Bảo đảm nguồn lực tài chính để ổn định kinh tế vĩ mô

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngành tài chính cần theo dõi sát tình hình thế giới và trong nước để quyết liệt thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế. 
Nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm
vụ thu ngân sách nhà nước năm nay. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm nay. Ảnh: Lê Tiên

Đồng thời, cần bảo đảm dự toán thu chi ngân sách, nguồn lực tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Triệt để tiết kiệm

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động điều hành chi ngân sách nhà nước (NSNN) chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, bố trí trong dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng.

Đặc biệt, rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, nhất là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết; đồng thời, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 nhằm chia sẻ khó khăn với Nhà nước.

Trong khi đó, nhiều địa phương cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm nay.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, 6 tháng đầu năm, tổng thu NSNN trên địa bàn Thành phố đạt hơn 165 nghìn tỷ đồng, đạt 40,21% so với dự toán và bằng 85,61% so với cùng kỳ 2019, chi ngân sách hơn 31.349 tỷ đồng, bằng 34% dự toán.

“6 tháng cuối năm, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tháo gỡ khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhất dự toán thu ngân sách được giao. Để làm được điều đó, Thành phố sẽ thực hiện các biện pháp khôi phục nhanh kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, tập trung vào thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, TP.HCM sẽ tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để bảo đảm thu hút đầu tư”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, tổng thu ngân sách của Thành phố 6 tháng đầu năm đạt trên 38 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt trên 38% dự toán. Chi ngân sách địa phương đạt hơn 9 nghìn tỷ đồng. “Năm 2020 có nhiều khó khăn và thách thức đối với Hải Phòng. Tuy nhiên, Thành phố quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao và không điều chỉnh bất cứ một mục tiêu nào đã đề ra”, ông Bình cho biết.

Tình trạng chật vật thu ngân sách cũng diễn ra tại TP. Cần Thơ. Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, thu nội địa 6 tháng chỉ đạt hơn 48% so với dự toán được giao. “Mặc dù lường trước những tháng cuối năm còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Cần Thơ quyết tâm phấn đấu thu đạt 100% kế hoạch”, ông Hiển nói.

Thách thức lớn nhưng còn dư địa chính sách

Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi nhiều tỉnh, thành phố thể hiện quyết tâm cao không điều chỉnh chỉ tiêu năm nay. Cho rằng khó khăn thách thức phía trước còn rất lớn nhưng Thủ tướng cũng nêu rõ, so với các nước, không gian chính sách tài khóa và tiền tệ của chúng ta còn dư địa khá lớn trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phương châm đặt ra là tài chính không bị động để nền kinh tế bị thu hẹp mà phải chủ động góp phần tạo ra chiếc bánh lớn hơn để có thêm nhiều nguồn lực hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh. Đây cũng là con đường tốt nhất để góp phần bảo đảm an toàn xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh trong trung và dài hạn.

Đến hết tháng 6/2020, tổng thu NSNN ước đạt 668,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng chi NSNN ước đạt 729,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán. Nguồn: Bộ Tài chính

Thủ tướng yêu cầu: “Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất cụ thể về các gói kích thích tài khóa, các giải pháp tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng”.

Về tỷ lệ nợ công so với GDP, theo Thủ tướng, chúng ta đã giảm ở mức dưới 55% GDP vì vậy có thể nâng mức bội chi và nợ công thêm khoảng 3 - 4% GDP và không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Vấn đề đặt ra là phải có phương án, có giải pháp sử dụng vốn hiệu quả.

Về thu chi ngân sách, Thủ tướng chỉ đạo: “Thu ngân sách phải đảm bảo và không để mất cân đối lớn, không làm dự toán ngân sách bị đổ bể sâu. Về chi ngân sách, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, cần thực hiện hiệu quả chủ trương tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo tinh thần Nghị quyết 84 của Chính phủ”.

Tin cùng chuyên mục