Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo hình thức PPP chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Ảnh: Phú An |
Dự kiến đầu tư từ năm 2021 - 2025
Bộ GTVT cho biết, việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo hình thức PPP là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay, từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Tây Ninh, rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh); giảm tải và khắc phục tình trạng ách tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 22…
Đơn vị tư vấn lập báo cáo NCTKT Dự án là Viện Nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc và Viện Giao thông vận tải Hàn Quốc. Theo thông lệ quốc tế, 2 nhà tư vấn này của Hàn Quốc đã nghiên cứu các phương án cấu trúc tài chính của Dự án theo hướng ODA kết hợp PPP. Để đảm bảo tính khả thi về tài chính và hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế, Tư vấn đề xuất cần có bảo lãnh doanh thu tối thiểu của Chính phủ khoảng 50 triệu USD cho 5 năm đầu khai thác đối với phương án đầu tư theo hợp đồng BOT hoặc Chính phủ thanh toán khoản thuê cố định khoảng 55 triệu USD/năm cho giai đoạn khai thác với thời hạn thuê 30 năm đối với phương án đầu tư theo hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ).
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, khung pháp lý của Việt Nam chưa cho phép cung cấp bảo lãnh doanh thu tối thiểu của Chính phủ hoặc bố trí ngân sách nhà nước để thanh toán hàng năm cho cả vòng đời dự án như đề xuất của Tư vấn. Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án (QLDA) 2 tổ chức rà soát, cập nhật, bổ sung Báo cáo NCTKT của Dự án phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam. Theo đó, điểm đầu Dự án tại điểm giao với đường vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn, TP.HCM; điểm cuối tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh (chiều dài tuyến 53,5 km).
Về tiến độ Dự án, Bộ GTVT đề xuất đầu tư Dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, theo đó từ năm 2019 - 2020 sẽ hoàn thiện báo cáo NCTKT, trình phê duyệt chủ trương đầu tư và các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Dự kiến sẽ đưa tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào khai thác năm 2026.
Chưa đủ cơ sở thẩm định nguồn vốn
Theo kết quả NCTKT, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.688 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 5.745 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng là 2.004 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 862 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian xây dựng là 790 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 1.287 tỷ đồng.
Theo Bộ GTVT, để đảm bảo tính khả thi của Dự án, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước tham gia vào công tác giải phóng mặt bằng của Dự án và một phần chi phí xây dựng. Dự kiến, phần vốn góp của Nhà nước tham gia trong Dự án sẽ sử dụng nguồn vốn ODA và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước với tỷ lệ không quá 50% tổng mức đầu tư Dự án. Cụ thể, Nhà nước tham gia thực hiện Dự án khoảng 5.025 tỷ đồng (gồm 4.853 tỷ đồng vốn vay ODA, vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước 172 tỷ đồng); còn vốn nhà đầu tư khoảng 5.662 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 641 tỷ đồng, vốn vay khoảng 4.272 tỷ đồng).
Bộ GTVT cho biết, hiện Dự án chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được giao, trong khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chưa được xây dựng. Do vậy, hiện tại Bộ GTVT chưa đủ cơ sở thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đầu tư cho Dự án. Để đảm bảo tiến trình thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư Dự án theo hình thức PPP, trong đó phần vốn nhà nước tham gia Dự án được huy động từ vốn vay ODA và vốn đối ứng. Bộ GTVT cũng đề nghị Thủ tướng chấp thuận giao Bộ này làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài để thu xếp, tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ kỹ thuật thực hiện các nghiên cứu tiếp theo của Dự án, đồng thời thu xếp nguồn vốn vay ODA cho phần vốn nhà nước tham gia đầu tư Dự án.