Nhu cầu tìm hiểu tình hình thu chi ngân sách nhà nước của người dân là hoàn toàn chính đáng. Ảnh: Lê Tiên |
Ngân sách nhà nước là do người dân đóng góp, sự quan tâm của nhân dân đối với tình hình sử dụng ngân sách là hoàn toàn chính đáng và dễ hiểu.
Chuyện bên “Tây”
Trên website chính thức của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, mọi người trên khắp thế giới đều có thể tìm thấy BCTC của Chính phủ Hoa Kỳ năm 2015, là BCTC Nhà nước mới nhất. Báo cáo dài 274 trang với các báo cáo dòng tiền, tài sản, nguồn vốn, thu chi ngân sách cùng thuyết minh và các bảng biểu chi tiết. Báo cáo không chỉ mang tính cung cấp tình hình hiện tại, mà phần nào dự đoán bức tranh tương lai về ngân khố quốc gia.
BCTC của Chính phủ Hoa Kỳ vì vậy phục vụ rất nhiều đối tượng độc giả. Bao gồm người dân, những người muốn biết Chính phủ sử dụng tiền thuế của mình như thế nào, có thực sự minh bạch và hiệu quả, hay nhà đầu tư nước ngoài muốn đánh giá tổng thể sức khỏe nền kinh tế nước này, hoặc các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc gia, các cá nhân/tổ chức nghiên cứu độc lập…
Tại Hội thảo Dự thảo Nghị định về BCTC Nhà nước, ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến kinh nghiệm lập BCTC Nhà nước ở các nước tiên tiến. Ông Danh cho biết, thời gian từ lúc có luật quy định đến khi có trong tay sản phẩm đầu tiên là BCTC Nhà nước, ở các nước như Hàn Quốc, Mỹ là khoảng chục năm.
Ở Việt Nam thì sao?
Đầu tháng 9 chúng ta mới có Dự thảo Nghị định, khoảng tháng 12/2016 chính thức trình Chính phủ. Thế nhưng chúng ta lại kỳ vọng có BCTC cho năm tài khóa 2018 (dự kiến công bố vào năm 2020). 5 năm cho một công việc hoàn toàn mới mẻ và phức tạp, theo ông Danh là quá nhanh.
Được biết, theo quy định, để lập BCTC Nhà nước, Kho bạc Nhà nước cần được các cơ quan quản lý thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước các cấp, cơ quan quản lý tài sản, nguồn vốn nhà nước… cung cấp rất nhiều thông tin theo yêu cầu.
Trao đổi bên lề với Báo Đấu thầu, cán bộ của Kho bạc Nhà nước một tỉnh cho biết, điều ông lo ngại nhất là Kho bạc Nhà nước “giao việc” không cụ thể cho từng cơ quan, ban ngành, họ sẽ không biết cần phải báo cáo những con số, chi tiết như thế nào…
Cần minh bạch với người dân
Điều 15 Dự thảo Nghị định về BCTC Nhà nước quy định nội dung công khai BCTC Nhà nước, tuy nhiên phạm vi công bố chỉ là “một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng”.
Ông Phạm Sỹ Danh đặt câu hỏi, công khai một phần thì giải quyết vấn đề gì, qua đó dân giám sát được gì? Quan trọng hơn nữa, điều này sẽ tạo dư luận là Nhà nước đang cố che giấu thông tin. Khi có thông tin BCTC Nhà nước sẽ được công khai, nhìn chung người dân kỳ vọng rất nhiều về minh bạch thông tin.
Tất nhiên, về nguyên tắc, sẽ có những thông tin không được công khai chi tiết. Ví dụ chi phí quốc phòng. Ngay cả các quốc gia phát triển cũng che dấu con số này vì liên quan đến an ninh quốc gia.
BCTC Nhà nước không chỉ dành cho Chính phủ, Quốc hội, mà còn dùng cho các tổ chức quốc tế. Có nghĩa là BCTC Nhà nước của Việt Nam cần được quốc tế công nhận. Muốn vậy, trước hết cần có các chuẩn mực kế toán, hiện vẫn đang là thách thức. Việt Nam chưa có chuẩn mực kế toán công, trong khi đó là cái cần có trước, một đại diện đến từ Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.
Cũng phục vụ nhu cầu minh bạch, hầu hết mọi người tham gia Hội thảo đều thống nhất, BCTC Nhà nước không bắt buộc kiểm toán. Điều đó không trái với Luật Kế toán 2015. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, cần lập 1 ủy ban/tổ chức ngoài Kho bạc Nhà nước để thẩm định BCTC Nhà nước nhằm bảo đảm tính khách quan của Báo cáo. Hoạt động thẩm định này về cơ bản tiến hành nhanh chóng hơn hoạt động của các cơ quan kiểm toán, nhất là khi mọi việc mới chỉ bắt đầu.