Doanh nghiệp bảo hiểm chưa có đủ thông tin đánh giá tín nhiệm của bên mua bảo hiểm là một điểm bất lợi của lĩnh vực bảo hiểm bảo lãnh. Ảnh: Việt Trần |
Thị phần tăng rất chậm
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, đến nay mới có 8 doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được phép kinh doanh bảo hiểm bảo lãnh, gồm: Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, BIC, Bảo Việt Tokio Marine, MSIG, VBI và SGI.
Không chỉ ít về số lượng đơn vị tham gia thị trường, doanh thu của bảo hiểm bảo lãnh cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng quy mô của bảo hiểm phi nhân thọ. Năm 2017, doanh thu phí bảo hiểm gốc của loại hình bảo hiểm này mới đạt 28 tỷ đồng, chiếm 0,07% tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ, con số này tăng lên 0,09% trong 9 tháng đầu năm nay.
Trong khi đó, phân khúc thị trường này được đánh giá là rất tiềm năng bởi tổng quy mô thị trường bảo lãnh năm 2017 ước đạt 5.832 tỷ đồng và bảo hiểm bảo lãnh mới chiếm 0,5% phí bảo lãnh của toàn thị trường.
Theo ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, với tiềm năng phát triển tốt, dù đã có quy định rõ tại các văn bản pháp lý song đến nay, tốc độ tăng trưởng thị phần của bảo hiểm bảo lãnh vẫn rất chậm chạp với nguyên nhân từ cả chính sách và kinh nghiệm phát triển thị trường.
Cũng phân tích về lý do này, bà Nguyễn Thị Hồng Chi, Phó Trưởng phòng Quản lý giám sát bảo hiểm phi nhân thọ thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nêu một số điểm đáng chú ý. Về thị trường, bảo hiểm bảo lãnh là nghiệp vụ bảo hiểm mới, doanh nghiệp bảo hiểm chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có đủ thông tin đánh giá tín nhiệm của bên mua bảo hiểm. Trong khi đó, chính sách về bảo lãnh tại Luật Bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Hải quan chưa đề cập đến bảo hiểm bảo lãnh.
Cần hỗ trợ từ pháp lý
Ông Jeong Beon Soon cho rằng, để hỗ trợ thị trường bảo hiểm bảo lãnh, quy định pháp lý nên sửa đổi theo hướng cho phép sử dụng đơn bảo hiểm bảo lãnh là công cụ bảo đảm dự thầu và bảo đảm thực hiện hợp đồng. Việc sửa đổi này sẽ mở rộng tổ chức bảo lãnh từ ngân hàng tới các công ty bảo hiểm, tăng quyền lựa chọn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Mặt khác, vị giám đốc này cho rằng, Việt Nam nên thiết lập nền tảng đánh giá tín nhiệm với bên mua bảo hiểm bảo lãnh. Hiện tại, thông tin giao dịch tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp và cá nhân ở Việt Nam do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) thu thập và quản lý, còn nội dung giao dịch tín dụng với công ty bảo hiểm chưa được tập trung và tra cứu tại đây.
“Đánh giá tín nhiệm của bên mua bảo hiểm là một trong những khâu quan trọng nhất bảo đảm hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm bảo lãnh và tăng độ tin cậy để thị trường phát triển. Do đó, ngoài việc xếp hạng tín nhiệm của cá nhân và doanh nghiệp có hoạt động vay vốn tại ngân hàng, cơ quan quản lý Việt Nam cũng cần quản lý tập trung cả nội dung tín dụng của công ty bảo hiểm”, ông Jeong Beon Soon khuyến nghị.