm là kiểm soát tăng 4,5% (tức mỗi tháng cuối năm chỉ số này còn dư địa tăng 1,61%).

Trong khi đó, Tổng cục Thống kê dự báo, CPI tăng khoảng 3 - 3,5% với giả định giá dịch vụ giáo dục không tăng theo lộ trình. Tương tự, Ngân hàng Nhà nước dự báo, lạm phát bình quân năm nay tăng khoảng 3,7% (cộng trừ 0,5%).

Giá USD lên cao nhất một tháng

Tỷ giá chính thức trên thị trường ngân hàng sáng 3/8 tăng 30 - 35 đồng, vượt 23.900 đồng, lên mức cao nhất một tháng.

Tỷ giá chính thức trên thị trường ngân hàng sáng 3/8 tăng 30-35 đồng, vượt 23.900 đồng

Tỷ giá chính thức trên thị trường ngân hàng sáng 3/8 tăng 30-35 đồng, vượt 23.900 đồng

Sáng 3/8, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm 30 đồng so với ngày trước đó, lên 23.803 đồng. Với biên độ 5%, giá USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại được phép dao động 22.613 đồng đến 24.993 đồng.

Các ngân hàng thương mại sáng 3/8 đồng loạt điều chỉnh tỷ giá tăng 30 - 35 đồng, đưa giá bán USD vượt 23.900 đồng. Cụ thể, giá USD tại Vietcombank tăng 35 đồng lên 23.560 - 23.930 đồng. BIDV tăng giá USD 35 đồng, mua vào 23.610 đồng và bán ra 23.910 đồng. Tại Eximbank, giá mua bán USD cũng tăng 30 đồng lên 23.530 - 23.920 đồng.

Chung xu hướng, các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do sáng 3/8 tăng 70 đồng ở chiều mua vào và 40 đồng chiều bán ra, lên tương ứng 23.710 đồng và 23.760 đồng.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD Index đại diện cho sức mạnh của đồng bạc xanh giao dịch ở 102,77 điểm, cũng lên gần mức cao nhất 1 tháng.

Ngân hàng rao bán dự án du lịch tỷ USD của Tân Hoàng Minh

Agribank rao bán loạt khoản nợ thế chấp bằng bất động sản thuộc Tổ hợp du lịch, giải trí tại Phú Quốc tỷ USD của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Phối cảnh tổng thể Tổ hợp quần thể du lịch Phú Quốc Tân Hoàng Minh

Phối cảnh tổng thể Tổ hợp quần thể du lịch Phú Quốc Tân Hoàng Minh

Đầu tháng 8, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) rao bán các khoản nợ của 7 doanh nghiệp với tổng dư nợ gần 500 tỷ đồng, trong đó có tài sản đảm bảo là các bất động sản thuộc Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải.

Hai khu nằm trong Tổ hợp quần thể du lịch, giải trí quy mô gần 34 ha và hơn 20 km đường biển tại Bãi Trường, thuộc xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Dự án do chủ đầu tư là Tập đoàn Tân Hoàng Minh khởi công từ cuối 2021 với tổng mức đầu tư 24.000 tỷ đồng - dự án tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí bao gồm tòa căn hộ khách sạn, hệ thống resort, hệ thống shophouse, biệt thự...

Các bất động sản tạo tổ hợp du lịch giải trí này được chia nhỏ diện tích để thế chấp cho các khoản vay của 7 doanh nghiệp tại Agribank.

Lâm Đồng cảnh báo sạt lở nguy hiểm tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh

Ngày 3/8, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng đoàn công tác của Tỉnh đã đi kiểm tra tình trạng sụt lún, sạt lở, nứt đất tại khu vực công trình xây dựng Dự án hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà.

Cơ quan chức năng cắm cảnh báo khu vực sạt lở

Cơ quan chức năng cắm cảnh báo khu vực sạt lở

Do mưa lớn kéo dài nên xảy ra tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực sườn đồi vai phải đập, nằm ngoài và sát với khu vực thi công xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh.

Tình trạng nứt, sạt trượt đất xảy ra trên diện tích khoảng 2,5 ha, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở của 4 hộ gia đình và một số diện tích đất sản xuất của người dân; ảnh hưởng đến hạng mục công trình Dự án xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh.

Khi xảy ra tình trạng nứt, sụt đất, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và đơn vị chủ đầu tư, thi công công trình hồ chứa nước Đông Thanh đã di tản người dân, hỗ trợ di dời đồ đạc của người dân ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở. Đồng thời, hỗ trợ mỗi hộ dân bị ảnh hưởng nhà ở 10 triệu đồng.

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện tại, nhiều vị trí đất vẫn tiếp tục nhão ra và sạt trượt. Chính vì vậy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan cần tiếp tục sát sao, theo dõi để xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt là cần di tản người.

Lâm Đồng cũng sẽ đề nghị mời các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá, đưa ra kết luận cụ thể về nguyên nhân sụt, nứt và trượt đất tại khu vực. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không hoang mang, lo sợ nhưng cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Dự án xây dựng Hồ chứa nước Đông Thanh được triển khai xây dựng trên địa bàn xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà. Quy mô dự án gồm: hồ chứa có diện tích lưu vực là 11,0 km2 và dung tích toàn bộ hồ chứa là 3,05 triệu m3, dung tích hữu ích 2,88 triệu m3. Mục tiêu của Dự án sau khi hoàn thành là cấp nước tưới cho 700 ha đất nông nghiệp và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 7.500 hộ dân…

Đồng Nai cho phép Novaland bán nhà ở tại dự án Aqua City

Ngày 3/8, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã có thông báo cho phép Tập đoàn Novaland bán các dự án thấp tầng tại Dự án Aqua City (tỉnh Đồng Nai).

Dự án Aqua City

Dự án Aqua City

Cụ thể, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai có Công văn số 2797 về việc cho phép các bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh đối với các căn nhà ở thấp tầng thuộc phân khu I và V Dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland. Đây là tín hiệu tích cực khi các vướng mắc dần được tháo gỡ, là tiền đề để Dự án tiếp tục hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan cho khách hàng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho biết đang tích cực thực hiện các công việc liên quan đến điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Biên Hòa và việc bố trí nhà ở xã hội tại các dự án theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Riêng đối với Novaland, UBND Tỉnh cho phép Công ty được lập và trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 song song với việc thực hiện phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu C4; tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, bán hàng đối với các hạng mục phù hợp với quy hoạch chi tiết được phê duyệt để thực hiện cam kết với khách hàng, có nguồn tiền để tiếp tục đầu tư dự án, từng bước tháo gỡ khó khăn.

Liên tục giao dịch 'chui' cổ phiếu VC5, một cá nhân bị phạt 77,5 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Hồ Trung Đông tổng số tiền 77,5 triệu đồng.

Một cá nhân bị phạt 77,5 triệu đồng do liên tục giao dịch 'chui' cổ phiếu VC5

Một cá nhân bị phạt 77,5 triệu đồng do liên tục giao dịch 'chui' cổ phiếu VC5

Trong đó, ông Đông bị phạt 50 triệu đồng do không báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng.

Cụ thể, ông Đông đã mua 49.900 cổ phiếu của Công ty CP Xây dựng số 5 (UPCoM: VC5) vào ngày 14/10/2022, tăng sở hữu từ 237.100 cổ phiếu VC5 (4,74%) lên 287.000 cổ phiếu VC5 (5,74%), trở thành cổ đông lớn của VC5. Tuy nhiên, ông không báo cáo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) khi trở thành cổ đông lớn của VC5.

Đồng thời, ông Đông còn bị phạt tiền 27,5 triệu đồng do không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết. Cụ thể, từ ngày 11/11/2022 đến ngày 13/1/2023, ông đã thực hiện mua và bán cổ phiếu VC5, dẫn đến thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu liên tục vượt ngưỡng 1% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của VC5 nhưng không báo cáo HNX.

Tin cùng chuyên mục